05/08/2016 11:05 GMT+7

Chỉ mong “xanh, sạch và tử tế”

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Đi từ diễn đàn Quốc hội xuống Hội đồng nhân dân, các bà nội trợ nào có đòi hỏi gì hơn là xanh, sạch và tử tế. Bài toán này nhất định phải được tìm ra lời giải.

“Các cô, các chú lãnh đạo thành phố có biết sinh viên hiện ăn uống thế nào không?”, câu hỏi này được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đưa lên bàn nghị sự ngày 4-8 cùng với yêu cầu đau đáu: “Thức ăn độc hại ngấm dần làm hại sức khỏe người dân hằng ngày hằng giờ là vấn đề cần phải giải quyết”.

Những người dân mỗi ngày đang phải nơm nớp lo lắng với từng cọng rau, miếng thịt, con cá hẳn hài lòng với cách đặt vấn đề này và vì thế, hẳn sẽ không thể hài lòng với những giải pháp tập trung vào việc xử lý các bếp ăn tập thể của ông giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Nghe xong các đề xuất của đại biểu, các câu trả lời của các cơ quan chức năng, vẫn chưa thấy câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi: Làm thế nào để an tâm với nguồn thực phẩm mua về mỗi ngày?

“Các cơ sở vi phạm đều được đưa lên website” - giám đốc Sở Y tế khẳng định mạnh mẽ.

Quả là mỗi tháng sở đều có cập nhật danh sách các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, song hầu hết đều là các bếp ăn tập thể, quán ăn, nhà hàng vi phạm các điều kiện về vệ sinh cơ sở, tiêu chuẩn sức khỏe, giấy chứng nhận...

Không có vi phạm nào thể hiện nguồn thực phẩm có an toàn hay không, điều kiện đầu tiên của một bữa ăn sạch.

Xem qua website của Sở Công thương, danh sách cơ sở được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm năm 2015 dừng lại ở con số 493, tất cả là các siêu thị, cửa hàng; website Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông báo có 93 điểm cung cấp rau - củ - quả, 11 cơ sở thịt - trứng, 23 điểm bán thủy sản được công nhận an toàn; website của Chi cục Quản lý thị trường thì hầu như không có thông tin cập nhật...

Những con số ấy hẳn nhiên là quá ít với một thành phố gần chục triệu dân, hàng trăm chợ, hàng chục ngàn điểm kinh doanh ăn uống và cũng là quá khó cho một bà nội trợ khi phải thường xuyên cập nhật thông tin trên ba, bốn website cùng thời điểm.

Dự kiến thành lập một cơ quan thống nhất có đủ điều kiện chuyên môn và quyền hạn để quản lý thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đầu vào đến đầu ra đã được bàn đến từ cách nay mấy năm, đến giờ vẫn chưa thành hiện thực.

Bài toán về quản lý thực phẩm là ngọn rau, con cá, miếng thịt chừng như vẫn quá khó, đã đi từ diễn đàn Quốc hội xuống hội đồng nhân dân nhưng vẫn chưa có lời giải.

Trong khi đó từ mấy tháng nay, nhiều bà nội trợ ở TP.HCM lại hồ hởi chờ đợi nửa tháng một lần để được đi Phiên chợ xanh - tử tế mà Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Những nông dân chất phác, thanh niên khởi nghiệp non nớt thương trường, sau khi được BSA chọn lọc, kiểm tra từ khâu sản xuất, thu hoạch, đóng gói và “duyệt”, đã tự mang sản phẩm của mình đến với người mua.

Không có nhiều dấu xanh dấu đỏ, không có tem kiểm định, chỉ với thương hiệu chung “Xanh - Tử tế”, họ đã tìm được sự tin tưởng, an tâm lẫn nhau.

Tất nhiên quản lý diện rộng khác hoàn toàn với kiểm tra một cơ sở nhỏ, nhưng kinh nghiệm của BSA có lẽ cũng đáng được học hỏi và nhân rộng cho một cơ quan quản lý thực phẩm tập trung mà thành phố sẽ hay sắp thành lập.

Các bà nội trợ nào có đòi hỏi gì hơn là xanh, sạch và tử tế. Bài toán này nhất định phải được tìm ra lời giải...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên