03/07/2016 10:15 GMT+7

Giữ tính cách “người Sài Gòn”

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh từng trải qua nhiều cuộc đổi thay, thậm chí có không ít xáo trộn. Trong bối cảnh đó tính cách con người sống tại thành phố này cũng thay đổi.

Các bạn trẻ thích thú chụp ảnh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: T.T.D.
Các bạn trẻ thích thú chụp ảnh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: T.T.D.


Tuổi Trẻ gặp gỡ và lắng nghe những người đang sống tại TP.HCM nói về tính cách của người thành phố lâu nay cũng như những sự thay đổi theo thời cuộc...

Gặp nhau ở một chữ “làm”

TS Nguyễn Thị Hậu, người có trải nghiệm sống ở cả hai miền Nam - Bắc và hoạt động trong nhiều năm nay vì sự phát triển và bảo tồn văn hóa Sài Gòn, đưa ra nhận định rằng:

“Tính cách người Sài Gòn bắt nguồn từ yếu tố, điều kiện thực tế nhất ở Sài Gòn là “làm”: “làm ăn”, “làm chơi ăn thiệt”, “làm đại”, “dám làm dám chịu”... thể hiện một cách giản dị, thiết thực nhưng cũng đầy trách nhiệm”.

Đây cũng chính là đặc thù của cư dân và vùng đất Sài Gòn: Đất làm ăn. Và đặc biệt, họ không nặng nề khe khắt với những cái khác, cái mới.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - lưu ý rằng:

“Người Sài Gòn từ trước năm 1975 cho đến ngày nay vẫn có những điểm chung thật đáng trân trọng. Đó là những người xuất thân từ nhiều vùng miền, và cùng nhìn thấy ở vùng đất Sài Gòn này những điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn, như một vùng đất lành để lập nghiệp”.

Vì vậy, theo ông, người Sài Gòn có khả năng dễ hòa nhập, chia sẻ, dễ hợp tác với nhau và đó là phong cách Sài Gòn trong mỗi con người ở đất này.

Ông nói: “Từ trước đến giờ Sài Gòn vẫn là mảnh đất làm ăn dễ thành công là nhờ có những con người như vậy, họ cạnh tranh để thành công chứ không dùng thủ đoạn chà đạp nhau, vì thế Sài Gòn là cơ hội cho những ai thực tâm quyết chí làm giàu.

Đó cũng chính là lý do để người ta gắn bó và làm phát triển vùng đất này. Từ những căn nguyên đó, người Sài Gòn tạo ra sự phát triển về văn hóa, xã hội có phong cách riêng: quảng đại, bao dung, hào phóng.

Đặc biệt là hai chữ “nghĩa tình” được đưa vào nghị quyết của Thành ủy trong cụm từ “văn minh - hiện đại - nghĩa tình” như một tiêu chí để xây dựng thành phố”.

Đúng thời đúng cảnh

Đó là nhận định của nhà báo Hoàng Xuân về hình thức của người Sài Gòn. Bà Xuân ghi nhận nét nổi bật trong đặc tính của người Sài Gòn là hào hiệp, rộng lòng, ngay thẳng, sòng phẳng và tình nghĩa.

“Chăm chỉ làm ăn, tư duy thực tế và lý trí, sống ở thời hiện tại, không để bụng và lăn tăn về quá khứ, người Sài Gòn nhìn nhận, đánh giá con người và sự việc theo đúng hiện thời hiện trạng” - bà Hoàng Xuân nhận xét.

Ngắn gọn nhưng sâu sắc, nhà báo Phạm Công Luận cho rằng nét nổi bật của người Sài Gòn là “dấn thân yêu đời” và đặc điểm này tồn tại xuyên suốt trong nhiều thời đại.

Dấn thân trong nhiều chiều kích, nhiều mặt của cuộc sống, có thể là nơi lòng thiện tâm hướng về chung cho đồng bào cả nước mỗi khi hữu sự, có thể là dấn thân vào những việc cụ thể như góp một bình nước miễn phí, vài ổ bánh mì từ thiện cho khách qua đường.

Còn yêu đời thì rất rõ, người Sài Gòn có tinh thần lạc quan tích cực, vui vẻ và bao dung, biết cách nhìn cuộc đời theo hướng nhẹ nhàng để dung hợp và chung sống. Chính điều đó mới khiến cho Sài Gòn trở thành điểm đến của nhiều người, nhiều giới.

Và nói đến cư dân Sài Gòn mà không nhắc đến chuyện ăn chơi là thiếu sót. Theo nhà báo Hoàng Xuân, người Sài Gòn rất biết ăn chơi, có thể gọi là “đúng thời đúng cảnh”.

Cái này không phải học theo ai cả, mà tự trong tính cách người Sài Gòn đã biết tự thu xếp cho mình cách hưởng thụ cuộc sống.

Và theo thời gian, tính cách thị dân của người Sài Gòn được nuôi dưỡng và phát triển thích ứng với thời cuộc.

“Người Sài Gòn phần lớn ham làm giàu nhưng không khinh người nghèo, không thờ người giàu. Cốt cách Sài Gòn đặt theo thứ tự là sự cống hiến cho cộng đồng, đến tình nghĩa, tài năng, sau cùng mới là tiền bạc, dù bây giờ họ đề phòng, cảnh giác hơn, tính toán hơn” - bà Hoàng Xuân nói.

Người Sài Gòn không bàng quan về chính trị. Một ông giáo về hưu từng sống tại Sài Gòn từ thời đệ nhất Cộng hòa cho rằng lúc trước năm 1975 người Sài Gòn có nhiều chính kiến, nhiều trường phái, có khi bất đồng nhau, tranh cãi nhau quyết liệt.

Nhưng từ năm 1975 đến nay thì không còn như vậy nữa, người Sài Gòn thống nhất với nhau trong nhiều cách nghĩ và hành xử. Hòa thượng Thích Minh Cảnh - viện chủ Tu viện Huệ Quang - nhìn thấy ở giới trẻ hiện nay “có nhiều người cởi mở, dám nói dám làm nhưng có chừng mực”.

Theo hòa thượng Thích Minh Cảnh: “Kiểu tính cách này không phải là rụt rè nhút nhát mà họ có suy xét, thấy chưa cần nói hoặc chưa phải lúc để nói nên không nói. Tức là họ cũng biết suy xét, dòm trước dòm sau để hành xử cho đúng trong cuộc sống”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nhìn thấy ở người Sài Gòn khả năng nhạy bén, năng động, bắt kịp những trào lưu của thế giới. Giới trẻ sành điệu trong việc tiếp thu lối sống, văn hóa của nước ngoài, cả mặt hay lẫn dở.

Tin rằng những tính cách tốt đẹp này sẽ cùng người TP.HCM đi tới cả mai sau.

Xưa và nay

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng thừa nhận rằng người TP.HCM hôm nay có nhiều thay đổi so với hồi trước.

“Họ sống nhanh hơn, thực dụng hơn, chụp giựt hơn. Cầu danh người ta cũng muốn cho nhanh mà mưu lợi cũng muốn cho lẹ. Đó là điểm nổi lên hơn hết” - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói.

Chia sẻ với nhận định này, hòa thượng Thích Minh Cảnh cho rằng: “Người Sài Gòn trước năm 1975 có hai dạng, một dạng theo hiện sinh thì sống hơi bừa bãi. Còn một dạng bình thường sống e dè, co cụm, có khi muốn nói mà không dám nói lên cái điều mình muốn nói.

Còn sau này người Sài Gòn lại có cái phóng túng, có khi không cần biết đến tội phước mà chỉ tính sao có lợi thì làm”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi thì tiếc nuối rằng sự lịch lãm, thanh lịch của những thế hệ trước năm 1975 không còn được tiếp nối: vượt đèn đỏ, khạc nhổ, tiêu tiểu ngoài đường, xả rác, phóng nhanh, giành đường, chạy xe máy cả lên lề đường... những điều mà trước năm 1975 dân Sài Gòn không có.

Theo ông Lê Hoàng, người Sài Gòn hồi trước năm 1975 có biểu giá trị được thể hiện, minh định rõ ràng hơn bây giờ.

“Chẳng hạn như sự lễ phép của con cái trong gia đình và người lớn tôn trọng tập quán của nhau.

Đi ngang đám tang người ta dừng lại ngả mũ tiễn người quá cố, đi ngang lễ chào cờ nghe cử quốc ca thì đứng nghiêm để thể hiện lòng tôn kính Tổ quốc... đó là những nét nổi rõ trong văn hóa và đạo đức mà bây giờ phôi pha” - ông Lê Hoàng nói.

Trong nghề nghiệp cũng vậy, khác biệt rõ nhất là nghề giáo hồi trước năm 1975 được xã hội trọng vọng. Điều này cũng thể hiện tôn ti trật tự trong xã hội.

Trong lĩnh vực kinh doanh, người Sài Gòn trước kia lấy chất lượng và uy tín sản phẩm làm tiêu chí hàng đầu. Giới chủ rất coi trọng sự phát triển mặt hàng của mình.

Nhờ vậy mà trước năm 1975 nói tới sản phẩm là nói tới những thương hiệu được xã hội thừa nhận, như xà bông Cô Ba, lụa Mỹ A, phở Hòa, gạch bông Đức Tân...

Ở điểm này, hiện nay chúng ta cũng đang quan tâm tìm kiếm bằng nhiều cách, như phong trào khởi nghiệp, như các cuộc vận động để phát triển hàng Việt Nam và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Một biểu giá trị nữa là người Sài Gòn trước kia có tinh thần thượng tôn pháp luật rất cao. Một đứa trẻ được giáo dục về tinh thần này từ trong gia đình, trong trường học, và khi lớn lên nó có tinh thần tự giác tôn trọng pháp luật. Tinh thần này hiện nay vẫn có ở người Sài Gòn nhưng còn rời rạc và chúng ta hiện đang tìm cách xây dựng, kết nối để gắn kết lại thành mảng chung, trở nên điển hình cho tính cách người Sài Gòn.

Tính cách người Sài Gòn:

- Năng động, sôi nổi nhưng không ồn ào, bon chen.

- Bình thản, tôn trọng cá nhân nhưng nghĩa hiệp, luôn giúp người khi cần.

- Hào sảng, quan hệ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.

- Làm và chơi đều hết mình, nhiệt tình với bạn bè, ít khi tính đếm so đo.

- Không định kiến, dễ chấp nhận cái mới. Không chê bai những gì khác mình.

NGUYỄN THỊ HẬU

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên