16/12/2014 11:38 GMT+7

Để nhân đạo không bị hoen ố

TT - Việc luật pháp cho phép thực hiện việc mang thai hộ từ năm 2015 có lẽ sẽ là niềm vui lớn đối với những người, những gia đình không thể có con.

 Vẫn biết con cái không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn có thể là nỗi bất hạnh. Nhưng phần đông con người trên thế gian đều khao khát có con.

Không phải chỉ là việc nối dõi, càng không chỉ là việc nhờ cậy lúc đau yếu tuổi già; sinh con đẻ cái và nuôi dạy chúng thành người tử tế từ bao đời thật sự đã là khát vọng nhân bản của con người được giáo dục.

Đổi thay bản thân mình vì con và nhận từ con những bài học mình chưa từng biết đến hoặc chỉ biết với một góc độ kém thú vị hơn, cùng con chia sẻ những bước đi lúc nhẹ nhàng, lúc nặng trĩu trên con đường trở thành người tử tế.

Nhiều bậc làm cha mẹ đã thừa nhận đó là thứ hạnh phúc đáng được đánh đổi bằng mang nặng đẻ đau và những khó nhọc nuôi dạy con trong nhiều năm dài.

Thừa nhận niềm hạnh phúc làm cha mẹ đó của con người mà ban hành đạo luật cho phép mang thai hộ, đó quả thật là việc làm nhân đạo.

Tuy nhiên, việc thực thi bộ luật đặc biệt và mới mẻ này chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp. Càng tiên liệu kỹ các tình huống thì càng tránh được những rắc rối khó tháo gỡ do quy định triển khai luật thiếu chặt chẽ.

Chưa biết các văn bản hướng dẫn thi hành luật sẽ như thế nào, nhưng riêng việc xác định cha mẹ của đứa bé sinh ra từ mang thai hộ cũng là việc đáng phải định nghĩa sớm.

Là người có tinh trùng và có trứng để thụ thai trong ống nghiệm hay người mang hộ kết quả thụ tinh ấy trong bụng và sinh ra đứa bé? Việc định nghĩa này là rất quan trọng vì nó liên quan đến quyền thừa kế các tài sản tinh thần và vật chất.

Việc mang thai hộ, cho dù người mang thai có quan hệ thân thiết như thế nào với người nhờ mang thai theo luật định, cũng cần phải có hợp đồng giữa hai bên. Có người cho rằng là chị em ruột hoặc chị em họ, đã đồng ý giúp nhau những chuyện nhân đạo như thế thì cần gì phải có hợp đồng.

Thế nhưng, chính các trường hợp tranh chấp giữa những người ruột thịt trong gia đình xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội đã khẳng định tính cần thiết của việc lập hợp đồng mang thai hộ. Huống hồ việc mang thai hộ lại rất mới mẻ, là việc không thuần yếu tố vật chất mà bao hàm cả yếu tố tình cảm.

Chín tháng mang nặng đứa con của người khác trong cơ thể mình, liệu những diễn biến tình cảm giữa người mang thai hộ và thai nhi có thể dẫn tới những tranh chấp trước hoặc sau khi sinh ra đứa bé, bất chấp mối quan hệ thân thiết giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai?

Và, điều đáng phải quan tâm hơn cả là nạn nhân của sự tranh chấp (có thể có) đó không chỉ là những người lớn, mà chính là đứa bé vô tội không thể tự quyết định cách thức ra đời của mình!

Thế nên, rất mừng mà cũng rất lo khi một bộ luật đặc biệt đã ban hành và sắp sửa đi vào cuộc sống. Cuộc sống có vì đạo luật mới mẻ ấy tốt đẹp hơn, nhân đạo hơn hay sẽ xáo trộn hơn trước khi có nó?

Tất cả những băn khoăn ấy sẽ phải được giải tỏa bởi chính những người hướng dẫn và giám sát việc thi hành luật, bởi chính những người nhờ mang thai và mang thai hộ. Hi vọng tâm thế của người có khát vọng làm cha mẹ, tâm thế của những người đang góp phần làm cho khát vọng nhân bản ấy trở thành hiện thực sẽ giữ cho nhân đạo không bị hoen ố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên