08/03/2015 13:06 GMT+7

MMA - võ đài hung bạo - ​Kỳ 3: Lê Cung giã từ sàn đấu

DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

TT - Chúng tôi gặp Lê Cung (thường gọi là Cung Le), 42 tuổi, võ sĩ người Mỹ gốc Việt lừng danh thế giới khi anh từ Mỹ trở về Việt Nam tập luyện hồi đầu năm 2015.

Lê Cung (phải) gục ngã trong trận thua võ sĩ người Anh Michael Bisping - Ảnh: Getty Images

Dù vẫn giữ được vẻ ngoài săn chắc đầy mạnh mẽ nhưng Lê Cung cho biết anh đã quyết định giã từ võ đài.

Quyết định chia tay Mix martial arts (võ tự do, MMA) đến với Lê Cung sau trận thua hồi tháng 8 -2014 của anh trước võ sĩ người Anh Michael Bisping.

15 phút 57 giây kiếm được 3 tỉ đồng

Đó là trận đấu rất được chờ đợi của Lê Cung khi anh lần đầu tiên trở lại sàn đấu MMA sau hai năm trong tư thế của một nhà vô địch hạng trung. Nhưng rồi trận đấu đó lại kết thúc trong cay đắng với võ sĩ Mỹ gốc Việt. Anh chỉ trụ được trên võ đài đúng... 15 phút 57 giây, trước khi bị đối thủ knock-out và ngã gục với khuôn mặt đầy máu.

Giải thích cho thất bại chóng vánh của mình, Lê Cung cho biết anh bị dính một đòn khá nặng vào mắt ngay từ đầu trận đấu và khoảng thời gian sau đó anh không còn làm chủ các tình huống được nữa.

Lê Cung nói: “Ở tuổi tôi, khả năng hồi phục sau những lần dính đòn đã trở nên kém đi rất nhiều. Thất bại này khiến tôi nhận ra có lẽ mình nên tính đến việc giải nghệ. MMA rất tàn khốc, hầu như mọi võ sĩ đều phải hồi phục rất nhanh sau mọi chấn thương để có thể tập luyện trở lại. Khả năng đó với tôi bây giờ hầu như không thể”.

Theo đuổi nghiệp điện ảnh

Ngoài lý do tuổi tác, khi nói đến nguyên nhân muốn giải nghệ, Lê Cung đùa rằng vì anh muốn giữ cho khuôn mặt còn có thể “xem được” để tiếp tục đóng phim.

Sự nghiệp điện ảnh sẽ là công việc chính mà Lê Cung theo đuổi sau khi giải nghệ bởi anh cho biết mình không muốn trở thành HLV võ thuật.

Từ năm 1997 đến nay, anh đã đóng tổng cộng 16 bộ phim, trong đó có những bộ phim nổi tiếng của Hollywood như Fighting (2009), Tekken (2010)...

Trên sàn đấu võ tự do, Lê Cung từng một lần giành chức vô địch thế giới hạng cân trung bình (từ 78-84kg).

Nhưng đỉnh cao trong sự nghiệp của anh lại ở môn kickboxing với một lần vô địch thế giới, một lần vô địch Bắc Mỹ và ba lần vô địch Mỹ.

Năm 2007, anh được tạp chí võ thuật danh tiếng Black Belt bầu chọn là võ sĩ kung-fu mạnh nhất trong năm.

Rời khỏi sàn đấu luôn là quyết định khó khăn với bất kỳ võ sĩ nào, đặc biệt là với một người đã quen với việc đấu võ để sinh tồn và có đến gần 30 năm “nhuộm máu” khắp các võ đài thế giới như Lê Cung. Thêm vào đó, giải nghệ cũng khiến Lê Cung mất đi những khoản thu nhập khổng lồ trên võ đài.

Trung bình một năm chỉ thượng đài một lần nhưng mỗi trận đấu dù thắng dù thua đều đem đến cho Lê Cung hàng trăm ngàn USD.

Điển hình là sau trận thua trước Bisping, Lê Cung vẫn nhận được đến 150.000 USD (khoảng 3 tỉ đồng) theo thông tin của trang MMA-manifesto.com.

Thậm chí trong trận nổi tiếng trước đối thủ người Brazil Wanderlei Silva năm 2011, Lê Cung cũng nhận khoản tiền khổng lồ 420.000 USD (khoảng 8,5 tỉ đồng) dù bại trận.

Học võ để không bị hiếp đáp

Sinh ra tại Việt Nam, gia đình sang Mỹ từ năm 4 tuổi, Lê Cung kể rằng quãng đời niên thiếu của anh cũng giống như nhiều đứa trẻ phải sinh sống ở một đất nước xa lạ khác.

Thường xuyên bị bạn bè trên trường, trong khu phố ức hiếp, kỳ thị chủng tộc, cậu bé Lê Cung không hề nhẫn nhịn mà phản kháng lại.

Lê Cung kể: “Vào năm 8 tuổi sau một lần bực tức vì bị hiếp đáp, tôi tung một cú đá nguy hiểm vào một đứa trẻ khác.

Một thầy giáo trong trường trông thấy và ông ấy la rầy tôi rằng những hành động liều lĩnh như vậy có thể sẽ rất nguy hiểm cho tôi lẫn người khác.

Câu chuyện đến tai mẹ tôi và bà ấy quyết định dẫn tôi đến một võ đường taekwondo để tôi có thể học võ đúng cách.

Thời còn nhỏ thể chất của tôi chỉ thuộc loại trung bình, nhưng nhiều người bảo rằng tôi có sức mạnh tiềm ẩn. Thật sự sau đó tôi đã học võ rất nhanh. Năm 13 tuổi tôi chuyển sang học đô vật và được chọn vào đội tuyển trẻ trong vùng”.

Con đường học võ của Lê Cung bắt đầu từ đó. Anh cho biết bản thân không thật sự đam mê một môn võ nào mà chỉ khao khát được học càng nhiều để hùng mạnh hơn, hoàn thiện hơn kỹ năng chiến đấu.

Và đây dường như là điều rất thích hợp với MMA, môn võ hỗn hợp. Sau taekwondo và đô vật, Lê Cung học tiếp hàng loạt môn võ khác như boxing, tán thủ, muay Thái và cả võ cổ truyền VN.

Năm 20 tuổi, Lê Cung đến với kickboxing và chỉ sau vài năm, anh trở thành một huyền thoại bất bại trên sàn đấu này với thành tích 17 trận toàn thắng. Nhưng đến năm 32 tuổi, Lê Cung bất ngờ chuyển sang thi đấu MMA.

Lý giải cho sự thay đổi bất ngờ của mình, Lê Cung nói: “MMA đã cho tôi rất nhiều, gồm cả tiền bạc và danh tiếng. Nhưng đó không phải là những thứ tôi khao khát nhất khi chuyển sang thi đấu MMA. Ở Mỹ MMA là môn võ số một, được yêu thích nhất và được xem như võ đài của những người mạnh nhất, liều lĩnh nhất.

Nếu một võ sĩ châu Á vô địch ở một môn võ nào khác, anh ấy vẫn không thật sự được xem trọng, thậm chí còn bị coi là người đã chọn việc dễ để làm. Tôi đã xem hàng loạt trận đấu MMA thời còn nhỏ và mong muốn một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy, một võ sĩ Việt Nam cũng có thể đấu ngang cơ với những võ sĩ phương Tây to khỏe”.

Lê Cung (trái) luyện võ ở một trung tâm TDTT tại TP.HCM hồi tháng 1-2015 - Ảnh: Huy Đăng

Chiến thắng để đời trước đối thủ Trung Quốc

Trong sự nghiệp võ tự do, Lê Cung có thành tích 9 trận thắng, 3 trận thua trong tổng cộng 12 lần thượng đài. Trong đó chiến thắng nổi bật nhất của anh là vào năm 2008 khi đánh bại Frank Shamrock, võ sĩ hạng trung mạnh nhất thời điểm đó.

Nhưng chiến thắng khiến Lê Cung không thể nào quên trong sự nghiệp của anh lại là ở võ đài kickboxing khi anh đả bại Na Shun của Trung Quốc vào năm 1998.

Lê Cung cho biết nhiều tháng trước trận đấu đó, các HLV của anh nhận được thông tin từ Trung Quốc rằng Na Shun có thói quen bước chân trái lên khi ra đòn và họ quyết định huấn luyện đòn phản công cho Lê Cung dựa trên thông tin này.

Nhưng chỉ vài ngày trước trận đấu, Lê Cung tình cờ xem được một trận đấu của Na Shun trên truyền hình và nhận ra điều ngược lại, thông tin trước đó chỉ là bịp. “Khi ấy tôi đã nói với các HLV của mình rằng tôi sẽ không đánh theo một bài bản nào cả.

Thay vào đó khi bước lên võ đài, tôi tự nhủ sẽ nỗ lực tấn công liên hoàn để không cho đối thủ Trung Quốc một cơ hội tấn công nào”, Lê Cung kể. Và cuối cùng đó là một trong những trận thắng thuyết phục nhất trong sự nghiệp của Lê Cung khi anh “giải quyết” Na Shun bằng một cú đá “cắt kéo” tuyệt đẹp.

Dù đã quyết định giải nghệ ở tuổi 42, Lê Cung vẫn giữ nguyên vẻ ngoài dũng mãnh trên sàn tập. Sở hữu những cơ bắp cuồn cuộn, bắp tay Lê Cung to ngang bắp chân một người bình thường.

Dẫu vậy, dấu tích thương tật vẫn không thể nào xóa khỏi nơi những bước đi của anh, với một cái đầu gối khập khiễng và khuôn mặt thỉnh thoảng bị co giật.

Lê Cung nói: “MMA rất tàn khốc. Các võ sĩ như tôi đổ máu trên cả sàn tập chứ không chỉ trên võ đài. Tôi từng gặp một chấn thương kinh hoàng khi tập luyện và phải nghỉ thi đấu đến sáu tháng.

Còn đầu gối của tôi có lẽ mãi mãi không thể lành lặn lại được sau rất nhiều chấn thương khác nhau. Dù vậy, tôi không e sợ chấn thương. Khi bạn đã ăn đòn quá nhiều thì bạn sẽ quen dần với nó thôi”.

______________

Ít ai biết ở TP.HCM có một CLB MMA chuyên nghiệp với đầy đủ trang thiết bị tập luyện hiện đại bậc nhất dành cho các võ sĩ nước ngoài, đó là Saigon Sports Club.

Kỳ tới: Lò MMA chuyên nghiệp giữa lòng Sài Gòn

 

DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên