11/02/2015 10:20 GMT+7

​Cơ hội cho hòa bình

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Hôm nay là đến hạn của “cơ may cuối cùng” cho Ukraine, theo cách nói của Tổng thống Pháp François Hollande.

Một cách nói có vẻ “bi quan” mà Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier không nhất trí trên truyền hình Thụy Sĩ hôm 9-2, “sửa” lại rằng nếu hết cơ hội này hãy bày cơ hội khác

Đức đang nỗ lực để tìm kiếm cơ hội hòa bình. Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa bay sang Kiev khuyên Tổng thống Ukraine Poroshenko, đã bay đến Matxcơva dàn xếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, rồi lặn lội sang Washington tư vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Cuộc gặp tay tư Nga, Ukraine, Đức, Pháp ngày 11-2 ở Minsk là ở “giờ thứ 23” của chọn lựa hòa bình hay chiến tranh, nếu như các bên vẫn tiếp tục những quan điểm của mình.

Tháng 8 năm ngoái đã rộ lên một khoảnh khắc mà công luận thế giới gọi là đứng trước thế chiến thứ ba.

Gần đây, cựu tổng thống Liên Xô Gorbatchev cũng nói đến nguy cơ thế chiến thứ ba. Trong thực tế, có nhiều hơn những “cọ xát” như hai máy bay ném bom Nga thứ tư tuần trước bay đến eo biển Manche giữa Pháp và Anh, khiến phòng không Pháp, Anh và cả Na Uy báo động.

Theo Đài Europe 1, số lần máy bay Nga “cọ xát” như vậy trong năm ngoái nhiều gấp ba lần năm 2013. Có vẻ như tiếng giày trận đang vang lên từ “đám cháy” Ukraine?

Đây chính là “cái gai” mà cả hai bên cùng muốn “nhổ”.

Để tránh chiến tranh có thể nổ ra từ cuộc “nội chiến” Ukraine, tờ New York Times của Mỹ đã đăng bài của GS John J. Mearsheimer (ĐH Chicago). GS Mearsheimer nêu bài học chiến lược phổ quát sau: “Các cường quốc phản ứng gay gắt khi các đối thủ ở xa phóng chiếu sức mạnh quân sự vào khu vực lân cận mình chứ đừng nói là tìm cách biến một quốc gia trên biên giới nước kia thành đồng minh. Và ngày nay các nhà lãnh đạo Mỹ không bao giờ tha thứ nếu như Canada hoặc Mexico tham gia một liên minh quân sự với một cường quốc khác”.

GS Mearsheimer kết luận: ”Nga cũng không phải là một ngoại lệ trong vấn đề này” và khuyên: “Phương Tây nên tìm cách làm cho Ukraine, quốc gia đệm trung tính giữa Nga và NATO, giống như Áo trong chiến tranh lạnh. Hướng tới mục tiêu đó, phương Tây nên... nhấn mạnh rằng mục tiêu của mình là một Ukraine trung lập không đe dọa Nga”.

Đó sẽ là cân nhắc mà một bên cần xem xét. Ngược lại, bên kia cũng cần cân nhắc tâm lý đối phương. Trong cuộc họp báo ở Washington hôm thứ hai, Thủ tướng Đức Merkel đã phơi bày ra hết những tâm tư của châu Âu.

Đó là ”những nguyên tắc về sự bất khả xâm phạm của tính vẹn toàn lãnh thổ”. Bà nhấn mạnh từ vị trí “một người đến từ châu Âu” rằng “nếu chúng tôi từ bỏ nguyên tắc vẹn toàn lãnh thổ đó của các nước thì chúng tôi sẽ chẳng tài nào duy trì được trật tự hòa bình ở châu Âu mà chúng tôi đã dày công hoàn thành”.

Bà Merkel nhấn mạnh bà không kêu gọi tiến đến giải pháp trong tư cách của một nhà trung gian mà trong tư cách đại diện cho lợi ích của châu Âu. Rõ ràng, đây là “đồng bạc” cuối cùng ném vào chiếu bạc.

Trong bối cảnh mỗi bên đều có những “tâm tư” riêng, những nhu cầu sống còn riêng, những định nghĩa riêng về không gian sinh tồn, một sự hiểu biết, chia sẻ quan điểm của nhau lại là tối cần thiết để tránh được nguy cơ chiến tranh, ít nhất cũng là chiến tranh lạnh.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên