24/07/2015 13:30 GMT+7

“Làng Cam” trên đất Việt

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Ở xã Ia Pnon (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) - vùng phên giậu biên cương phía tây Tổ quốc - có hai ngôi làng mà đa số người dân ở đó đều có gốc gác Campuchia.

Vợ chồng ông Rơ Châm Luynh - Ảnh: T.B.D.
Vợ chồng ông Rơ Châm Luynh - Ảnh: T.B.D.

>> Kỳ 1: Những thành lũy hồn hậu

Người dân ở Gia Lai thường gọi hai ngôi làng ấy là “làng Cam”. Lịch sử của “làng Cam” ấy là ký ức đau thương trong những ngày chạy trốn chế độ diệt chủng Pol Pot.

Khi được bộ đội, người dân Việt Nam cưu mang, những người Campuchia ấy đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình.

“Lá chắn sống” bảo vệ người Campuchia

Ông Rơ Mah Kluch - bí thư Đảng ủy xã Ia Pnon - cho biết từ đầu năm 1976, chế độ diệt chủng Pol Pot thực hiện việc bức hại dân lành, tàn sát tất cả những ngôi làng của người Campuchia dẫn đến việc dòng người chạy loạn khắp nơi, trong đó lan ra cả khu vực biên giới.

Hàng trăm người dân Campuchia bồng bế con cái hoảng hốt cố chạy về hướng Việt Nam.

Lúc đó bí thư Đảng ủy xã Ia Pnon bây giờ là chàng trai 15 tuổi: “Người Campuchia bảo rằng làng đang bị Pol Pot tràn vào, trẻ con lẫn người lớn bị dùng rìu chặt đứt cổ. Không ai ở lại mà sống sót nên người dân làng Triel (xã Ia Tung) và làng Lâm (xã Ponhay) của huyện Ou Ya Dav (tỉnh Ratanakiri, Campuchia) đã gọi nhau trốn chạy, tìm cách qua Việt Nam”.

Nhớ lại thời điểm người dân bên kia biên giới tìm qua xã Ia Pnon lánh nạn, ông Rơ Châm Luynh (73 tuổi) - lúc đó là cán bộ xã đoàn của Ia Pnon - cho biết hầu hết người dân Campuchia đều rất hoảng loạn.

Do tình hình quá nguy cấp nên không ai mang theo được gì ngoài gùi lúa, một ít quần áo và vài con trâu con bò.

Rơ Châm Luynh cho biết trong đợt tháo chạy ấy đã có tổng cộng hơn 100 hộ dân hai làng Triel (nay gọi là làng Têl) và Lâm. Thời điểm người Campuchia tràn qua, người Gia Rai Việt Nam bên này biên giới huy động dân làng chạy ra cứu giúp.

Vị già làng lớn tuổi của xã Ia Pnon đứng ra khuyên bảo dân làng: “Dù là người Campuchia nhưng chúng ta từng sống với nhau như anh em, không có ngăn cách nào. Nay người Campuchia gặp nạn thì bà con dân làng cứu giúp, ai có cơm nhường cơm, ai có nhà thì nhường chỗ ở”.

 Những người trong dòng người chạy trốn Pol Pot lần lượt được người Gia Rai ở Ia Pnon cùng bộ đội dẫn về các gia đình để cầm cự qua cơn đói.

Những ngày ấy, người dân Việt Nam vừa trải qua chiến tranh nên cũng khó khăn như người Campuchia.

Nhưng Rơ Châm Luynh nói rằng khi người Campuchia qua chạy nạn, đồng bào địa phương ở Ia Pnon đã không tiếc hạt lúa giống chuẩn bị gieo xuống lỗ, không tiếc con gà đang nằm trên ổ của mình để lấy ra chia phần cho người Campuchia.

Để người dân nhanh có cái ăn, dân làng Ia Pnon còn chỉ những đám đất mà người Việt Nam mới phát dọn màu mỡ nhất để người Campuchia gieo hạt giống xuống.

Ông Rơ Châm Luynh nhớ lại: “Nhiều trẻ con, người già chạy trốn Pol Pot trong rừng nên qua đến đất Việt Nam thì đói lả, nằm thoi thóp. Bộ đội Việt Nam huy động trong dân ai còn lúa thì lấy nấu cháo bón cho người yếu cầm hơi.

Bà con Việt Nam che chở người Gia Rai ở Campuchia như che chở cho đồng bào của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân đã bình tĩnh trở lại, bắt đầu một cuộc sống mới trên vùng đất Việt”.

Ông Rơ Châm Luynh cho biết dù qua đến Việt Nam nhưng cuộc truy sát của Pol Pot vẫn chưa chấm dứt.

Những năm 1976 - 1978, liên tiếp các đợt lùng sục của lính Pol Pot tìm tin tức về dân hai làng đã trốn chạy qua Việt Nam. Nhưng đến đất Việt, họ đã bị bộ đội Việt Nam chặn lại.

Trước tình hình nguy cấp ấy, bộ đội Việt Nam đã họp dân lại, thống nhất di chuyển người dân Campuchia tiến sâu vào trong đất Việt cách biên giới gần chục kilômet, phía bên ngoài biên giới là các ngôi làng của người Việt Nam được dựng lên làm lá chắn.

Từ những năm 1980 trở đi khi bên kia biên giới đã yên ổn, người Campuchia thấy sống ở Việt Nam được dân thương, bộ đội cưu mang quá nên chẳng ai muốn về lại nơi đã ra đi nữa.

Trước nguyện vọng của người dân, chính quyền Ia Pnon đã làm thủ tục nhập hộ tịch, đưa hơn 100 hộ dân đi lánh nạn trở thành người Việt Nam, bố trí ở hai ngôi làng.

Cái tên của hai ngôi làng ấy cũng được lấy từ tên hai ngôi làng mà người dân đã ra đi: làng Têl, làng Lâm. Chỉ có điều làng đó nay không còn ở Campuchia nữa mà là trên đất Việt Nam.

Ông Rơ Châm Kluch - bí thư Đảng ủy xã Ia Pnon - trò chuyện cùng Ksor Rnhang - một trong nhiều người Campuchia đã trốn chạy Pol Pot qua Việt Nam dựng làng sinh sống năm 1976 - Ảnh: T.B.D.
Ông Rơ Châm Kluch - bí thư Đảng ủy xã Ia Pnon - trò chuyện cùng Ksor Rnhang - một trong nhiều người Campuchia đã trốn chạy Pol Pot qua Việt Nam dựng làng sinh sống năm 1976 - Ảnh: T.B.D.

Cưu mang nhau như ruột thịt

Người Việt Nam ở xã Ia Pnon coi người Campuchia bên kia biên giới là anh em một nhà, thường xuyên qua lại thăm hỏi, uống với nhau từng bữa rượu ghè mỗi khi có dịp lễ lạt.

Ồng Ksor Rnhang - già làng và cũng là công dân của làng Têl, người đã có mặt trong đợt trốn chạy Pol Pot để qua Ia Pnon sinh sống năm 1976 - nói rằng sự gắn kết đó ngoài tình cảm của anh em một dân tộc còn có sự mang ơn giữa người dân hai bên biên giới với nhau.

Ksor Rnhang năm nay đã 76 tuổi, hiện có nhà cửa, vợ và bốn con gái cùng nhiều cháu chắt sống quây quần tại làng Têl, xã Ia Pnon.

Nhắc đến ngày cùng dân làng qua Việt Nam rồi được cưu mang, ông Rnhang nói: “Bộ đội Việt Nam thương mình, dân làng cũng thương lắm. Nếu mà không thương thì mình chết rồi, vợ con mình cũng bị Pol Pot giết chết hết rồi”.

Rnhang cho biết do lo sợ Pol Pot, tháng 4-1976 ông đã đưa vợ con cùng gần 100 dân làng ở Ou Ya Dav vượt qua biên giới về Ia Pnon sinh sống.

Được dân làng cho lúa để gieo hạt, chỉ cho đám rẫy để trồng cây mì kiếm cái ăn, rồi bộ đội đứng ra chặn không cho Pol Pot vào làng tìm giết nên Rnhang sống sót rồi quyết định ở lại Việt Nam, làm công dân Việt Nam luôn.

Dù sống bên này biên giới nhưng ở làng cũ tại Campuchia vẫn còn rất nhiều người thân máu mủ của Rnhang, nên mỗi khi có công việc ông lại xin bộ đội, chính quyền làm thủ tục cho về bên kia để lo công việc.

Hỏi có hay về Campuchia thăm quê hương không, Rnhang cười: “Có chớ, bà con anh em họ hàng mình bên đó cả mà. Hồi đó mình qua đây rồi được người Việt giúp, những năm 1966 người Việt ở Ia Pnon qua tránh chiến tranh bên làng mình cũng nhiều lắm. Rồi cả bộ đội Việt Nam qua cũng được người Campuchia giúp đỡ. Có sắn cho ăn sắn, có lúa cho ăn lúa chứ không tiếc gì cả”.

Giống như Rnhang, ông Kpuih Dot (85 tuổi) và vợ là Rơ Châm Bla ở làng Têl cũng có gốc gác là người Campuchia. Tháng 4-1976, Kpuih Dot theo dòng người chạy loạn dẫn theo vợ và hai con nhỏ qua đất Việt Nam rồi được cưu mang. Đến nay Dot và Bla đã có nhà cửa, là công dân Việt Nam...

Ông Rơ Châm Luynh cho biết không chỉ người Campuchia mang ơn người Việt Nam mà ngược lại có những giai đoạn chiến tranh ác liệt, bộ đội lẫn người dân ở Ia Pnon đã được người Campuchia bên kia biên giới giúp đỡ, cưu mang.

Những năm 1966 khi chiến trường Tây nguyên đang bị giội bom ác liệt, đã có những ngôi làng ở Ia Pnon phải di chuyển qua sơ tán hẳn tại tỉnh Ratanakiri.

Những năm đó, địch giội bom quá rát, Luynh dẫn vợ và hai con theo hàng trăm người làng về Ou Ya Dav của Campuchia để lánh nạn, tới năm 1971 mới trở về làng Việt. Khoảng thời gian đó, người Việt Nam đã được đồng bào các ngôi làng phía Campuchia giúp đỡ và sống hết lòng hết dạ.

__________

Kỳ tới: Những cây cầu hữu nghị

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên