06/03/2015 14:24 GMT+7

MMA - võ đài hung bạo - Kỳ 1: Những trận chiến kinh hoàng

DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
DUY BÌNH - HUY ĐĂNG

TT - Mix martial arts (võ tự do, MMA) được xem là môn thể thao tàn bạo nhất thời điểm hiện tại. Điều trớ trêu là dù bị xem dã man nhưng MMA lại ngày càng nở rộ.

Dennis Salazar (dưới) trong trận đấu với Jon Chris Corton. Lỗ tai anh chảy máu liên tục trong ba hiệp đấu - Ảnh: Huy Đăng

 MMA xuất hiện thường xuyên trên các kênh truyền hình thể thao nổi tiếng của thế giới và thu hút nhiều võ sĩ tham gia. 

Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Philippines - một trong những nơi có nhiều lò đào tạo MMA nổi tiếng.

Ngày 28-2-2015, chúng tôi có mặt tại thành phố Baguio thuộc tỉnh Benguet, nằm cách thủ đô Manila khoảng 250km. Baguio nằm trên cao nguyên, có điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành tương tự thành phố Đà Lạt của Việt Nam.

Lúc đó, Baguio diễn ra hai sự kiện được người dân và giới truyền thông địa phương rất quan tâm, đó là lễ hội hoa với lễ diễu hành có sự tham dự của hàng chục ngàn người trên các con đường chính vào buổi sáng, và buổi tối là 10 trận đấu MMA nằm trong hệ thống giải của tổ chức Pacific Xtreme Combat (PXC).

Võ đài thương tích Baguio

Baguio hôm ấy chật kín người, mọi khách sạn ở đây từ sang trọng đến bình dân, cả những phòng trọ rẻ tiền đều không còn một chỗ trống.

Dù đến tận 20g trận đấu mở màn giải PXC mới diễn ra, nhưng trước đó hai giờ, khán giả đã bắt đầu đổ xô đến sàn đấu. Vé xem các trận đấu có giá từ 200 peso (khoảng 100.000 đồng) đến 500 peso (250.000 đồng), không hề rẻ so với thu nhập còn thấp của nhiều người dân Baguio, nhưng đã được bán gần hết nhiều ngày trước đó.

Đúng 20g, võ đài được dựng tại tòa nhà Trung tâm hội nghị Baguio với khoảng 1.000 chỗ ngồi không còn một chiếc ghế trống, không khí trong sàn nóng như “lò lửa”. Trên các hàng ghế là những gương mặt khán giả háo hức đang chờ đợi được xem các cuộc tỉ thí “một mất một còn”. Còn phía bên trong hậu đài là hình ảnh căng thẳng của các võ sĩ. 

20g05, sàn đấu như muốn nổ tung khi người dẫn chương trình xướng tên hai võ sĩ tham gia trận đấu đầu tiên, một trong hai là Taro Barrientos thuộc đội Lakay - lò đào tạo MMA được xem nổi tiếng nhất tại Philippines.

Taro, bất bại trong hai trận thượng đài trước đó, sẽ đụng độ với đối thủ Val Arceo của đội Fight Corps MMA ở hạng cân 52kg. Val Arceo thấp hơn Taro nhưng “dày cơm” hơn và nổi tiếng lì lợm, MC giới thiệu anh có thể hứng chịu hàng chục cú đấm vào đầu mà vẫn đứng lên tỉnh rụi!

Sau khi MC dẫn chương trình vừa chấm dứt lời giới thiệu tiểu sử của hai võ sĩ, và “ring girl” (cô gái cầm bảng báo thứ tự các hiệp đấu) bước ra ngoài, ngay lập tức người ta đã đóng then cài lồng sắt lại, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Bên trong lồng sắt chỉ có đúng ba người gồm hai võ sĩ và một trọng tài. Vì đây là một trận đấu bán chuyên nghiệp nên mỗi hiệp của trận đấu (tổng cộng ba hiệp) chỉ kéo dài 3 phút, thay vì 5 phút như hạng chuyên nghiệp.

Các võ sĩ kiếm được bao nhiêu tiền?

Võ tự do là một hình thức thi đấu hỗn hợp cho phép các đấu sĩ sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau và hầu hết mọi bộ phận trên cơ thể (trừ cắn, móc mắt...) để tiêu diệt đối thủ nên nổi tiếng về tính tàn khốc.

Võ tự do ra đời từ đầu thế kỷ 20 nhưng chỉ thật sự trở nên chuyên nghiệp khi UFC (Ultimate Fighting Championship) - hệ thống tổ chức các giải đấu võ tự do trên toàn thế giới - ra đời. 

Theo trang MMA-manifesto.com, mỗi trận đấu hạng thấp nhất thuộc khuôn khổ của UFC mang lại cho người chiến thắng tối thiểu từ 1.000-5.000 USD. Số tiền thưởng sẽ tăng dần theo mức độ nổi tiếng của các võ sĩ, với khoảng nửa triệu USD dành cho mỗi trận thắng của các võ sĩ hàng đầu thế giới.

Tiếng cồng báo hiệu trận đấu bắt đầu vừa vang lên, Taro và Val Arceo đã nhảy bổ vào như muốn “nuốt chửng” nhau. Trong 30 giây đầu tiên của hiệp 1, Taro hai lần dính cú đấm của Val Arceo. Rõ ràng là anh choáng váng nhưng vẫn cố thể hiện gương mặt tỉnh táo.

Khán đài hô vang tên “Taro, Taro...” ủng hộ “gà nhà” vì lò Lakay rất được lòng CĐV của thành phố Baguio. Nhưng tiếng gào thét ủng hộ Taro của khán giả đã gần như im bặt khi thần tượng của họ dính cú đấm như trời giáng và ngã xuống sàn đấu.

Val Arceo ngay lập tức lao vào đè lên người, tìm cách khóa chặt Taro và liên tục tung những cú đấm vào đầu đối thủ. Nhưng đúng vào thời điểm mọi người bắt đầu nghĩ đến đoạn kết... buồn cho Taro thì tiếng cồng kết thúc hiệp 1 vang lên. Thật may cho Taro.

Hiệp 2, Val Arceo vẫn là người chiếm ưu thế toàn diện với những cú ra đòn chính xác. Chiến thắng với Val Arceo chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng có lẽ việc thắng thế đã khiến Val Arceo chủ quan.

Đúng vào đầu phút thứ 2 của hiệp 2, trong một thoáng lơ đễnh của đối thủ, Taro bất ngờ tung đòn phản công và quật Val Arceo ngã xuống sàn đấu. Võ sĩ của lò Lakay nhanh chóng sử dụng hai tay và cả chân siết cổ Val Arceo.

Trong MMA, người ta gọi đòn này là “siết cổ tam giác”. Võ sĩ dính đòn này sẽ không tài nào thoát ra được và nếu không ra dấu hiệu đầu hàng, anh ta có thể rơi vào tình trạng hôn mê hoặc chết vì bị nghẹt thở! Thật may mắn là Val Arceo vẫn còn đủ chút hơi tàn lực kiệt để ra dấu xin thua cuộc.

Nụ cười của con trai, nước mắt của mẹ

Dính đòn nhiều và bị chấn thương nặng nhất trong số 20 võ sĩ thi đấu vào đêm 28-2 có lẽ là Dennis Salazar thuộc lò Insider Gym.

Trận đấu giữa Dennis Salazar và Jon Chris Corton của lò Lakay cũng là trận “đinh” của đêm 28-2, diễn ra cuối cùng, bắt đầu vào khoảng 22g. Ngay trong hiệp 1, Dennis Salazar đã bị đánh ngã, khóa người, đồng thời liên tục bị Jon Chris Corton nện nắm đấm vào đầu.

Ngồi xem hai võ sĩ thi đấu, chúng tôi vô cùng lo lắng cho Dennis Salazar vì không nghĩ anh có thể sống sót được khi liên tục bị Jon Chris Corton đánh vào mặt và đầu đến độ máu từ lỗ tai chảy không ngừng từ giữa hiệp 1 cho đến hết trận.

Nhưng khán giả cũng thật kinh ngạc cho khả năng chịu đựng của Dennis Salazar vì anh không chịu ra dấu xin thua cuộc dù bị đánh tơi tả trong suốt ba hiệp.

Khi tiếng cồng kết thúc trận vang lên, Dennis Salazar gần như không còn đủ sức để đứng lên. Những người trong đội lao vào sàn đấu săn sóc cho Dennis Salazar, lau mặt cho anh, chiếc khăn lông to tướng thấm đẫm máu.

Trong khi đó, Jon Chris Corton bước ra khỏi lồng sắt reo hò chiến thắng. Đám đông khán giả cuồng nhiệt vội bước ra khỏi các hàng ghế lao xuống tìm cách xin chữ ký và chụp hình lưu niệm với Jon Chris Corton.

Nhưng không ai để ý bên cạnh có một người phụ nữ nhỏ bé đang đứng một mình lặng lẽ khóc. Đó là bà Joy Anna - mẹ của Jon Chris Corton. Đây là lần đầu tiên trong đời bà trực tiếp đến sàn võ xem con thi đấu. Bà đã chạy xe mất 40 phút từ Wangal La Trinidad Benguet đến Baguio để ủng hộ con trai.

“Tim tôi như muốn rớt ra ngoài ở mỗi khoảnh khắc con trai đấu vì tôi không muốn nhìn thấy nó bị thương” - bà vừa nói vừa rớt nước mắt.

Bà Joy có hai người con trai, đứa còn lại làm việc cho một công ty điện thoại di động. Bà tâm sự đã nhiều lần khuyên can Jon Chris Corton bỏ sàn đấu nguy hiểm này nhưng bất lực vì con trai quá mê MMA.

Bà chia sẻ: “MMA quá nguy hiểm. Con tôi và những võ sĩ khác có thể dính chấn thương nặng, thậm chí có thể thiệt mạng vào bất cứ lúc nào. Tôi yêu quý con trai mình, tôi không muốn những chuyện xấu xảy đến với con”.

_______________

Kỳ tới: Đổi máu để đổi đời

DUY BÌNH - HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên