08/08/2016 09:30 GMT+7

Ông Ba Bị ở Huế: Chuyện kể từ núi Hàm Long

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Hàm Long là một ngọn núi nhỏ, nơi tọa lạc của cổ tự Báo Quốc, nằm ngay ở phía nam ga Huế, ngay cạnh xóm Lịch Đợi - cách đọc biến âm của Lịch Đại đế vương, nơi nhà Nguyễn thờ các vị thánh đế trước Nguyễn.

Chùa Báo Quốc, nơi xuất phát bộ sách Hàm Long sơn chí ghi chuyện về ông Ba Bị - Trung Đình hòa thượng - Ảnh: THÁI LỘC
Chùa Báo Quốc, nơi xuất phát bộ sách Hàm Long sơn chí ghi chuyện về ông Ba Bị - Trung Đình hòa thượng - Ảnh: THÁI LỘC

Hòa thượng Thích Minh Không ở cổ tự Báo Quốc nói với chúng tôi: “Chuyện có nghịch lý. Người ta dùng ông Ba Bị để dọa con nít nhưng con nít thì rất thương ông!”.

“Theo dã sử thì những tay hào kiệt, bị Trịnh Kiểm nghi kỵ, đều đi theo Nguyễn Hoàng vào khai thác Ô châu, mỗi người có mang ba cái bị trên vai: trong hai bị ngồi hai trẻ em, còn một bị là chứa đồ lương thực. Đến đâu cũng nghe tiếng khóc trong bị, người ta đồn rằng: “Các ông ba bị đi bắt trẻ em”. Sau người ta dọa trẻ em thì cứ nói: “Ông ba bị!”…

Sách Việt Nam ngoại giao sử

“Trung Đình” do nhà chúa ban

Ngay chân núi là giếng đá cổ Hàm Long Tĩnh nằm giữa tán cây um tùm. Tấm bia đá bên giếng ghi rõ “Theo bộ Hàm Long sơn chí, giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc, khoảng năm 1674”.

Đây còn gọi là giếng Cấm vì nước giếng mát lạnh và có vị ngọt nên có chuyện kể rằng buổi đầu khai quốc các quan lại thường lấy nước giếng này để vua dùng.

Bước lên các bậc cấp là đến cổng tam quan cổ kính tuyệt đẹp; mái chùa nằm giữa sân vườn mượt bóng cây xanh.

Sau vài lần ghé chùa, chúng tôi cũng may mắn gặp được hòa thượng Thích Minh Không khi đang nghỉ ngơi sau giờ nghiên cứu kinh sử.

Nhà sư cho biết sách Hàm Long sơn chí do Điềm Tịnh cư sĩ và Như Như đạo nhân thực hiện, xuất phát từ ngôi chùa này.

Sách được viết dưới thời Nguyễn. Như Như đạo nhân vốn là một tri tạng (người trông coi kinh tạng) của chùa Báo Quốc, bận đồ dệt cỏ, thường cưỡi ngựa “đi mây về gió”.

Đến nay nhà chùa chỉ còn giữ một ít cuốn bản gốc, và một phần bản photocopy do một vị thiền sư danh tiếng sưu tầm, tặng lại.

Nguyên trước đây, sách Hàm Long sơn chí còn được lưu giữ đầy đủ tại chùa, song có một thời, một vị sư trong chùa phạm giới luật, có con với người bên ngoài nên đành phải rời chùa. Khi đi, vị này đem theo trọn bộ Hàm Long sơn chí.

Về sau, vì nuôi không nổi nên vị này gửi con trai lại cho chùa Báo Quốc nuôi, đồng thời tặng chùa một vài bản gốc sách quý. Phần sách còn lại tản mác, về sau được một vị thiền sư sưu tập lại và đem vào Sài Gòn.

Dẫn giải từ sách sử lưu giữ tại chùa Báo Quốc, hòa thượng Thích Minh Không cũng cho rằng ông Ba Bị chính là Trung Đình hòa thượng, tên gọi xuất phát từ việc thường treo cái bao bố ngủ trong đình.

Theo nhà sư, ông Ba Bị không bận quần áo mà “chỉ có cái khố vải nhỏ che ở vùng kín như thổ dân”, thân hình thì gầy gò, dị tướng nên thường bị đồng nhất với sự hung dữ để đem dọa con nít.

Thực tình, con nít rất thích ông vì hằng ngày, sau khi khất thực về, ông thường cho con nít rất nhiều đồ ăn.

Riêng chuyện tự thiêu, sư Minh Không kể: “Buổi cuối cùng, ông bảo: “Ngày ni ôông (cách người Huế đọc từ ông) cho mấy đứa con ăn, ngày mai ôông từ giã nghe!”. Mấy đứa con nít bá vai bá cổ mà gặng hỏi ngài từ giã như thế nào, ngài nói sẽ tự thiêu.

Tiếp tục gặng hỏi, ngài nói tự thiêu ở chùa Thiên Mụ. Khi tiếng đồn đến phủ chúa thì nhà chúa cho người đến hỏi. Ngài trả lời rằng đã đến lúc xả thân. Lúc đó nhà chúa mới ban cho ngài bộ đồ y hậu, kèm theo cái mũ hiệp chưởng.

Triều đình cũng không biết ngài tên gì, quê quán ở đâu, chỉ biết ngài thường khất thực khắp nơi, tối ngủ ở đền miếu, am đình nên mới ban hiệu là Trung Đình hòa thượng!”.

Những dị bản

Đi rất nhiều làng mạc quanh Huế, chúng tôi nghe kể rất nhiều chuyện khác nhau về ông Ba Bị.

Những cụ già ở các làng Tiên Nộn, Thế Vinh, hay Nam Phổ ven hạ nguồn sông Hương ở phía đông TP Huế thì giải thích rằng ông Ba Bị chẳng qua là: “Người đàn ông vô gia cư, rách rưới, ăn mày, đi mô chó cũng sủa. Con nít thấy sợ bị ông bắt đi, cho nên người lớn dọa ông Ba Bị!”. Hầu hết các cụ đều nghe kể lại chứ từ nhỏ đã không còn thấy.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhân vật đặc biệt từng xuất hiện trong làng, mà người ta không biết tên tuổi, gốc tích hay hành trạng và “đồng hóa” với ông Ba Bị đem dọa trẻ con.

Đó là trường hợp ở xóm Xuân Đài, nay thuộc phường Xuân Phú, TP Huế, còn lưu truyền câu chuyện về ông “cò nảy nảy” mà con nít khiếp sợ một thời.

Cụ Nguyễn Văn Hiếu, người xóm Xuân Đài, cho biết trước đây, gần khu vực bến xe An Cựu cũ, nay là siêu thị BigC ở Huế, có một vị “ăn trộm tài danh”, thuộc phường trộm cướp võ công cao cường, ăn cắp siêu hạng.

Hằng đêm người này đi như không trên các mái nhà, ăn cắp tài sản rất tài tình không để lại dấu vết. Dân tình ta thán, quan lại lắc đầu về tình trạng mất cắp của cải từ nhà bình dân cho đến phủ đệ.

Sau một thời gian dài điều tra, theo dõi, triều đình tổ chức vây ráp và tóm được thủ phạm. Để trừng phạt cũng như vô hiệu hóa việc ăn cắp, người ta cho cắt gân ông ta. “Không ai biết tên họ ông là chi, ở chỗ mô tới, mà chỉ biết ông ăn trộm tài danh.

Ông cò nảy nảy cũng là cách gọi về cái tướng đi của ông, nảy nảy sau khi bị cắt gân. Nhưng người ta cứ lấy hình ảnh ông đeo mấy cái bị, đi nảy nảy, gọi là ông Ba Bị để dọa con nít!”, cụ Hiếu cho biết.

Trong khi đó, sách Việt Nam ngoại giao sử của Ưng Trình, xuất bản năm 1955 tại Huế, thì giải thích Ba Bị là cách gọi những lưu dân người Việt theo chúa tiên Nguyễn Hoàng vào mở cõi đất phương Nam.

Sách này ghi: “Theo dã sử thì những tay hào kiệt, bị Trịnh Kiểm nghi kỵ, đều đi theo Nguyễn Hoàng vào khai thác Ô châu, mỗi người có mang ba cái bị trên vai: trong hai bị ngồi hai trẻ em, còn một bị là chứa đồ lương thực. Đến đâu cũng nghe tiếng khóc trong bị, người ta đồn rằng: “Các ông ba bị đi bắt trẻ em”. Sau người ta dọa trẻ em thì cứ nói: “Ông ba bị!”.”...

Đang tìm kiếm gốc tích ông Ba Bị ở các làng thì bất ngờ chúng tôi nhận cuộc điện của ông Lê Văn Thê ở thôn Xuân Hòa, phường Hương Long, TP Huế, rằng: “Tui vừa nghe chuyện ông Ba Bị từ một người bạn. Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, anh cứ tìm con cháu cụ Phạm thì biết!”.

Chúng tôi tức tốc chạy lên phủ Đức Quốc Công, và thật may mắn đúng vào dịp ngày giỗ thứ 190 của cụ, dịp con cháu tề tựu...

Theo Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931), Ba Bị được định nghĩa như sau: “Ba bị: Giống quái lạ người ta bịa ra để dọa trẻ con: Ba bị chín quai mười hai con mắt; nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí: đồ ba bị”.

Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học, Hoàng Phê chủ biên (1997), giải nghĩa “Ba Bị” ở hai góc độ, danh từ và khẩu ngữ.

Ở danh từ: “Tên gọi một người có hình thù quái dị bịa ra để dọa trẻ con. (Ví dụ) ông Ba Bị”. Với khẩu ngữ, ở nghĩa thứ nhất: “xấu xí, tồi tàn. (Ví dụ) bộ quần áo ba bị”. Nghĩa thứ hai: “thiếu nhân cách, lăng nhăng, chẳng ra gì. (Ví dụ) anh chàng ba bị, đồ ba bị”.

Tương tự, Từ điển tiếng Huế của tác giả Bùi Minh Đức cho rằng “ba bị” là “ông ăn mày” dùng để “dọa con nít cho nghe lời”.

Tác giả còn đưa ra mấy kiểu dọa: “ba bị chín quai mười hai con mắt”, “ba bị chín tai mười hai con mắt” hay “ba bị sáu tay mười hai con mắt”. Sách này cũng đồng nhất giữa “ông ba bị” với “ông ba kẹ”.

_______________

Kỳ tới:  Ba bị lúa của cụ Phạm Đăng Hưng

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên