Có lẽ bất cứ ai đi ra đường trong thành phố này cũng sẽ đồng tình với ông bí thư.
Và như thế, chúng ta nghĩ gì về nỗi bức xúc số 1 này với giấc mơ trở thành một trong những đô thị phát triển và đáng sống hàng đầu trong khu vực như ông bí thư Thành ủy bày tỏ ngày mới nhậm chức?
Các cơ quan quản lý và người dân TP.HCM từng kỳ vọng rất nhiều vào tàu điện ngầm và trên cao (MRT). Nhưng đã vài chục năm kể từ khi MRT được đưa vào quy hoạch giao thông đô thị, đến nay mới chỉ có tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài khoảng 20km có hình hài, dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2018.
Tổng mức đầu tư của tuyến MRT 20km này được điều chỉnh tăng từ 17.300 tỉ đồng lên 47.300 tỉ đồng. Tính ra, suất đầu tư 1km MRT khoảng 2.365 tỉ đồng.
Để TP.HCM đầu tư được 200-250km MRT như ở Singapore, Hong Kong, ước tính cần tới 25-30 tỉ USD, một con số quá lớn, đặc biệt trong điều kiện tỉ lệ thu ngân sách để lại cho TP.HCM đang giảm. Thời gian để TP.HCM hoàn thành đầu tư 8 tuyến MRT có thể thấy sẽ rất lâu.
Ngay cả khi có hệ thống MRT, nó cũng không thể đảm đương được toàn bộ nhu cầu giao thông công cộng ở đô thị lớn nhất Việt Nam này. Chỉ có một loại phương tiện có khả năng phủ kín đô thị đến mức người dân về cơ bản không cần phải sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân (xe máy, ôtô con), đó là xe buýt.
Kể cả ở những đô thị có MRT rất phát triển như Singapore, Hong Kong, hằng ngày xe buýt vẫn đảm đương hơn 50% lượng khách vận chuyển giao thông công cộng.
Để nhanh chóng giảm tải đường phố và cải tạo giao thông TP.HCM một cách đáng kể, xe buýt phải là trọng tâm, là mối quan tâm số 1 của chính quyền thành phố. Số tiền đầu tư chỉ 1km đường MRT đủ để đầu tư hơn 1.000 chiếc xe buýt hiện đại, bằng 1/3 số xe buýt mà TP.HCM đang có.
Điều trớ trêu là thị phần của xe buýt ở TP.HCM không những không tăng lên mà còn bị giảm. Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách đi xe buýt giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, số lượng xe máy đăng ký tại TP.HCM trong những năm gần đây tăng chóng mặt, mỗi năm thêm cỡ 500.000 chiếc và hiện tại đạt cỡ 7.500.000 chiếc.
Mỗi kilômet đường ở TP.HCM đang phải “gánh” hơn 2.000 chiếc xe máy và khoảng 150 chiếc ôtô các loại (khoảng một nửa là xe con công vụ và cá nhân). Chỉ cần quan sát đường phố vào giờ cao điểm trong ngày, dễ dàng nhận ra một sự thật: ở TP.HCM, xe buýt không có đủ đường để chạy nhanh, an toàn, hiệu quả.
Là loại phương tiện giao thông đô thị phổ biến nhất trên thế giới, nhưng ở TP.HCM, xe buýt bị “vây” kín tứ phía. Có thể nói rằng vận tải xe buýt đã và đang lâm vào bế tắc.
Đã đến lúc cần nhận ra một sự thật giao thông đô thị: xe buýt không thể “chung sống hòa bình” với xe máy trên cùng một làn đường. Chỉ có thể chọn một trong hai, không thể cả hai.
So với Singapore, Hong Kong, TP.HCM chưa hề là “đô thị nén”. Nhà ở thấp tầng, với hệ số sử dụng đất rất thấp đã và đang làm cho TP.HCM thiếu đất làm đường, công viên và các công trình công cộng khác phục vụ người dân.
Việc tăng đô thị hóa và “cao tầng hóa” các quận trung tâm ở TP.HCM là không thể tránh khỏi để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là nhu cầu về căn hộ giá rẻ.
Giao thông đô thị cần phải tái cấu trúc theo hướng hiện đại để phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM thay vì cản trở quá trình đó.
Không quyết liệt, TP.HCM khó với tới “giấc mơ Sài Gòn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận