Dạy thêm, học thêm - nhìn từ hai phía

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN

TT - Dự kiến vào tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm, trong đó có nhiều quy định nhằm thắt chặt hơn hoạt động này ở cả trong và ngoài nhà trường.

Trong bối cảnh đó, cùng với ý kiến của các giáo viên, phụ huynh, các nhà nghiên cứu giáo dục..., Tuổi Trẻ mong muốn góp phần nhận diện và mổ xẻ thực trạng dạy thêm, học thêm một cách thấu đáo, từ cả hai phía người dạy và người học.

Hầu hết giáo viên, phụ huynh đều cho rằng sẽ không giải quyết được những bất cập trong dạy thêm, học thêm khi gốc rễ vấn đề chưa được giải quyết.

jsNWJyZq.jpgPhóng to
Một điểm dạy thêm ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT được hiểu là việc dạy thêm, học thêm sẽ không cấm, nhưng những quy định tại dự thảo có nhiều nội dung xa rời thực tế và chỉ là giải pháp “chặt ngọn”.

Không thực tế

Oan cho nhiều thầy cô

Có một bộ phận giáo viên vì mục đích thu nhập đã dạy thêm bằng mọi cách, gây sức ép đối với học sinh, có thái độ không đúng mực với học sinh không học thêm mình, tổ chức dạy trước chương trình, cho học sinh làm trước bài kiểm tra ở lớp học thêm để thu hút học sinh đăng ký. Điều này rất đáng trách. Nhưng bên cạnh đó cũng có những giáo viên có năng lực, yêu nghề, dạy thêm để kiếm sống lương thiện nhưng cũng để thỏa mong muốn mang kiến thức đến cho học sinh, giúp các em học sinh lấp khoảng trống kiến thức. Vì vậy nói “dạy thêm, học thêm” là một tệ nạn thì oan cho nhiều thầy, cô.

Ông Nguyễn Thành Kỳ (nguyên trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội)

Cô Đặng Hà Anh, giáo viên Trường THCS Thăng Long (Hà Nội), cho rằng: “Quy định giáo viên đang ăn lương ở các trường công lập không được tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường là bất hợp lý”.

Ông Nguyễn Thành Kỳ, nguyên trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng chung ý kiến này khi cho rằng “vô hình trung bộ bật đèn xanh cho người không phải là giáo viên đứng ra tổ chức lớp học, giáo viên dạy thêm phải lệ thuộc vào một trung gian và không ràng buộc được trách nhiệm của giáo viên về điều kiện dạy học, chất lượng, mức học phí”.

Tương tự, ở bậc tiểu học, dự thảo của Bộ GD-ĐT quy định “không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ việc tổ chức chăm sóc, trông giữ học sinh theo nhu cầu của phụ huynh”. Cô Phạm Hồng Anh, cán bộ quản lý một trường tiểu học tại Hà Nội, nói: “Làm thế nào để phân định được lớp trông giữ học sinh và lớp học thêm? Nhiều trường tiểu học không có điều kiện tổ chức học sinh học hai buổi/ngày tại trường, phụ huynh đều kiến nghị cho phép cô giáo tổ chức lớp học ngoài nhà trường, với lý do chủ yếu là trông giữ trẻ. Nhưng trên thực tế, thời gian ở lớp này học sinh vẫn học thêm và giáo viên vẫn dạy thêm. Vậy họ vi phạm hay không vi phạm, xử lý thế nào?”.

Chị Hồng Hoa, có con học tại Trường tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết: “Con tôi không yếu kém nhưng cả bố lẫn mẹ đều đi làm về muộn, không đón con ở trường được. Nhà cô giáo gần trường, gửi cô chở con về nhà, cô dạy kèm đến 19g. Tối về nhà trẻ nghỉ ngơi, bố mẹ khỏi kèm. Tiện cả đôi bên. Cô giáo có điều kiện cải thiện thu nhập và kèm thêm cho học sinh yếu, bồi dưỡng thêm cho học sinh khá giỏi. Nếu quy định buộc cô giáo phải làm đủ thứ thủ tục mới được kèm học sinh kiểu này thì quá nhiêu khê cho cô và gây khó khăn cho cả phụ huynh”.

Trong khi đó, PGS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) - cho rằng quy định về “thời lượng dạy thêm, học thêm cho một học sinh” của bản dự thảo rối rắm, khó hiểu, không rõ đối tượng vận dụng là ai. “Khi đã học thêm, các em có nhu cầu học nhiều môn, nhiều nơi thì giới hạn này có ý nghĩa gì?” - PGS Cương đặt vấn đề.

Theo PGS Cương, việc quy định chi tiết cả thời lượng bồi dưỡng các môn năng khiếu, rèn nhạc, học võ cho thấy quy định này không sát với thực tế khi đây là nhu cầu của phụ huynh và gia đình, không thể “giới hạn” dễ dàng bằng một thông tư hướng dẫn.

Ông Nguyễn Thành Kỳ cho rằng mỗi địa phương nên có một quy định riêng dựa trên quy định khung của Bộ GD-ĐT, phù hợp tình hình, đồng thời có những điều chỉnh linh hoạt tùy theo thực tế để tránh tình trạng quy định rồi để đó.

Không khả thi

Theo cô Nguyễn Hằng - giáo viên THCS tại quận Đống Đa (Hà Nội), hiện nay hầu hết giáo viên có thể dạy thêm được đều dạy thêm. Mô hình lớp dạy thêm ngoài nhà trường rất đa dạng, tùy nhu cầu người học và biến động hằng ngày. “Việc yêu cầu người tổ chức lớp học phải làm quá nhiều thủ tục sẽ bất hợp lý và không khả thi. Nếu người tổ chức không thực hiện thì cũng khó có thể kiểm soát được” - cô Hằng nhấn mạnh.

Dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin công cộng của địa phương (xã, phường, thị trấn) và tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước khi thực hiện dạy thêm: giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm, danh sách người dạy thêm, nội dung, chương trình dạy thêm học thêm của các lớp học, môn học, thời khóa biểu và đặc biệt phải công bố danh sách người học theo các lớp học, môn học”.

Nhiều giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM băn khoăn: “Làm sao công bố trước danh sách người học và công bố để làm gì? Phương tiện thông tin công cộng địa phương phải hiểu là phương tiện gì (phát loa hay dán thông báo, ai phụ trách phần việc này...). Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nói: “Hôm nay lớp có 10 em học, ngày mai vài em nghỉ, giáo viên lại phải thông báo sao? Chưa kể giáo viên có uy tín ngày nào cũng có thêm học sinh đăng ký thì cũng phải thông báo liên tục lên đài phường chăng?”. Bộ không nên quy định chi tiết tới mức này, chi tiết mà không khả thi và không kiểm soát được thì việc thực hiện chỉ mang tính đối phó.

Ông Nguyễn Thành Kỳ cho rằng: “Có quá nhiều áp lực đối với nhà trường, giáo viên, học sinh dẫn đến việc thầy cô phải đi dạy, học trò phải đi học. Thay vào việc tìm cách hạn chế bằng giải pháp hành chính thì cần điều tra nguyên nhân và từng bước giải quyết. Nếu chỉ “chặt ngọn” thì chuyện dạy thêm sẽ giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, dẹp chỗ này học sinh lại tìm đến chỗ khác. Còn giáo viên nếu làm thêm bằng việc dạy học, xét cho cùng vẫn trong sạch, không nhếch nhác như khi phải bon chen kiếm sống bằng những việc khác”.

Không giải quyết được gì

Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cho rằng: “Nếu quy định dạy thêm, học thêm được ban hành với tinh thần giống như dự thảo sẽ không có tác dụng gì. Xã hội đang phải sống chung với dạy thêm, học thêm, nhưng không ai có thể tham mưu cho Bộ GD-ĐT cách làm nào tốt nhất để giải quyết tình trạng này. Bộ ban hành thì cứ ban hành, còn khi thực hiện có tiêu cực hay không tùy thuộc vào từng hiệu trưởng, từng giáo viên. Quy định này nếu ban hành có lẽ sẽ trấn an được dư luận nhưng không giải quyết được gì.

Những điểm mới trong dự thảo quy định quản lý dạy thêm, học thêm

1. Không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy.

2. Quy định thời lượng dạy thêm cho một học sinh/tuần, số tiết/buổi học.

3. Với các lớp dạy thêm trong nhà trường, phải phân loại học sinh theo học lực, tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ.

4. Giáo viên dạy thêm (trong nhà trường) phải có đơn đăng ký dạy thêm và được nhà trường phân công dạy thêm. Giáo viên dạy thêm (ngoài nhà trường) phải cam kết với UBND cấp xã nơi tổ chức dạy thêm thực hiện đúng quy định, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, có giấy phép dạy thêm, công bố công khai danh sách học sinh, nội dung học, mức phí sẽ thu...

5. Quy định thống nhất trên toàn quốc về việc thu và quản lý tiền học thêm, thẩm quyền và thủ tục cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép dạy thêm.

6. Quy định về trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm của chính quyền, các cấp quản lý giáo dục.

Kỳ 2: Dạy thêm - học thêm, do đâu?

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ - PHÚC ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên