31/10/2016 12:26 GMT+7

Tổng thống Duterte - Kỳ 2: Người hành động

NINYA CALLEJA (Nhà báo Phillipines)
NINYA CALLEJA (Nhà báo Phillipines)

TTO - Tổng thống Duterte được đặt cho quá nhiều biệt danh sau khi ông nắm quyền lực: “Kẻ trừng phạt”, “Chính khách ưa bạo lực”, “Donald Trump của châu Á”...

Tổng thống Duterte phát biểu tại Yokohama (Nhật) hôm 27-10, trong chuyến thăm được đánh giá là thành công sau chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh: AFP

Đối với một nhà báo như tôi, người từng dành hơn ba tháng để đưa tin về chiến dịch tranh cử của ông Rodrigo Duterte trước khi ông ấy giành chiến thắng trong cuộc chạy đua tổng thống vào tháng 5 năm nay, việc đoán tính cách ông ấy cũng là một điều khó khăn.

Tổng thống Duterte đã được đặt cho quá nhiều biệt danh sau khi ông nắm quyền lực: “Kẻ trừng phạt”, “Chính khách ưa bạo lực”, “Donald Trump của châu Á”...

Dường như ông ấy không bao giờ để tên mình rời các tiêu đề bài báo quốc tế và dường như tên ông ấy có mặt trong mọi bài báo gần đây nói về kiểu hành xử “phi ngoại giao” bằng chuyện chửi mắng nặng lời từ lãnh đạo Vatican cho đến lãnh đạo Mỹ, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc và cả... toàn bộ ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Không phải chính khách anh minh

Nhưng có vẻ như Tổng thống Duterte không phải không biết điểm yếu của mình là cách sử dụng ngôn ngữ thô tục và sự thiếu khéo léo trong giao tiếp.

Vị thị trưởng thành phố Davao ở miền nam Philippines đã nhận biết rằng thói quen nói tục của ông ấy sẽ khiến mình gặp rắc rối trong chiến dịch tranh cử.

Đã có lúc ông ấy hứa sẽ không chửi thề nữa và tuyên bố sẽ tự nguyện gửi 1.000 peso (20 USD) cho một tổ chức từ thiện địa phương cho bất cứ lời chửi thề nào ông thốt ra.

Ông có nhớ đến hình thức “tự trừng phạt” này trong tháng đầu tiên kể từ lúc hứa. Nhưng kể từ khi nắm quyền ở Manila vào ngày 30-6 năm nay, tổng thống Philippines chưa bao giờ tránh được chửi thề - một thói quen khiến ông ấy có thể trả hàng triệu peso tiền phạt trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Phản ứng trước những lời chỉ trích từ trong nước đến quốc tế, Tổng thống Duterte từng thừa nhận ông không phải là một lãnh đạo anh minh.

“Tôi chạy đua làm tổng thống. Không có vị trí lãnh đạo anh minh ở đây. Tại sao các người lại ép buộc tôi trở thành một lãnh đạo anh minh cơ chứ?” - Tổng thống Duterte từng nói thẳng.

Khi ông ấy đã nói như thế thì người ta dường như cũng khó phàn nàn về chuyện hầu hết các thành viên trong nội các của Tổng thống Duterte đều đã 60 và 70 tuổi và toàn là những người quen biết.

Ông ấy có thể lý giải bằng việc tạo êkip làm việc “hiểu ý nhau”, nhưng điều đó liệu có quan trọng hơn “lời phủ đầu” của ông ấy là “tôi không anh minh”?

Thật sự là các lựa chọn con người của ông ấy đã xa rời lời hứa trong chiến dịch tranh cử là ông sẽ chọn những người “giỏi nhất và sáng chói nhất” cho nội các.

Dù dành một số vị trí cho các đảng phái cánh tả - một động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Philippines, nhưng ông ấy vẫn chọn bạn học, bạn bè, đồng minh và những người ủng hộ mình lâu nay giữ những vị trí quan trọng trong nội các của mình.

Có thể điểm qua những gương mặt như người phụ trách Văn phòng tổng thống là Salvador Medialde, bạn thời thơ ấu của ông Duterte. Ngoại trưởng Perfecto Yasay là bạn cùng ký túc xá khi cả hai cùng học luật tại Trường ĐH luật San Beda.

Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez là người bạn thời thơ ấu và bạn cùng lớp với ông Duterte. Bộ trưởng tư pháp Vitaliano Aguirre là bạn học và anh em thân thiết tại Trường ĐH luật San Beda.

Còn vị trí bộ trưởng nông nghiệp thì ông Duterte chỉ định đồng minh chính trị lâu năm là Emmanuel Pinol. Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana là bạn thời thơ ấu của ông ấy!

Có thể thấy chính vì vậy trong thời gian bốn tháng qua, bất kể những phát ngôn mạnh mẽ, đôi khi bị cho là sai lệch hoặc “phi quan điểm” của Tổng thống Duterte, nhưng các bộ trưởng quan trọng dưới quyền luôn tìm cách cân chỉnh, “nói cho rõ” để làm nhẹ hệ quả của những lời nói đó.

Trong điều kiện nội các gồm các thành phần đến từ các đảng phái đối nghịch thì hãy thử tưởng tượng chuyện gì có thể xảy ra?

Người hành động

Kiểu “người hành động” là rất đúng với ông Duterte. Người dân Philippines khao khát nhìn thấy sự thay đổi trong chính quyền đến nỗi họ chấp nhận đánh bạc và đặt cược vào vị thị trưởng ở thành phố xa lắc Davao cho vị trí tổng thống.

Họ đã chán nản chính trường đất nước từ rất lâu cho đến khi ông Duterte đến như một người hừng hực ngọn lửa thay đổi. Họ mua những gì ông ấy bán trong chiến dịch tranh cử, đó là ý chí chính trị.

Ông Duterte luôn nêu thành phố quê nhà Davao của mình là vật chứng hạng A - bằng chứng cho thấy ông ấy mang lại kết quả. Thành phố Davao thường được xem là một trong những thành phố an toàn nhất Philippines, nhờ sự lãnh đạo theo phong cách bàn tay sắt của ông Duterte.

Nhưng quả thật đến nay, những lời kêu gọi Tổng thống Duterte hành xử như một lãnh đạo anh minh và kiềm chế chửi thề vì lợi ích của người dân ngày càng lớn hơn.

Ông Richard Heydarian, chuyên gia chính trị của Philippines, cũng nhìn nhận với người viết rằng ông Duterte phải điều chỉnh và phải sớm trở thành là một lãnh đạo anh minh, nếu không ông ấy sẽ đánh mất vốn chính trị sớm.

Dù người dân Philippines sợ hãi khi trông thấy một lãnh đạo như thế, nhưng ông Duterte vẫn thể hiện điểm yếu của mình ngay sau khi ông ấy nhận ra mình đang dẫn trước đối thủ với cách biệt không thể đảo ngược trong cuộc chạy đua tổng thống vào tháng 5 vừa qua.

Ông Duterte đã quệt nước mắt như trẻ con trước mộ cha mẹ và thổn thức nói: “Mẹ ơi, xin hãy giúp đỡ con” bằng ngôn ngữ vùng miền của mình. Lúc đó, có lẽ ông đã nhận ra vai trò khổng lồ mà ông sẽ đảm nhiệm khi trở thành tổng thống.

Cũng có những câu chuyện khác cho thấy nhà lãnh đạo Philippines đang cố gắng kìm nén cảm xúc nhưng không thể ngăn nước mắt rơi.

Như khi siêu bão Haiyan khiến Tacloban trở thành thành phố chết với gần 10.000 người thiệt mạng vào năm 2013, lúc đó cư dân ở Tacloban nhìn thấy ông Duterte bật khóc nức nở sau khi thấy các tử thi chất thành đống dưới đất và chứng kiến mức độ hủy diệt của cơn bão.

“Ngoài những lời chửi thề và nguyền rủa, bạn có thể tìm thấy ở ông ấy một người đàn ông có trái tim” - ông Anton Hernandez, một người ủng hộ nhiệt thành Tổng thống Duterte và bây giờ là quan chức cao cấp của Bộ An sinh xã hội và phát triển, từng nhận xét.

“Chúa bảo tôi đừng chửi thề nữa”

Một câu chuyện đang khiến giới truyền thông phát sốt là việc Tổng thống Duterte vừa tuyên bố rằng trong chuyến bay từ Nhật về thành phố Davao quê hương rạng sáng 28-10, ông đã mơ thấy Chúa và Ngài dạy ông đừng chửi thề nữa.

Khi về đến Davao - nơi ông từng có hàng chục năm làm thị trưởng, ông tổ chức họp báo như mọi khi và lần này mọi người khá bất ngờ khi nghe ông ấy nói: “Tôi đã hứa với Chúa không dùng tiếng lóng, những câu chửi thề hay đại loại thế nữa. Lời hứa với Chúa cũng là lời hứa với người dân Philippines”.

Lời hứa của ông đã được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng ông cũng nhanh chóng làm nguội đi sự hưng phấn của người nghe vì : “Xin đừng hoan hô quá, vì điều đó sẽ làm tôi lại... nói bậy”.

Theo AFP, phải chờ xem liệu vị tổng thống Philippines có thay đổi được thói quen phát ngôn mạnh miệng của mình hay không. Nhưng rõ ràng là trong bài phát biểu vào tối 28-10, người ta thấy nhà lãnh đạo 71 tuổi này không dùng một tiếng chửi thề nào.

TÚ ANH

QUỲNH TRUNG chuyển ngữ

>> Kỳ 3: Yêu và ghét

NINYA CALLEJA (Nhà báo Phillipines)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên