07/08/2016 10:44 GMT+7

Ông Ba Bị ở Huế: Cuộc hỏa thiêu ở chùa Thiên Mụ

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Kể chuyện huyễn tưởng về ông Ba Bị chuyên đi bắt người để dọa trẻ con thì nhiều vùng miền trên khắp cả nước, kể cả nhiều nước trên thế giới cũng có.

Ông Nguyễn Hữu Đông thắp nhang ở lăng “ông Ba Bị” hiện nay - Ảnh: THÁI LỘC
Ông Nguyễn Hữu Đông thắp nhang ở lăng “ông Ba Bị” hiện nay - Ảnh: THÁI LỘC

 Kỳ 1 Cuộc hỏa thiêu ở chùa Thiên Mụ

Nhưng thật bất ngờ ở Huế lại có hẳn một ông Ba Bị được ghi trong lịch sử, bằng xương bằng thịt, có lăng mộ và những câu chuyện nhân văn, lý thú truyền trong lòng dân…

Ngài tu theo hạnh đầu đà, thường đi khất thực lang thang ở các làng, lúc nào trên mình ngài cũng đeo ba cái bị. Một cái để đựng thức ăn mặn do người ta cúng dường, ngài chỉ nhận để cho lại người nghèo; một cái để đựng đồ ăn chay phần ngài dùng; một cái to nhất thì đi đến đâu, về đêm, ngài treo lên mái đình làng để ngồi vào trong đó

(Lịch sử Phật giáo xứ Huế)

“Hôm nay tôi lên thắp hương lăng ông Ba Bị, nhà báo có đi cùng không?”. Cuộc alô của ông Nguyễn Hữu Đông, nguyên giám đốc Công ty du lịch Hương Giang (Huế), làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì không nghĩ có một ông Ba Bị thật, có lăng mộ để mà thắp hương; một ông Ba Bị ám ảnh trong suốt tuổi thơ tôi những lần khóc nhè.

Lăng mộ

Cùng ông Nguyễn Hữu Đông, chúng tôi ngược đường Kim Long ven bờ bắc sông Hương lên chùa Thiên Mụ, rẽ vào con đường bêtông ngay bên trái cổng chính của chùa.

Lên dốc là gặp ngay bức tường đá cổ của ngôi quốc tự, chúng tôi tiếp tục đi hết con đường men theo bức tường và đến con đường bêtông nằm ngay phía sau chùa.

Khu triền đồi này ken đặc mồ mả. Ở phía bên phải là một ao sâu, tương truyền là nơi Cao Biền trấn yểm địa cuộc long mạch trời Nam hơn ngàn năm trước.

Chúng tôi men theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, quanh những khu lăng và nấm mồ, ximăng có, đất có.

“Con đường bêtông này là do chúng tôi xây ba năm trước, nhưng cũng chỉ xây tới ngang đây thôi vì mồ mả nhiều quá không xây tiếp được nữa, không thể làm đường đến tận lăng ngài (ông Ba Bị) được” - ông Đông vừa diễn giải vừa dẫn chúng tôi theo lối mòn bằng đất, nhiều chỗ phải băng qua những nấm mộ dày đặc, san sát.

“Lăng ngài ở đây” - ông Đông dẫn tôi vào một khu lăng khá quy mô như vừa mới xây, có la thành, bình phong trước, sau, cổng vào, hai trụ biểu đằng trước. Bảo tháp ở giữa hình bát giác xây theo lối cổ, bên trên có đắp nổi mấy chữ “phù”.

Tấm bia trước lăng có dòng chữ quốc ngữ: “Thuận Hóa Thừa Thiên húy thượng Trung hạ Đình đại lão hòa thượng chi bảo tháp” được khắc mới. Phần lạc khoản: “Mùa thu năm Quý Tỵ đại trùng tu (2013)”, và “Thập phương phật tử các giới phụng lập”.

Tấm bia gắn trên bình phong hậu khắc phần ghi về “ông Ba Bị” trong sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế.

Ông Đông thắp một bó nhang, khấn vái và cắm vào bát nhang trước lăng. “Năm 2012, tình cờ tôi đọc một cuốn sách về lịch sử Phật giáo, bất ngờ đọc đến đoạn ngài Trung Đình hòa thượng là ông Ba Bị, tôi giật mình.

Té ra ông Ba Bị là một vị thiền sư đắc đạo chứ không phải một nhân vật truyền thuyết. Lần theo chỉ dẫn của sách, tôi tìm đến đây và gặp ngay lăng của ngài trong tình trạng xuống cấp.

Đến năm 2013 thì tôi cùng nhóm thân hữu cùng quyên góp, sau khi được sự cho phép của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế thì tiến hành trùng tu như hiện nay” - ông Đông kể.

Ngón tay xá lợi

Sách ông Đông đọc là cuốn Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm. Sách này ghi: “Trước khi quân Trịnh vào chiếm đóng Thuận Hóa, tại chùa Thiên Mụ đã có cuộc hỏa thiêu của Trung Đình hòa thượng. Không biết hòa thượng là người ở đâu, tên gì, thuộc thiền phái nào.

Chỉ vì ngài thường trú trong các đình làng nên người ta thường gọi là Trung Đình hòa thượng. Ngài tu theo hạnh đầu đà, thường đi khất thực lang thang ở các làng, lúc nào trên mình ngài cũng đeo ba cái bị.

Một cái để đựng thức ăn mặn do người ta cúng dường, ngài chỉ nhận để cho lại người nghèo; một cái để đựng đồ ăn chay phần ngài dùng; một cái to nhất thì đi đến đâu, về đêm, ngài treo lên mái đình làng để ngồi vào trong đó. Đêm trì tụng, ngày lang thang xin ăn.

Áo quần không cần thiết, chỉ đóng khố, tóc để bù xù, hình dáng nhớp nhúa, trẻ em trông thấy rất sợ hãi.

Dân gian vùng Thuận Hóa thường diễn tả hình ảnh ngài qua ba tiếng “ông Ba Bị”. Nhưng có ai biết trong cái hình dáng lạ kỳ, cổ quái như thế mà ngài là một thiền sư đã ngộ đạo.

Ngài đã xin chúa Nguyễn Phúc Thuần cho lập hỏa đàn ở chùa Thiên Mụ, và xin bố cáo cho dân kinh thành biết để đến dự. Mọi người vái lạy xin ngài lưu lại cho một chút di thể, ngài chỉ yên lặng đưa lên một ngón tay. Lúc đốt, lửa bốc mạnh thành gió, đẩy mạnh chiếc mũ Quán Âm của ngài đội.

Trong lửa đỏ rừng rực, thiền sư đã tự nhiên đưa tay lên để sửa lại mũ, miệng vẫn tụng niệm. Người đi dự đông như kiến cỏ, tranh nhau lấy trầm hương liệng vào hỏa đàn.

Thiêu xong, quả nhiên còn một ngón tay không cháy. Người ta nhặt ngón tay và tro còn lại, đem xây tháp thờ bên triền núi phía tây chùa Thiên Mụ.

Tháp này đến nay vẫn còn tại chỗ cũ, ở phía tây ngoài vòng thành chùa hiện nay. Bốn mặt đều có khắc chữ “phù”, trên chóp có hoa sen, tháp hình vuông, cao độ 1m, tháp cổ đã hơn 200 năm”.

Tìm nơi thờ tự

Nhang khói vẫn còn nghi ngút trong ánh chiều tà, ông Nguyễn Hữu Đông nêu thắc mắc với chúng tôi, rằng: tháp ở đây thì chắc chắn ngài phải được thờ ở một ngôi chùa nào đó. Tuy nhiên, ông Đông cho biết đã hỏi khắp chùa Thiên Mụ nhưng ai cũng lắc đầu.

Những ghi chép cũng như hệ thống long vị thờ tự của chùa này không hề có ngài Trung Đình hòa thượng. Những ngôi chùa quanh đó cũng được chúng tôi truy tìm.

Đến chùa Phước Duyên nằm ngay sau chùa Thiên Mụ, cách “lăng ông Ba Bị” chừng 300m, một vị tăng già của chùa lắc đầu: “Tôi chưa từng nghe nói!”.

Ngôi chùa gần đó cũng được truy tìm là chùa Từ Ân. Nhưng chùa này cũng không thờ ngài Trung Đình, vì thành lập mãi sau này bởi hoàng thái hậu Từ Dũ dưới thời nhà Nguyễn...

Quyết tìm cho ra gốc tích hoặc hành trạng, chúng tôi tìm đến chùa Từ Đàm, tìm gặp hòa thượng Thích Hải Ấn, đồng tác giả sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế... Sư Hải Ấn cho biết câu chuyện về ngài Trung Đình hòa thượng được dẫn lại từ sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Thích Mật Thể.

Và ngài Mật Thể cũng lấy câu chuyện từ sách Hàm Long sơn chí, một bộ sách dưới dạng cảo bản của Như Như đạo nhân, ghi chép về các vị danh sư, về chùa chiền và những câu chuyện Phật giáo Huế hàng trăm năm trước.

Theo lời sư Hải Ấn, cho dù táng ở khu vực Thiên Mụ nhưng Trung Đình hòa thượng không tu ở chùa này. Tháp cũng nằm ngoài khuôn viên chùa nên sẽ không thờ trong chùa.

“Cũng có thể có nơi thờ phụng nào đó, nhưng xưa quá rồi, nay thất lạc. Ngay cả tên gọi Trung Đình đâu phải cái tên của ngài, mà là người ta gọi theo hình thức ngài thường ngủ trong các đình. Chứ người xưa còn không biết tên họ, quê quán của ngài” - sư Hải Ấn cho biết.

________________________

Câu chuyện về vị danh sư có hành trạng kỳ lạ tiếp tục lôi cuốn, dẫn dắt chúng tôi đến núi Hàm Long, nơi có ngôi cổ tự Báo Quốc, phát xuất của bộ sách Hàm Long sơn chí ghi chép về ông Ba Bị một thời.

Kỳ tớiChuyện kể từ núi Hàm Long

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên