13/12/2016 11:18 GMT+7

Nước mắm truyền thống mệt phờ với “bão arsen”

NGUYỄN TRIỀU - 
DUY KHÁNH
NGUYỄN TRIỀU - 
DUY KHÁNH

TTO - Một ngày mở mắt thức dậy, những người làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc bỗng dưng vướng vào “cơn bão” mang tên “arsen” mà ai đó đã rắp lòng vu vạ cho họ.

*** Error ***
TS Nguyễn Xuân Niệm - phó giám đốc Sở KH-CN Kiên Giang (bìa phải) - làm việc về vụ "bão arsen" với bà Hồ Kim Liên - chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc - Ảnh: Kim Xuân

Những con người chất phác này một phen hồn vía lên mây...

Cú đòn bất ngờ

Đó là ngày 17-10-2016 khi tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) họp báo công bố có đến 104 trong số 150 mẫu nước mắm mà tổ chức này khảo sát không đạt chỉ tiêu về arsen (thạch tín).

Thông tin này được nhiều báo điện tử đăng tải ngay trong ngày. Một ngày sau (18-10), trên mạng đã lan truyền danh sách 150 sản phẩm nước mắm của các nhà sản xuất rải rác từ Bắc chí Nam, từ thị thành cho tới hải đảo với chú thích kết quả “đạt”, “không đạt”.

Giới nhà thùng, nhất là ở Phú Quốc, choáng váng.

Có mặt tại Phú Quốc ngay trong ngày 18-10, phóng viên Tuổi Trẻ gọi điện đề nghị cuộc hẹn để nghe ý kiến chính thức của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc về thông tin mà VINASTAS công bố, bà Hồ Kim Liên - chủ tịch hiệp hội - ngập ngừng: “Vụ này đột ngột quá. Anh thông cảm chờ tôi suy nghĩ rồi sẽ gọi lại”.

Cuộc gặp lúc cuối giờ chiều, bà Liên chia sẻ rằng hiệp hội cần cân nhắc có nên phản ứng ngay qua phương tiện truyền thông hay không, khi chưa nhận được thông tin chính thức nào từ VINASTAS mà chỉ biết qua báo chí.

“Hiệp hội từng có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương hiệu với Thái Lan, nhưng với chuyện không đạt chỉ tiêu arsen này thì chúng tôi quá bất ngờ” - bà Liên nhìn nhận.

Bất ngờ bởi, theo bà Liên, hiệp hội không biết VINASTAS đã lấy mẫu như thế nào và quá trình phân tích, kiểm nghiệm ra sao, có phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không trước khi kết luận rằng các sản phẩm nước mắm, trong đó có nước mắm Phú Quốc, có hàm lượng arsen vượt mức quy định.

Sau khi rà soát tất cả quy định hiện hành như tiêu chuẩn TCVN 5107-2003, CODEX STAN 302-2011 cùng với chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu và yên tâm rằng không có chuyện nước mắm Phú Quốc “không đạt chỉ tiêu về arsen”.

Trong ngày 18-10 Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã có văn bản gửi bộ trưởng các bộ NN-PTNT, Y tế, Công thương, Thông tin và truyền thông và chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bày tỏ không đồng tình về công bố của VINASTAS.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Tịnh - chủ doanh nghiệp nước mắm Thanh Quốc, cố vấn của Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc - cho hay đã trao đổi qua điện thoại với các hiệp hội bạn và họ cũng bất ngờ không kém.

Nhưng phản ứng lại thông tin do VINASTAS công bố tại buổi họp báo như thế nào là chuyện không hề dễ dàng, bởi nếu nóng vội thì trở thành cuộc đôi co không đáng có.

Còn im lặng thì chẳng khác nào thừa nhận điều mà ai ở trong cuộc cũng đều biết là phi lý và chưa thể lường hết hậu quả sẽ như thế nào.

“Chúng tôi hội ý nhanh và đi đến quyết định các hiệp hội nước mắm ở các địa phương phải ngồi lại với nhau tại hội nghị do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chủ trì để thống nhất nội dung kiến nghị trung ương làm rõ vụ việc.

“Mây tan, mưa tạnh”

Mặc dù ngay sau đó, một số tờ báo đã nhanh chóng đặt câu hỏi về những mập mờ trong thông tin mà VINASTAS công bố nhưng “cú đòn” mà đơn vị này tung ra đã kịp khiến người tiêu dùng hoang mang, gây tổn thương các nhà thùng nước mắm truyền thống.

Bà Châu Ngọc Phụng - chủ doanh nghiệp nước mắm Phụng Hưng, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc - cho biết suốt mấy ngày đầu các cuộc điện thoại của đại lý từ khắp nơi gọi về hỏi thực hư.

“Nhiều đại lý đề nghị tạm thời ngưng cung cấp hàng. Sau đó nhiều nhà khoa học lên tiếng trên các phương tiện truyền thông bác bỏ thông tin arsen trong nước mắm không an toàn thì đại lý mới tạm yên tâm” - bà Phụng nói.

Có lẽ điều khiến các nhà thùng ở Phú Quốc ấm lòng và vững tin vượt qua “cơn bão arsen” là sự chia sẻ, ủng hộ của cơ quan chức năng địa phương và tỉnh Kiên Giang.

Đến ngày thứ ba sau khi có thông tin về arsen, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan, UBND huyện Phú Quốc cùng Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật khẩn trương kiểm tra để có thông tin phản hồi chính thức đến người tiêu dùng.

Trả lời báo chí ngày 20-10, tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm - phó giám đốc Sở KH&CN Kiên Giang - cho hay chất lượng nước mắm của Việt Nam hiện nay được kiểm soát theo tiêu chuẩn TCVN 5107:2003.

“Tiêu chuẩn này không quy định riêng cho hàm lượng arsen - thạch tín thì làm gì có ngưỡng so sánh để biết vượt hay không vượt. Còn quy chuẩn QCVN 8-2:2011/BYT mà VINASTAS viện dẫn thì có giá trị trên nước chấm chứ không phải nước mắm.

Hai loại này hoàn toàn khác nhau. VINASTAS có sự nhầm lẫn ở đây. Hơn nữa, quy chuẩn này quy định hàm lượng arsen tối đa trong nước chấm 1mg/lít nhưng không nói rõ là arsen tổng, arsen vô cơ hay arsen hữu cơ.

Vì vậy VINASTAS cho rằng các mẫu nước mắm họ khảo sát có hàm lượng arsen hữu cơ cao vượt ngưỡng là không có cơ sở” - ông Niệm nói.

Ông Niệm còn dẫn kết quả nghiên cứu của Walter Goessler và cộng sự tại Đại học Karl-Franzens (Áo) đăng tải trên tạp chí Food Chemistry năm 2009.

“Hầu hết các dạng arsen có trong nước mắm đều là arsen hữu cơ và không có tác dụng gây độc hoặc độc tính rất thấp. Người ăn hải sản đào thải arsen hữu cơ qua nước tiểu sau 2-3 ngày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hơn nữa, nước mắm chỉ là gia vị mỗi người dùng hằng ngày với lượng không đáng kể. Vì vậy theo tôi, người tiêu dùng không nên vì thông tin sai lệch mà có tâm lý hoang mang” - ông Niệm trấn an.

Sau đó, ông Niệm đã trực tiếp có mặt tại huyện đảo làm việc với Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc và các nhà thùng, chuẩn bị các bước kiểm nghiệm độc lập và lên kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học khẳng định giá trị của nước mắm Phú Quốc.

Trong lúc các nỗ lực của địa phương để bảo vệ nghề truyền thống được tiến hành thì Bộ Y tế đã có thông tin chính thức kết luận những gì VINASTAS công bố là không có giá trị và nước mắm truyền thống vẫn an toàn cho người sử dụng.

Đến đây thì “mây tan, mưa tạnh” và “cơn bão arsen” mới tạm lắng dịu.

Hiệp hội từng có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương hiệu với Thái Lan, nhưng với chuyện không đạt chỉ tiêu arsen này thì chúng tôi quá bất ngờ

Bà Hồ Kim Liên (chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc)

Khó tính hết hậu quả

Ngồi trầm ngâm bên ấm trà trong buổi sáng se lạnh cuối năm, ông Nguyễn Văn Nam - chủ doanh nghiệp nước mắm Nam Hương, thị trấn An Thới - nhớ lại thời hoàng kim của nghề làm nước mắm truyền thống.

Là người gốc Phan Thiết, gia đình cũng có làm nghề nước mắm, năm 1969 ông Nam đến Phú Quốc rồi bén duyên với con gái một chủ nhà thùng và gắn bó với nước mắm Phú Quốc đến nay.

Theo ông Nam, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ bi đát như lúc này. Những cái tên từng làm nên thương hiệu của nước mắm Phú Quốc giờ trở thành quá vãng.

Thế hệ thứ hai, thứ ba của các nhà thùng vì muốn giữ nghề của cha ông nên cố duy trì chứ không dám mở rộng sản xuất.

Ông Nam cho biết sau đợt thương lái đẩy giá mua cá cơm tươi sấy khô xuất đi Trung Quốc khiến một số nhà thùng đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Gần đây giá cá cơm có chiều hướng giảm nên một số nhà thùng khởi động lại thì gặp ngay “cơn bão arsen” nên gác thùng luôn. Mức độ ảnh hưởng của vụ arsen không thể thống kê được.

-----

Kỳ tới: Bà tiến sĩ mê nước mắm

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: Phú Quốc, trăm năm nước mắm

>> Kỳ 2: Nước mắm Phan Thiết thời bao cấp

>> Kỳ 3: Tìm đường xuất khẩu nước mắm 

>> Kỳ 4: Nhọc nhằn ủ chượp

>> Kỳ 5: Chất lượng nước mắm, xưa và nay 

NGUYỄN TRIỀU - 
DUY KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên