10/12/2016 09:56 GMT+7

Tìm đường xuất khẩu nước mắm

 TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TTO - Ít người biết những năm 1985-1986, khi việc lưu thông hàng hóa trong nước còn chưa được khai thông thì nước mắm Phú Quốc đã có mặt tại thị trường Pháp.

Ông Sasaki Singo (thứ hai từ phải sang), chuyên gia
nghiên cứu thị trường thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại
Nhật Bản (JETRO), tìm hiểu tình hình sản xuất và tiêu thụ
nước mắm tại một nhà thùng ở Phú Quốc - Ảnh: Tấn Đức
Ông Sasaki Singo (thứ hai từ phải sang), chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tìm hiểu tình hình sản xuất và tiêu thụ nước mắm tại một nhà thùng ở Phú Quốc - Ảnh: Tấn Đức

Người làm nên kỳ tích này là ông Đặng Văn Thời, chủ nhà thùng Hưng Thành ở thị trấn Dương Đông. Đây là một trong những nhà thùng có tiếng ở Phú Quốc, được thành lập từ trước khi Pháp tái chiếm Phú Quốc (năm 1946).

Xuất khẩu nước mắm thời ngăn sông cấm chợ

Câu chuyện bắt đầu khoảng cuối năm 1985, khi ấy nhà thùng Hưng Thành của ông Đặng Văn Thời đang hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, cung ứng nước mắm cho Công ty Xuất nhập khẩu Phú Quốc.

Nung nấu ý định đưa nước mắm xuất ngoại để nâng cao giá trị cho sản phẩm, ông Thời đã tìm cách sang châu Âu kiếm bạn hàng.

Thời cơ đến với ông khi huyện Phú Quốc có đoàn công tác sang Pháp làm việc về xúc tiến thương mại. Dưới danh nghĩa kỹ thuật viên của Công ty Xuất nhập khẩu Phú Quốc, ông Thời đã xin được visa tháp tùng theo đoàn.

Trong chuyến này, ông Thời được một người kinh doanh thực phẩm gợi ý: “Người Việt Nam ở Pháp cứ đòi ăn nước mắm Phú Quốc, anh tìm cách đưa hàng qua thử coi”.

Tìm tới các mối làm ăn từ trước năm 1975 ở Pháp, ông Thời may mắn có được đơn đặt hàng nước mắm đóng chai, tuy số lượng không lớn lắm.

“Thị trường châu Âu rất tin vào nhà nước của họ, nếu các cơ quan nhà nước bên đó công bố doanh nghiệp mình tốt, sản xuất đảm bảo vệ sinh thì họ yên tâm.

Với thị trường Nhật, phía đối tác để tự mình đánh giá, công bố các chỉ tiêu vì đây là sản phẩm đặc thù, nhưng định kỳ họ cử bộ phận giám sát sang xem xét quy trình sản xuất, nhà xưởng của mình.

Thị trường Mỹ thì khó tính hơn, thường yêu cầu đưa mẫu, nhãn mác để họ trực tiếp kiểm tra hoặc thông qua hệ thống xét nghiệm của họ.

Về chi phí xúc tiến thương mại, đưa hàng vô Mỹ có vẻ tốn kém hơn, nhưng đây là thị trường có tiềm năng rất lớn bởi có đông người gốc Việt sinh sống

Ông Đặng Thành Tài  (phó chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc)

Có hợp đồng rồi, về nước ông Thời tìm cách “mượn” tư cách pháp nhân của Công ty Xuất nhập khẩu Phú Quốc để xuất hàng.

Xong phần thủ tục, lại không tìm đâu ra chai thủy tinh và thùng cactông để đóng gói sản phẩm trước khi giao hàng xuống tàu. Loay hoay mãi, ông Thời cũng nhờ được một đơn vị chuyên sản xuất rượu bia ở TP.HCM cung cấp mẫu chai đựng rượu.

Ông mừng quýnh mang về chiết nước mắm vô rồi dán nhãn Hưng Thành theo yêu cầu của khách hàng.

Sau lô hàng đầu tiên này, cứ khoảng ba tháng thì Hưng Thành xuất một container 9.000 lít nước mắm sang Pháp. Tới năm 1988 lại nhận được hợp đồng xuất 10.000 chai nước mắm Phú Quốc sang thủ đô Nouméa (Nouvelle Calédonie - Tân Thế Giới)...

Nhớ lại thời kỳ này, ông Đặng Thành Tài, phó chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (con trai ông Thời), nói: “Trong bối cảnh sản phẩm hàng hóa làm ra chủ yếu được phân phối theo hệ thống của công ty thương nghiệp, đây là dấu mốc rất có ý nghĩa đối với nghề làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc”.

Nhiều chủ nhà thùng có kinh nghiệm trong xuất khẩu nước mắm ở Phú Quốc cũng bày tỏ sự bất ngờ, thán phục khi xem lại bức “tâm thư” đề ngày 20-8-1988 của ông Đặng Văn Thời gửi “anh Sáu Dân” (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) khi ấy đang là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Trong bức thư dài chín trang đánh máy, ông Thời bày tỏ suy nghĩ: “Trong tương lai, con đường xuất khẩu nước mắm nhất định sẽ đi lên nếu được quan hệ rộng khắp nơi có người Việt Nam ở.

Việc sản xuất được tốt, chất lượng càng cao thì việc thắng nước mắm Thái Lan là lẽ đương nhiên rồi. Nhưng cách làm ăn phải thích hợp, nhanh nhẹn, có kế hoạch hẳn hoi”...

Nỗ lực

Đến năm 1998, Hưng Thành đã là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp code EU (tức nằm trong danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản vào châu Âu).

Cùng với thị trường truyền thống này, Hưng Thành từng bước phát triển thị trường xuất khẩu ở một số nước châu Á.

Trong đó, riêng thị trường Nhật đã có sản lượng 200.000 lít/năm. Theo ông Tài, nếu bán vào hệ thống siêu thị ở Việt Nam thì giá chiết khấu khoảng 18%, chu kỳ thanh toán 40-45 ngày.

Trong khi đó đưa hàng vào siêu thị bên châu Âu thì bán thẳng, không phải chiết khấu, chu kỳ thanh toán ngắn hơn. “Đó là hấp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước mắm ở Phú Quốc” - ông Đặng Thành Tài nói.

Hiện tại khoảng 80% tổng sản lượng của Hưng Thành đã tìm được thị trường xuất khẩu, 20% còn lại tiêu thụ qua hệ thống siêu thị trong nước.

Mặc dù đã đạt tỉ lệ hàng xuất khẩu cao như vậy, Hưng Thành vẫn không ngừng tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để mở rộng sản xuất và gia tăng giá trị cho sản phẩm truyền thống của đất đảo.

Tại Phú Quốc, sau Hưng Thành, một số nhà thùng khác cũng tham gia thị trường xuất khẩu từ khá sớm.

Bà Ông Thị Kim Ngân, phó tổng giám đốc Công ty nước mắm Thanh Hà, cho hay năm 1998 cơ sở đã có hợp đồng xuất khẩu đầu tiên vào thị trường Hàn Quốc, năm kế tiếp bán sang thị trường Nhật, rồi vào Mỹ...

"Hiện tại chúng tôi là cơ sở có thị trường xuất khẩu đa dạng nhất, với 60% sản lượng xuất khẩu vào 27 nước, trong đó thị trường EU 30%, Nhật 20%, Mỹ 20%."

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ nhà thùng Thanh Quốc (thị trấn Dương Đông), cho biết từ năm 2003 công ty đã bắt đầu bán nước mắm vào thị trường Nhật thông qua một đơn vị ủy thác. Đến nay sản lượng xuất đạt trên 300.000 lít/năm.

“Nước mắm Phú Quốc có thị trường xuất khẩu rất rộng mở, nhất là từ khi được bảo hộ tại thị trường thuộc Liên minh châu Âu. Việc mở rộng, phát triển thị trường xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao giá trị, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm” - bà Tịnh nói.

Theo các bậc cao niên trong nghề làm nước mắm ở Phú Quốc, trước năm 1975 nước mắm Phú Quốc đã có mặt ở thị trường Pháp, Mỹ và một số nước.

Có người kể một số chai nước mắm Phú Quốc trên 30 độ đạm vì kẹt đường mua bán phải để lại Paris, gần 10 năm sau đó người ta tình cờ mở ra dùng thử vẫn thấy thơm ngon như thường, dù trên bao bì ghi thời hạn sử dụng chỉ có ba năm.

Việc này được nhiều người ở Pháp biết, khiến nước mắm Phú Quốc càng trở nên nổi tiếng. Kể trong bức tâm thư, ông Thời gửi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt hồi tháng 8-1988:

“Sau Hiệp định Geneve 1954, một người con lai Việt - Pháp ở Bến Tre biết chút ít về nghề làm nước mắm truyền thống ở vùng Bình Đại, đã về Pháp rồi sang Bờ Biển Ngà, được sự giúp đỡ của chính phủ nước này đã lập ra một xí nghiệp sản xuất nước mắm.

Làm được hai năm, vì áp dụng quá nhiều công thức khoa học và dùng nhiều hóa chất trong việc làm ra nước mắm nên thất bại. Sau đó được chính phủ nước này hùn vốn thêm cũng không thành công.

Năm 1970 đích thân Bộ trưởng Kinh tế Bờ Biển Ngà xin Việt Nam cho một kỹ sư nước mắm cổ truyền ở Phú Quốc sang giúp để phục hồi và phát triển nghề nước mắm của nước này.

Nhưng lúc ấy đang buổi chiến tranh, tình hình bất ổn nên tất cả giới chủ nhà thùng ở Phú Quốc đều từ chối không chịu đi”.

>> Kỳ tới: Nhọc nhằn nghề ủ chượp

>> Phú Quốc, trăm năm nước mắm
>> Đế chế nước mắm

 

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên