23/07/2015 10:39 GMT+7

​Những câu chuyện bên đường biên giới

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Chúng tôi trở lại ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây (Mộc Hóa, Long An), rẻo đất đầu nguồn dòng Vàm Cỏ Tây này là một trong những làng quê đặc biệt trên vùng phên giậu Tây Nam khi có tới hai cột mốc 202 và 203 phân giới với nước bạn Campuchia.

 Kỳ 1: Những thành lũy hồn hậu

 

43 năm làm dâu Việt Nam, bà Som Nuol (Huỳnh Thị Nương) nói mỗi gương sen, bờ ruộng ở Việt Nam cũng thân thuộc, gần gũi như quê nhà Svay Rieng của bà - Ảnh: Viễn Sự
43 năm làm dâu Việt Nam, bà Som Nuol (Huỳnh Thị Nương) nói mỗi gương sen, bờ ruộng ở Việt Nam cũng thân thuộc, gần gũi như quê nhà Svay Rieng của bà - Ảnh: Viễn Sự

Xóm giềng biên giới

Trong quán nhỏ, sát con đường mòn mà bà con Khmer vẫn hay lại qua, bà chủ quán Đặng Thị Dứng nhẩm lại cuốn sổ ghi nợ: Tà Uôn mua cá khô 80 ngàn, Som An thiếu 95 ngàn, Tà Chanh mua 2kg gạo và lít mắm 70 ngàn...

Đó là những bạn hàng của bà Dứng từ bên kia biên giới. Bữa nay bà Dứng ngồi đếm tên từng người không phải để nhắc nợ mà vì: “Hổm rày mưa già đường ngập nên bà con bên đó không qua, làm lối bờ kênh này bớt nhộn, cũng thấy nhớ”.

Bà Dứng nay 50 tuổi nhưng có tới 40 năm cắm chòi ở bờ kênh này. Ký ức của bà về những cuộc lại qua của bà con hai bên còn dài hơn cả con đường mòn biên giới trước nhà.

Chuyện làm bà Dứng nhớ nhất là thời chưa có chồng, ấp Bình Bắc cùng xóm Tà Nốt bên Campuchia đều nghèo xơ xác, cùng mần chung những thửa ruộng giáp nhau. Hồi đó nhà có ba mẫu ruộng gia đình bà khai hoang cặp bờ với ruộng nhà Tà Uôn bên Tà Nốt.

Tới mùa nhà bà Dứng với nhà Tà Uôn mần vần công, giúp nhau đặng kịp chạy lũ. “Hồi đó đâu có mốc như bây giờ, bà con hai bên cứ căn theo lằn ranh bờ ruộng, nhưng một nhát cuốc phạm vô bờ đất bên kia cũng không ai làm” - bà Dứng nhớ lại.

Từ lúc thôi mần ruộng, không còn cảnh vần công với người Tà Nốt nhưng mở cái quán nhỏ, nhà bà Dứng trở thành nơi gặp gỡ của bà con hai bên, riết rồi ai cũng thành khách quen. “Bà con ở đây chọc tui là “bán thiếu xuyên biên giới”.

Hồi giờ chưa ai chạy của tui. Mua xong ghi tên, có tiền bà con bên đó lại chạy sang trả, còn không tới mùa lúa trả luôn” - bà Dứng hào sảng. Mối liền lạc với đất Tà Nốt của nhà bà Dứng, cũng như bao gia đình khác ở ấp Bình Bắc này tự nhiên vậy mà khắng khít.

Cùng chuyện như bà Dứng, ông Đào Văn Thức, một người dân Bình Bắc vốn là Việt kiều từ Campuchia trở về từ năm 1975, kể hồi nào giờ bà con bên đó ăn tết thì ông và nhiều người Bình Bắc đều qua chơi, tới tết mình thì bà con bên đó qua chúc lại.

“Tụi này múa lâm thôn cũng dẻo, ngọt như người bển qua đây hát karaoke tiếng Việt vậy chú ơi!” - ông Thức cười ví von.

Còn trung tá Nguyễn Hoa Hùng, chính trị viên đồn biên phòng Bình Hòa Tây, kể mối thâm tình bà con hai bên khắng khít nên lâu dần thành quen, đồn biên phòng Bình Hòa Tây được nhiều người dân cả hai bên gọi là đồn Tà Lọt, nói trại từ địa danh ấp Tha Lốt của đất bạn.

Lý do là xóm làng bên Tà Nốt xa đô thị nên bà con bên đó muốn mua từ bó rau, con cá đến sửa chiếc máy ghe đa số đều qua bên Việt Nam để mua sắm, đất Việt hay đất Cam đều gần gũi.

Bà Đặng Thị Dứng trò chuyện với một sĩ quan biên phòng. Cái quán nhỏ của bà trở thành nơi gặp gỡ của bà con hai bên biên giới - Ảnh: Viễn Sự
Bà Đặng Thị Dứng trò chuyện với một sĩ quan biên phòng. Cái quán nhỏ của bà trở thành nơi gặp gỡ của bà con hai bên biên giới - Ảnh: Viễn Sự

Xa nước mà vẫn gần nhà

Nhà ông Hai Đời (Huỳnh Văn Đời) nằm cạnh cột mốc 203, căn nhà mái lá vách đất tuềnh toàng nhưng phía trước gần bàn thờ ông Tà có đất rộng, ông Hai Đời che miếng lán thiệt bự chỉ để kê bàn trà mà ông kêu: “Nói cho sang là chỉ để tiếp khách quốc tế”.

Cũng như quán bà Dứng vì nhà cạnh cột mốc nên bà con bên mình đi ruộng, bà con bên Cam qua mua đồ, đi mần mướn đều ngang qua, lâu dần nhà ông Hai Đời trở thành nơi giao lưu của bà con hai bên. Khách quen nhất là ông Som An, mỗi sáng sớm khi mặt trời quá ngọn tre lại đạp xe theo lối đường mòn từ Tà Nốt qua uống trà.

Ông Som An năm nay 58 tuổi, tới nay đã có ngót 20 năm làm bạn trà với ông Hai Đời mỗi sáng, với cả nhiều người ở Bình Bắc.

Ở bàn trà gần cột mốc ấy, rất tiện để ông Som An kiếm được chuyện mần mướn kiếm tiền. “Mà cũng rất tiện ngó cột mốc, có chuyện thì đánh kẻng báo biên phòng cái một” - ông Hai Đời kể.

Mấy hôm nay khi cột mốc 203 bị nhóm người Campuchia từ đâu xa bị kích động qua gây chuyện ồn ào, ông Som An buồn rười rượi, đi khắp Tà Nốt nhắn mọi người đừng tụ tập theo ra cột mốc.

Gặp các phóng viên Việt Nam ngay trên cánh đồng có cột mốc 203, ông Som An nói đất đai bờ thửa này có từ thời ông cha của dân Bình Bắc và Tà Nốt, đâu ai phiền trách.

“Tui chỉ mong hai xóm bình yên để mỗi ngày tui vẫn đi xe đạp từ bển qua, uống trà với bà con Bình Hiệp, còn kiếm được sở mần mua gạo” - ông Som An chân tình, bằng vốn tiếng Việt lưu loát sau 20 năm uống trà nhà ông Hai Đời.

Bởi vậy trung tá Nguyễn Hoa Hùng nói: “Cái ấp nhỏ này có tới hai cột mốc biên giới nhưng cuộc sống chan hòa, tối lửa tắt đèn bao đời của dân Tà Nốt và Bình Bắc này thì đâu ai phân giới được”.

Lời của trung tá Hùng cứ theo chúng tôi suốt những ngày ở Bình Bắc, như đúc kết cho câu chuyện mà chúng tôi được trải nghiệm.

Đó là ngày đầu tiên đến Bình Bắc, sau khi chứng kiến cuộc đấu tranh khôn khéo và mềm mỏng của lực lượng chức năng hai nước trước những căng thẳng tại cột mốc 203 thì trời đã tối, chúng tôi được bà Huỳnh Thị Nương nấu cho nồi cháo vịt chống đói.

Bưng nồi cháo nóng hổi, bà Nương còn áy náy: “Mấy chú từ xa tới, trời tối rồi mà tui hổng kịp làm gì hết trơn”.

Suốt bữa ăn, bà Nương cứ ngồi phiền trách những người Campuchia từ tỉnh xa tới nhăm nhe xâm phạm cột mốc, làm ấp xóm hai bên ồn ào mấy bữa nay. Bát cháo vịt làm chúng tôi ngỡ ngàng vì sự tốt bụng của một bà già nông dân biên giới.

Nhưng ăn xong còn ngỡ ngàng hơn khi biết bà Nương là người Khmer, có tên cúng cơm là Som Nuol, quê ở Svay Rieng, về làm dâu xóm Bình Bắc này 43 năm rồi đổi họ theo chồng.

Từ nồi cháo đủ vị Nam bộ, đến bộ quần áo bà ba xắn gối, rồi cả nỗi ấm ức vì có người động tới cột mốc chủ quyền, bà Nương có khác gì những phụ nữ Việt hồn hậu khác xứ Bình Bắc này?

Hỏi bà làm dâu xa xứ mấy mươi năm có nhớ quê nhà, bà nói quê nhà cách có con đường mòn, còn gần hơn từ Bình Bắc ra Kiến Tường. “Sanh bầy con bảy đứa, đứa nào sanh ra cũng có cậu dì bên kia qua chăm tới hết ở cữ. Ai nói tui làm dâu xa xứ là tui hổng chịu” - bà Nương cười móm mém.

Rời Bình Bắc trong trời chiều yên ả, cột mốc, dòng kênh, con đường biên giới... thanh bình trôi lại phía sau.

Tôi tin những người dân biên giới như bà Tư Nương, bà Dứng hay ông Hai Đời, Som An... phải xứng đáng được sống yên bình. Bởi sự hồn hậu mà họ đã gửi gắm cho nhau qua hai bờ biên giới suốt cả cuộc đời mình chính là thành lũy vững chãi nhất ở đất biên cương này.

“Chính quyền Mộc Hóa và huyện Kompong Ro đã ký kết và hợp tác rất tốt với nhau trong bảo vệ an ninh biên giới. Huyện họp giao ban hằng quý, xã họp giao ban hằng tháng. Lực lượng vũ trang hai bên cũng tuần tra đơn phương, song phương mỗi ngày...

Nhưng chính nghĩa tình, sự đoàn kết giữa người dân Việt Nam và Campuchia hai bên biên giới mới là thành lũy vững vàng nhất. Chúng tôi sẽ cùng với chính quyền phía bạn, cùng bà con giữ gìn nghĩa tình ấy” - ông NGUYỄN VĂN ĐÁT, chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa (Long An).

______________________

Kỳ tới: “Làng Cam” trên đất Việt

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên