Thầy trò bơ phờ vì thi thố

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Các cuộc thi, hội thi phong trào từ trên giao xuống nhiều, chồng chéo gây ảnh hưởng đến thời gian học tập của thầy trò mà khó lòng từ chối.

Chương trình nặng, hầu hết HS ở TP.HCM học hai buổi/ngày. Ngoài các kỳ kiểm tra chính khóa, các kỳ thi xếp hạng, thi HS giỏi, thầy trò các trường còn khổ sở vì phải tham dự hàng loạt cuộc thi có tính phong trào.

Hiệu quả rõ ràng là có, nhưng sự lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức cho các cuộc thi này cũng rất đáng kể. Nhiều giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên than thở vì các cuộc thi, hội thi phong trào từ trên giao xuống nhiều, chồng chéo gây ảnh hưởng đến thời gian học tập của thầy trò mà khó lòng từ chối.

Học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa tham gia cuộc thi Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông (do Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban ATGT TP.HCM tổ chức tháng 9-2014). Đây là lần thứ tư cuộc thi được tổ chức nhằm vận động HS đi xe đạp an toàn. Có 97 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia cuộc thi này - Ảnh: Ý THI
Học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa tham gia cuộc thi Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông (do Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban ATGT TP.HCM tổ chức tháng 9-2014). Đây là lần thứ tư cuộc thi được tổ chức nhằm vận động HS đi xe đạp an toàn. Có 97 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia cuộc thi này - Ảnh: Ý THI

Thi hay quảng cáo?

Không ép buộc HS

Trong vòng sáu tuần đầu năm học mới này, chỉ tính riêng Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức hoặc phối hợp triển khai hơn 10 cuộc thi như Cùng non sông cất cánh, Nâng cao kiến thức pháp luật cho HS - SV, Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông, Robotics cấp thành phố, Hội thi khéo tay kỹ thuật cấp THCS, Hội thi sáng tác ảnh cho HS trung học lần 8, Hội thi đầu bếp trẻ dành cho HS THPT, Người tuyên truyền pháp luật giỏi, Vũ điệu non sông lần 3... Ngoài ra, các trường học cũng đang tham gia một số cuộc thi khác như thi tiếng Anh qua mạng, giải toán qua Internet - Violympic, giải toán bằng máy tính, Prudential - Văn hay chữ tốt, hùng biện tiếng Anh...

Một chuyên viên phòng trung học của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Các cuộc thi đều được tổ chức theo tiêu chí đăng ký tự nguyện, không ép buộc HS tham gia và không làm ảnh hưởng đến việc dạy học. Thời gian cũng được phân bố đều các tháng trong năm. Đây là những sân chơi tạo điều kiện cho các em thể hiện kỹ năng, sở thích và có định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.

Khi chúng tôi tìm hiểu thông tin về các cuộc thi phong trào, các trợ lý thanh niên, bí thư Đoàn trường hay tổng phụ trách Đội ở các trường học đều cho rằng đây không phải là thời điểm có nhiều cuộc thi cùng tổ chức nhất trong năm.

Không đúng thời điểm song từ đầu năm học 2014-2015 đến nay, tức chỉ hơn một tháng, có thể liệt kê ra gần 20 cuộc thi lớn nhỏ cấp quận và thành phố mà các trường được thông báo đăng ký tham gia.

Hầu hết cuộc thi lớn nhỏ đều có hình thức đăng ký tự nguyện, nhưng cũng không hiếm cuộc thi mà nhà trường được chỉ định tham gia và tất cả hoạt động này đều được đưa ra đánh giá thi đua của tập thể và cá nhân vào cuối năm học.

Tại một trường THPT quận 10, trợ lý thanh niên cho biết trường đang chuẩn bị lực lượng HS lớp 10 và 11 để tham gia hội thi Cùng non sông cất cánh do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức.

Ngoài đội thi trắc nghiệm bốn thành viên còn phải tổ chức đội cổ động đi theo cổ vũ. “Từ đầu năm học đến nay, trường đã tham gia gần chục cuộc thi, trong đó một số do Sở GD-ĐT tổ chức hoặc sở phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp như Vũ điệu non sông, Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông, thi viết Chắp cánh ước mơ, thi viết về hàng Việt, thi giáo dục pháp luật, ngoài ra còn có các cuộc thi do Quận đoàn tổ chức.

Các trường rất sợ các cuộc thi bởi kinh phí là một chuyện, huy động HS, giáo viên tham gia là chuyện khác, rồi thời gian tập luyện, bồi dưỡng, trang phục, mua dụng cụ... để đi thi. Nhiều em phải nghỉ học một số buổi để tham gia phong trào” - một giáo viên nói.

Giáo viên này cho biết đa số trợ lý thanh niên ở các trường THPT hiện nay làm công tác kiêm nhiệm, vừa dạy vừa làm phong trào nên rất khó khăn khi triển khai hoạt động.

“Không phủ nhận nhiều đơn vị tổ chức thi quy củ, ý nghĩa nhưng cũng có tình trạng các doanh nghiệp, trường đại học, công ty tư vấn du học, trung tâm Anh ngữ... cũng mượn “mác” giáo dục để tổ chức các cuộc thi nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, treo băngrôn, tổ chức ồn ào để quảng cáo là chính” -  thầy cho biết.

Về vấn đề này, sở đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị trường học tuyệt đối không cho phép doanh nghiệp thực hiện hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mang tính thương mại trong trường. “Tuy nhiên, đa số cuộc thi hiện nay đều có một nhà tài trợ (hầu hết là doanh nghiệp) đứng sau, việc phân định rõ mục đích các cuộc thi là hỗ trợ giáo dục hay quảng cáo thì rất vô chừng.

Một số công ty tham gia các cuộc thi tổ chức rất khéo léo, nhưng cũng có những cuộc thi có nhân viên công ty mang đồng phục bán hàng, tặng sản phẩm khuyến mãi rất phản cảm” - tổng phụ trách Đội tại một trường tiểu học cho hay.

Thi miệt mài, chồng chéo

Trong khi đó, một giáo viên chủ nhiệm lớp 8 tại Gò Vấp nêu ý kiến: “Các hoạt động thi thố chỉ có ý nghĩa nếu được chọn lọc, đúng thời điểm và phù hợp điều kiện trường sở.

Đầu năm học giáo viên chủ nhiệm phải lo chuyên môn, làm sổ sách, tổ chức lớp vào nề nếp, rồi phải lo bồi dưỡng HS giỏi, chuẩn bị cho các em thi Hội khỏe Phù Đổng, thi Văn hay chữ tốt, thi tìm hiểu lịch sử địa phương... khiến cả cô và trò đều phải chạy vòng quanh mới lo kịp tiến độ thi.

Trong năm học có những thời điểm như tháng 11 hoặc tháng 3 hằng năm cả chục cuộc thi được đưa xuống, cuộc thi này chưa đến chung kết thì cuộc khác đã vào vòng loại, chồng chéo nội dung nhưng không thể không tham gia vì đây là tiêu chí để xét thi đua cuối năm cho trường và cho chính giáo viên”.

Cô Trương Thị Hiếu Hạnh - tổng phụ trách Đội tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, người có 20 năm hoạt động phong trào - nêu ý kiến: “Đúng là các cuộc thi thì rất nhiều, tuy nhiên mình phải có kinh nghiệm sắp xếp thời gian sao cho phù hợp và không ảnh hưởng đến việc học của các em, mặt khác tham gia các cuộc thi theo sức mình chứ không ôm đồm. Việc này các trường ở quận 4 thực hiện rất nhẹ nhàng và hợp lý. Nhưng thật sự hiện nay các tổng phụ trách là giáo sinh mới ra trường rất bối rối với các hoạt động phong trào, không biết bắt đầu từ đâu, huy động thế nào, hoặc cách giao tiếp, truyền đạt với giáo viên có thể không khuyến khích, động viên được các cô cảm thấy hứng thú với phong trào”.

Cô Lê Trần Kiều Hoa - tổng phụ trách Đội Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 - cho biết: “Với các cuộc thi của sở thì trường tham gia khoảng 80% tùy khả năng HS, các em đáp ứng được mới đăng ký tham gia. Rất khó tham gia nếu cuộc thi diễn ra vào ngày học hoặc gây ảnh hưởng việc học. Ở đây, khó khăn chủ yếu về mặt thời gian vì ở các quận trung tâm thời gian học của HS rất lớn, có em cuối tuần vẫn phải đi học và áp lực học tập từ phụ huynh rất cao nên không thể nào tham gia các phong trào quá sức hay mất thời gian”.

Ở trường này cũng như nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM, mỗi giáo viên chủ nhiệm đồng thời phụ trách chi đội lớp mình và được đánh giá thi đua thông qua công tác chủ nhiệm lẫn công tác phong trào.

Không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi

Chỉ trong vòng một tháng, giáo viên chủ nhiệm chúng tôi phải triển khai cho học sinh tham gia ba cuộc thi gồm “Em yêu lịch sử VN”, “Viết về an toàn giao thông”, “Câu chuyện Chữ thập đỏ của tôi”. Đành rằng mục đích, ý nghĩa tích cực của các cuộc thi này là điều không cần phải bàn cãi, nhưng việc học sinh phải liên tục tham gia nhiều cuộc thi trong thời gian ngắn thì hiệu quả sẽ rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc học và lãng phí tiền bạc.

Cảm nhận đó được giáo viên chúng tôi kiểm chứng sau khi thu bài dự thi của học sinh. Chỉ có số ít bài là các em tự làm, còn lại các em lên mạng tải về in ra rồi đem nộp, chỉ thay mỗi cái tên của mình nên nhiều em không biết nội dung trong đó viết cái gì, thành ra hiệu quả tuyên truyền, giáo dục gần như bằng không!

Trường tôi có gần 2.000 học sinh, tính ra chi phí tiền bạc cho việc in chừng đó bài mà không có hiệu quả tuyên truyền giáo dục là một sự lãng phí không cần thiết. Nếu tính rộng ra thì sẽ là một sự lãng phí không hề nhỏ.

Do đó, thiết nghĩ không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi cho học sinh làm ảnh hưởng đến việc học của các em. Và cũng không nên chạy theo thành tích 100% học sinh tham gia mà chỉ nên lựa chọn những em có khả năng, hoặc giao cho mỗi tổ làm một bài để có sự đầu tư hiệu quả. Lâu nay hầu như với các cuộc thi, lãnh đạo đều thích báo cáo “100% tham gia”.

Khi trên chỉ thị như vậy thì giáo viên chủ nhiệm sẽ phải “dọa” học sinh không tham gia sẽ bị hạ bậc hạnh kiểm. Để không bị hạ hạnh kiểm, học sinh sẽ đối phó bằng cách lên mạng copy rồi đem nộp bài cho có lệ. Biết học sinh đối phó như vậy nhưng làm sao nỡ “xử” thật như tuyên bố khi mà chúng tôi biết có những cuộc thi nếu giáo viên tham gia thì cũng khó có bài để nộp!

THU THỦY

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên