01/10/2016 11:05 GMT+7

Những người vá lưới cho Nhật

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Sau khi hoàn tất một công trình xây dựng tại Nhật Bản, những tấm lưới bảo hộ công trình lấm lem bêtông, rách lỗ chỗ được chuyển sang Việt Nam bằng đường biển.

Một nhóm thợ làm sạch lưới bằng cách dùng búa, dao đập bể những cục bêtông dính trên mắt lưới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Một nhóm thợ làm sạch lưới bằng cách dùng búa, dao đập bể những cục bêtông dính trên mắt lưới - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

“Nếu công nhân nào mệt hay buồn bã việc gia đình sẽ được xưởng giải quyết cho nghỉ, còn đã đến xưởng là tất cả 280 công nhân phải nhịp nhàng trong các khâu và tập trung cao độ.

Từ khâu làm sạch bêtông dính trên lưới - giặt lưới - sấy khô - kiểm tra vết rách - vá lưới - đóng gói... phải hoạt động theo một dây chuyền và không được xem nhẹ khâu nào cả

Bà Dương Thị Thùy Linh

Qua bàn tay tỉ mỉ của người thợ Bến Tre, những tấm lưới đó trở nên lành lặn, sạch sẽ để rồi tiếp tục vượt đại dương qua nước bạn.

Cứ nhìn cách bà Nguyễn Thị Phi Nhàn - 51 tuổi, tổ trưởng tổ 3 Xưởng dạy nghề vá lưới - tỉ mẩn từng đường chỉ mới hiểu được tấm lòng của người làm nghề vá lưới cho Nhật.

“Du học” vá lưới

Bà Nhàn là người làm việc tại Xưởng dạy nghề vá lưới (thuộc Sở Lao động - thương binh & xã hội Bến Tre) từ ngày xưởng mới thành lập, tức cũng ngót nghét 22 năm tuổi nghề. Bàn tay chai sần, thô ráp nói lên độ thâm niên của bà.

Mới vào nghề một thời gian, bà Nhàn được đưa qua Nhật Bản tập huấn công việc vá lưới. Tại đây, bà được đi đến các công trường xây dựng để quan sát thực tế.

“Điều tôi ấn tượng nhất là các công trình xây dựng từ lớn đến bé đều có lưới bảo hộ bao bọc xung quanh nhằm bảo vệ công nhân đang thi công trên cao lỡ sẩy chân và bảo vệ cả những người đi xung quanh công trường nếu lỡ vật liệu rơi xuống” - bà Nhàn nói.

Bà kể tiếp ban đầu công việc vá lưới đối với bà chỉ đơn giản là khâu lại những lỗ rách, những mắt lưới bị bung. Thế nhưng sau một lần được tận mắt xem các kỹ sư xây dựng Nhật Bản thực nghiệm để chứng tỏ tầm quan trọng của lưới bảo hộ, bà đã thay đổi hoàn toàn.

“Họ đưa ra một tấm lưới bảo hộ, giữa có một lỗ rách nhỏ bằng hai ngón tay. Sau đó thả một vật nặng từ trên cao xuống, tấm lưới bị rách toang và vật nặng rơi thịch xuống đất với lực rất mạnh.

Họ nói nếu đó là con người thì mạng sống khó giữ. Hoặc giả vật nặng đó là một thanh sắt công trường rơi xuống trúng người phía dưới thì chấn thương là điều khó tránh khỏi” - bà nói.

Cũng từ đó, bà quan niệm nghề vá lưới chính là công việc gián tiếp bảo vệ mạng sống cho công nhân công trường, có thể trong đó có cả những lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.

“Giờ với cương vị là tổ trưởng, quản lý trực tiếp 13 công nhân, tôi vẫn thường kể lại câu chuyện này để họ đặt tất cả sự cẩn thận và chữ tín vào những đường may” - bà Nhàn chia sẻ.

Theo bà Dương Thị Thùy Linh, nghề vá lưới cho Nhật Bản tuy không nặng nhọc như những nghề khác nhưng căng thẳng bội phần. Bà Linh năm nay đã hơn 45 tuổi, nửa cuộc đời bà gắn với công việc vá lưới. Ngày mới đi làm, bàn tay bà cứ phồng rộp lên, đỏ ửng.

“Những người mới vào nghề sợ nhất là phải đứng hàng giờ. Phải mất cả tháng mới quen với công việc này vì tuy làm theo giờ hành chính nhưng làm trong tư thế đứng, di chuyển liên tục nên chưa quen dễ bị mất sức lắm” - bà Linh chia sẻ.

Cũng theo bà Linh, nếu công nhân nào mệt hay buồn bã việc gia đình sẽ được xưởng giải quyết cho nghỉ, còn đã đến xưởng là tất cả 280 công nhân phải nhịp nhàng trong các khâu và tập trung cao độ.

Từ khâu làm sạch bêtông dính trên lưới - giặt lưới - sấy khô - kiểm tra vết rách - vá lưới - đóng gói... phải hoạt động theo một dây chuyền và không được xem nhẹ khâu nào cả.

Vì chỉ cần một khâu bị lỗi sẽ gây khó cho những công đoạn khác, từ đó sản phẩm không được hoàn hảo, mất uy tín với phía đối tác.

Công việc vá lưới tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và đúng chuẩn theo phía đối tác Nhật Bản đưa ra - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Công việc vá lưới tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và đúng chuẩn theo phía đối tác Nhật Bản đưa ra - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Vá lưới theo công nghệ Nhật

Bà Trần Thị Tuyết Nhung - phó quản đốc Xưởng dạy nghề vá lưới - cho biết xưởng vá lưới được thành lập từ năm 1994, đến nay chỉ duy nhất đảm nhận công việc vá lưới bảo hộ công trình cho các đối tác Nhật Bản.

Từ vài container mỗi tuần khi mới thành lập, đến nay xưởng đã có đơn hàng lên đến trên 20 container loại 40 feet mỗi tuần.

Những chuyến hàng theo đường tàu biển cập bến tại cảng Cát Lái, TP.HCM, sau đó được chuyển xuống xưởng tại tỉnh Bến Tre bằng xe đầu kéo container.

“Trong khuôn viên xưởng được chia thành nhiều khu nhỏ. Ở mỗi khu sẽ đảm nhận từng công đoạn khác nhau. Đầu tiên là khâu làm sạch lưới bằng cách dùng búa, dao để đập, cạo bêtông dính trên các mắt lưới rồi giặt sạch, giặt xong cho vào máy sấy khô rồi chuyển lên xưởng vá.

Tại đây, công nhân sẽ rà từng mắt lưới tìm chỗ rách để vá lại. Vá xong phải qua hai, ba lần kiểm tra nữa để đảm bảo không vá sót. Sau đó mới đóng gói chuyển lại cho phía Nhật Bản” - bà Nhung kể về quy trình vá lưới.

Cầm chiếc búa bằng gỗ gõ đều lên các mắt lưới, chị Luyến - công nhân đảm nhiệm khâu làm sạch lưới - giải thích: “Đây là những tấm lưới vừa gỡ ra từ công trình xây dựng. Bêtông và dây chì vẫn còn dính đầy trên lưới. Một số cục bêtông đã đóng cứng lại nên phải dùng búa đập vỡ ra”.

Lực đập của búa gỗ cũng vừa đủ làm vỡ bêtông, nhả ra khỏi mắt lưới mà không làm hư hại đến lưới. Gặp những vết bêtông “cứng đầu”, nằm khuất trong các sợi dây thì phải dùng dao cạo sạch.

Tại khu xưởng giặt lưới, anh Lê Hữu Hiệp, 35 tuổi, đang hì hục kéo những tấm lưới nặng trịch từ hồ giặt bỏ vào máy sấy trước khi đưa qua xưởng vá.

Anh Hiệp cho biết đây là công đoạn vất vả nhất, nên hầu hết nam giới của xưởng đều tập trung vào khâu này. Anh Hiệp làm công việc này được gần 2 năm, vì thời gian qua xưởng không tuyển thêm người nên vẫn quen gọi anh là lính mới.

Đồ nghề của thợ vá lưới đơn giản chỉ là những kim may lưới, sợi chỉ dù, băng keo, bật lửa. Tất cả đồ nghề này đều do phía Nhật Bản cung cấp.

Mỗi năm, phía Nhật Bản sẽ có đoàn chuyên gia đến hướng dẫn kỹ thuật cho thợ. Làm hàng cho Nhật nên mọi nguyên tắc đều phải tuân thủ tuyệt đối. Tất cả dụng cụ thừa hay những mảnh lưới bị rách nhiều quá không thể phục hồi thì phải tiêu hủy, không được mang về nhà.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung cho biết nghề này tuy lương không cao, chỉ tầm trên dưới 4 triệu đồng/tháng nhưng nhờ công việc ổn định, lại làm việc theo công nghệ, tác phong Nhật Bản nên mọi người nộp hồ sơ vào rất nhiều. Thậm chí mới dán thông báo ngày trước thì ngày sau đã hết suất tuyển.

Cũng chính nhờ nghề vá lưới này mà bà Nguyễn Thị Phi Nhàn một mình nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Bà Nhàn nhớ lại ngày chồng mất bà đang mang thai đứa con thứ 2. Một mình bà gồng gánh trang trải mọi chi phí, lo cho con.

“Cũng nhờ công việc ổn định nên có thu nhập để lo cho con. Hiện giờ một đứa đã ra trường đi làm, đứa còn lại đang học ngành dược” - bà Nhàn nói.Duy nhất

 

 Duy nhất

Ông Nguyễn Minh Lập, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bến Tre, cho biết xưởng vá lưới bảo hộ công trình cho Nhật Bản chỉ duy nhất có tại Bến Tre. Đối tác chính của xưởng là Tập đoàn Marubeni và Tập đoàn Kyowa.

Mỗi năm, xưởng lưới đạt doanh thu khoảng 3 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho gần 300 lao động địa phương.

Qua hơn 22 năm hoạt động, xưởng đã tạo được uy tín và đảm bảo chất lượng hàng, qua đó khẳng định lao động Bến Tre có sự học hỏi, tiếp thu nghề rất nhanh.

Và điều quan trọng nữa là qua sự hợp tác này, tỉnh Bến Tre còn khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong nhiều năm qua.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên