30/10/2016 11:47 GMT+7

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Kỳ 1: Người đầy mâu thuẫn

QUỲNH TRUNG chuyển ngữ
QUỲNH TRUNG chuyển ngữ

TTO - Nữ nhà báo Ninya Calleja - từng là cây bút mảng chính trị của tờ Philippine Daily Inquirer, một trong những nhật báo uy tín nhất Philippines - gửi riêng cho Tuổi Trẻ bài viết về Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tổng thống Duterte - Ảnh: Reuters
Tổng thống Duterte - Ảnh: Reuters

Bất chấp những góc nhìn tiêu cực của báo chí dành cho mình trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, ông Rodrigo Duterte - cựu thị trưởng của Davao, một thành phố sôi động ở miền nam đất nước - vẫn giành được sự tín nhiệm lớn từ dân chúng Philippines.

Kết quả của cuộc thăm dò do Social Weather Stations thực hiện vào tháng 9 năm nay cho thấy 83% người dân Philippines vẫn dành niềm tin lớn cho tân Tổng thống Duterte, 9% chưa có câu trả lời và chỉ 8% là có “ít niềm tin” vào ông.

Ông ấy cần trở thành một chính khách có uy tín hơn và cần tránh sự cường điệu không cần thiết - đó mới là điều quan trọng

RICHARD HEYDARIAN (nhà phân tích chính trị người Philippines)

Khi nào kỳ trăng mật kết thúc?

Trao đổi với người viết qua điện thoại, nhà phân tích chính trị người Philippines - ông Richard Heydarian tin rằng tỉ lệ tín nhiệm mà Tổng thống Duterte giành được là “bình thường” và đó là một phần của “giai đoạn trăng mật” giữa tổng thống và người dân Philippines.

Ông Heydarian cho biết những người tiền nhiệm của ông Duterte đều giành được mức độ tín nhiệm tương tự trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của họ.

“Cái lợi nhất trong giai đoạn này mà người dân trao cho ông ấy chính là sự nghi ngờ. Ông ấy cần có thời gian và người dân muốn biết cuộc chiến chống ma túy của ông ấy sẽ thành công hay thất bại” - vị chuyên gia này nhận định.

Nhà phân tích chính trị Heydarian cho rằng không nên xem kết quả thăm dò như là một sự ủng hộ to lớn của công chúng dành cho cuộc chiến quyết liệt với tội phạm ma túy mà ông Duterte đang khởi xướng.

Trong khi người Philippines nghi ngờ về những gì đang diễn ra, họ vẫn giữ thái độ “hãy chờ xem” về tổng thống mới của mình. Chuyên gia Heydarian tin rằng sự ủng hộ to lớn mà người dân dành cho ông Duterte không phải là vĩnh cửu và không trường tồn.

“Vâng, người dân thích ông ấy vì ông kiên quyết với ý chí chính trị của mình. Ý chí chính trị là một điều gì đó mà người tiền nhiệm của ông thiếu và là điều ông Duterte thể hiện một cách khoa trương với những lời lăng mạ và chửi thề” - chuyên gia Heydarian giải thích.

Ông Rodrigo Duterte - Ảnh: AFP
Ông Rodrigo Duterte - Ảnh: AFP

 

Trở lại chiến dịch tranh cử trước khi ông Duterte giành được chiến thắng vừa đủ vào tháng 5 năm nay, giới quan sát bầu cử mô tả ông Duterte như một người đầy mâu thuẫn, nhiều người thương nhưng cũng lắm kẻ ghét.

Năm tháng sau bầu cử, những phát biểu như trò hề và khoa trương của ông Duterte đã gây phân cực cảnh quan chính trị trong nước.

Một số người cho rằng cách mà ông ấy ra chính sách rất khó hiểu. Hôm nay ông ấy thông báo một chính sách và ngay ngày hôm sau các quan chức trong nội các ông ấy liền thay thế bằng một chính sách khác.

Ví dụ, tháng trước ông Duterte thông báo cuộc diễn tập quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Philippines sẽ là lần cuối cùng. Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Perfecto Yasay đã nhanh chóng bác bỏ. Cho đến bây giờ, vẫn chưa rõ cuộc tập trận giữa Philippines và Mỹ trong năm nay có phải là cuối cùng hay không.

Ông Terry Ridon, người đứng đầu Ủy ban Người nghèo đô thị trực thuộc chính quyền của Tổng thống Duterte, nói với người viết rằng công chúng Philippines không nên xem những lời nói của ông Duterte như là “sự thật chân lý”.

“Mọi người đừng nên xem mỗi lời nói của ông ấy là chân lý. Đằng sau những tuyên bố chính thức của ông ấy là cả một bộ sậu hướng dẫn ông ấy” - ông Ridon nói.

Tuy nhiên, ngoài những lời chửi thề được giới truyền thông đưa tin kỹ lưỡng, ông Duterte đã có những thành quả gì trong 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ?

Ông Terry Ridon, một trong số những người thuộc cánh tả mà ông Duterte đưa vào chính quyền của mình, đã dành tất cả lời ngợi ca cho ông chủ của mình ở cung điện Malacanang - nơi ở và làm việc của tổng thống Philippines: “Tổng thống đã làm được nhiều điều hơn những gì chính phủ trước đã làm trong sáu năm”.

Ông Ridon cũng nhấn mạnh rằng chính sách đối ngoại độc lập của ông Duterte và mệnh lệnh hành pháp về “tự do thông tin” là một “hành động chưa có tiền lệ”.

Khi được hỏi điều gì khiến người dân đứng về phía ông Duterte, ông Ridon cho rằng vượt qua những tuyên bố khoa trương chính là tổng thống đã nhìn nhận nghiêm túc những vấn đề của người dân như nạn thất nghiệp, tiền lương và làm thế nào chính phủ có thể phục vụ tốt người dân.

Nhà báo Ninya Calleja - Ảnh: Q.Tr.
Nhà báo Ninya Calleja - Ảnh: Q.Tr.

Hi vọng và sợ hãi

Sở dĩ ông Duterte được tín nhiệm bầu làm tổng thống là vì phần lớn người dân Philippines đã chán ngấy với những nguyên tắc kinh tế, xã hội, chính trị trong thời kỳ của tổng thống Benigno Aquino.

Phần lớn người dân Philippines đã thiếu kiên nhẫn với những lời hứa hão và hành động chậm chạp thời ông Aquino, do vậy họ chuyển sang dành sự ủng hộ cho ông Duterte thay vì cho người được ông Aquino ủng hộ.

Dù tổng thống Aquino có thể là nhà lãnh đạo tốt nhất mà người Philippines từng có từ thời tổng thống Ferdinand Marcos, nhưng “tổng thống tốt nhất” vẫn chưa đủ so với sự kỳ vọng của người dân, chuyên gia Heydarian nói với người viết.

Việc người dân không thích những nguyên tắc cũ và muốn sự thay đổi là rõ ràng. Đó là lý do ông Duterte giành được mức tín nhiệm cao từ người dân. Niềm tin này được đốt lên bởi hi vọng rằng ông Duterte có thể làm bật lên những tia lửa thay đổi mà người dân đang thèm khát.

Tuy vậy, ngoài sự hi vọng, Duterte, những điều quỷ quái ông ta làm, và cuộc chiến chống ma túy của ông ấy đã gieo sự sợ hãi. Một người Philippines 30 tuổi từ chối nêu tên vì sợ những người ủng hộ ông Duterte tấn công, gọi ông Duterte là “đồ điên”.

Người phụ nữ này không phải là người duy nhất nói như thế. Nữ diễn viên Philippines Agot Isidro đã đón nhận những phản ứng khác nhau từ người dân khi gọi Tổng thống Duterte là “người bị thần kinh” sau những lời lăng mạ mà ông ấy nhằm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trong cuộc phỏng vấn với người viết, một giáo viên tự do 49 tuổi bày tỏ sự lo lắng của bà về ảnh hưởng có thể xảy ra của nhiệm kỳ tổng thống đối với nền kinh tế đất nước và thế hệ trẻ Philippines.

“Là những bậc phụ huynh và là giáo viên, chúng tôi lo lắng về ảnh hưởng (của ông ấy) đối với thế hệ trẻ. Chúng bắt đầu thắc mắc về tỉ lệ giết người ngày càng gia tăng và tại sao tổng thống lại nguyền rủa người khác” - người phụ nữ giấu tên nói.

Bà cho rằng cách ăn nói bạt mạng của ông Duterte làm suy yếu đồng peso của Philippines cũng như khiến thị trường chứng khoán đi xuống vào tháng này.

Tổng thống Duterte chụp ảnh selfie với người dân trong một sự kiện tại Manila ngày 12-10 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Duterte chụp ảnh selfie với người dân trong một sự kiện tại Manila ngày 12-10 - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các quan chức cố né tránh những lời chỉ trích về mặt trận kinh tế bằng cách nói rằng những giá trị nguyên tắc cơ bản của đất nước vẫn vững mạnh.

Các nhà phân tích cho rằng ông Duterte cuối cùng cũng sẽ đánh mất vốn chính trị của mình nếu ông ấy tiếp tục thu hút sự chú ý không cần thiết cho bản thân.

“Ông ấy phải điều chỉnh và yêu cầu người dân kiên nhẫn hơn. Ông Duterte có thể cảm nhận áp lực khi mang lại sự thay đổi mà ông ấy hứa hẹn trong chiến dịch bầu cử vừa qua.

Nếu nhìn vào người dân, bạn sẽ thấy người dân có sự mong đợi không thực tế đối với các lãnh đạo. Đó là hội chứng “lãnh đạo bàn tay sắt”, nghĩa là một người có thể giải quyết tất cả những vấn đề của xã hội Philippines. Điều này là không thể” - chuyên gia Heydarian quả quyết.

NINYA CALLEJA (nhà báo Philippines)

__________

Kỳ tới: Bộ sậu thân tín

QUỲNH TRUNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên