28/02/2015 10:20 GMT+7

Hành trình cứu người của một luật sư

 QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Gần 400 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán, lạm dụng tình dục và bóc lột sức lao động đã được Tạ Ngọc Vân giải cứu và giúp đỡ làm lại cuộc đời...

Tạ Ngọc Vân trong một lần sang Trung Quốc tìm cứu cô gái Việt bị lừa bán - Ảnh: N.T.H.

Kỳ 1: Lời cầu cứu lúc 0 giờ

Có chuyến anh phải đi hàng chục chặng xe khác nhau, vượt 5.000km, để giải thoát cô gái Việt bị bán ở Trung Quốc.

Đó là hành trình thiện nguyện âm thầm đầy hiểm nguy mà anh đã thực hiện ròng rã suốt từ năm 2004 đến nay.

Hà Nội, đêm đông rét cắt da thịt. Tạ Ngọc Vân gập máy tính, chuẩn bị ngủ. Sáng mai anh có chuyến đi sớm lên huyện Tuần Giáo, Điện Biên để tiếp tục hỗ trợ nhóm trẻ vừa được anh giải cứu từ TP.HCM. Bất ngờ điện thoại reo lên, Vân chộp ngay máy.

Nhiều năm trải bao chuyện đặc biệt, anh có linh cảm về những cuộc gọi bất thường. Màn hình điện thoại hiện mã 86 của Trung Quốc. Một cô gái thều thào bằng giọng Kinh lơ lớ: “...Anh Vân ơi. Cứu em với. Chắc em chết mất”.

Cú lừa sơn nữ

Không bất ngờ với những cuộc gọi kiểu này, Vân hỏi thẳng ngay: “Em đang ở đâu? Sao lại biết anh? Có thể nói chuyện điện thoại được lâu không? Anh có thể gọi lại số này vào lúc nào?”.

Kinh nghiệm của Vân là phải hỏi thẳng ngay cách giữ liên lạc, những cuộc gọi cầu cứu bất thường như thế này rất chập chờn vì họ có thể bị kẻ xấu ngăn chặn.

“Nó đi làm rồi. Bây giờ chỉ có mình em ở nhà” - cô gái trả lời và nói mình là Lò Thị Then, người Thái, ở huyện Mường Ảng, Điện Biên.

Vân nói cô gái tắt máy, anh gọi lại để có điều kiện hỏi chuyện kỹ hơn. Lại thêm một cảnh đời như nhiều số phận phụ nữ Việt bị lừa bán đã chi chít trong cuốn sổ tay của Vân. Cô gái đang gọi từ thành phố biển Giang Tô, miền đông Trung Quốc cách rất xa Việt Nam.

Sau gần một giờ hỏi chuyện qua điện thoại, tình cảnh cô gái dân tộc Thái này rõ dần. Đầu năm 2013, Then đã bị một người quen dụ dỗ qua Trung Quốc để làm ở trại nấm hương. Nghe hứa hẹn mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng, Then mừng rỡ gật đầu liền.

Cả cuộc đời cô chưa bao giờ dám nghĩ một ngày nào đó được cầm số tiền lớn ấy trong tay... Tuy nhiên, cô vừa qua đến thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, bên kia biên giới Móng Cái, Quảng Ninh, thì sự thật nghiệt ngã bắt đầu lộ diện.

Chẳng có một trại nấm, ông chủ tốt bụng và đồng lương hấp dẫn nào cả. Người quen “tốt bụng” lộ mặt một kẻ buôn người chuyên nghiệp.

Bà ta “sang tay” Then ngay cho một người đàn ông Trung Quốc có gương mặt đã già như cha cô nhưng rất hung dữ. Gã nói được tiếng Việt và đe dọa cô: “Hoặc mày chịu để tao bán đi làm vợ người ta. Hoặc tao bán hai quả thận của mày”.

Cô gái sơn cước ở bản làng Điện Biên chưa bao giờ nghe chuyện buôn bán nội tạng người, nhưng chỉ nghe nói lấy thận trong bụng mình đã đủ sợ xám mặt. Cô líu ríu gật đầu bước theo gã.

Tuy nhiên cô vẫn chưa được đến nhà “chồng”. Phải qua mấy lần “sang tay” nữa và chịu đựng những gã đàn ông vùi dập suốt nhiều ngày đêm, Then mới thấy mặt “chồng” ở tận Giang Tô.

Tiếng là thành phố nhưng gia đình người này lại làm nông nghiệp ở ngoại thành. Ngay ngày đầu gặp mặt nhau, họ đã nhờ người biết tiếng Việt nói thẳng là phải mất “một đống” tiền Trung Quốc tương đương với 180 triệu đồng Việt Nam mới mua được cô.

Then phải làm vợ và làm việc trả nợ cho họ. Tình cảnh ngày càng nghiệt ngã! Gã “chồng” vùi dập chán chê chưa đủ, lại bắt ban ngày cô phải ra tiệm massage, mà thực chất là nơi bán dâm, để kiếm tiền thêm cho gã.

Bóc lột tới kiệt cùng “vợ”, nhưng ngày nào cô chỉ có vài khách và phải về nhà với ít tiền thì bị gã đánh đập, không cho ăn cơm.

Một hôm, Then may mắn mượn được điện thoại gọi về nhà ở Điện Biên. Người làng biết Vân hoạt động thiện nguyện tại địa phương và từng giải cứu được nhiều hoàn cảnh tương tự nên cầu cứu anh.

Trong lúc Vân đang tìm cách liên lạc với Then thì chính cô đã gọi cho anh nhờ được cho số điện thoại...

Kế hoạch giải cứu

Kết nối được liên lạc với cô gái người Thái bất hạnh, Vân yêu cầu cô cố gắng tìm cách gọi từ máy điện thoại bàn đến di động của anh vào bất cứ lúc nào cũng được.

Nếu quá khó khăn, Then có thể chỉ nhá máy rồi dập ngay mà không cần phải nói câu nào để khỏi bị phát hiện.

Vân hiểu những cuộc gọi như thế này rất nguy hiểm nếu bị lộ. Dù không nghe được tiếng Việt, những kẻ đang bắt giữ, lạm dụng cô cũng sẽ nghi ngờ mục đích gọi về Việt Nam.

Chúng không ngại tra tấn cô để tìm hiểu điều đó. Nhưng Vân thì lại rất cần có một số điện thoại cố định tại nơi cô gái đang ở Trung Quốc.

Từ đó anh mới có thể truy ra chính xác được địa chỉ của cô. Từng kinh nghiệm chuyện này, Vân biết rất khó trông đợi sự chính xác từ các cô gái Việt tự nói với anh. Họ không biết tiếng Hoa, chỉ nhớ lõm bõm đúng, sai được vài âm ngữ, làm sao có thể nói rõ được địa chỉ nơi mình ở.

Đợi vài hôm, Vân nhận được cuộc gọi nhá máy từ điện thoại cố định ở Giang Tô. Cuộc gọi chỉ chưa dứt một hồi chuông reo nhưng anh mừng như bắt được vàng.

Anh nhờ ngay một người bạn đang ở Trung Quốc. Địa chỉ chính xác tiệm massage mà Then đang bị đày đọa đã được lần ra ở thành phố Giang Tô. Cánh cổng đen tối thứ nhất đã được phá khóa.

Truy cập bản đồ giao thông Trung Quốc, Vân tìm hiểu các đường để đến đó. Anh có thể đi máy bay rất tiện lợi nhưng không được chọn giải pháp nhanh chóng này.

Bị rơi vào tay bọn buôn bán người, các cô gái đâu có giấy tờ gì để về bằng đường hàng không vốn được kiểm soát rất nghiêm ngặt.

Đặc biệt trong trường hợp phải bỏ trốn về, họ cũng rất dễ bị kẻ xấu phát hiện bắt lại nếu tìm đến sân bay địa phương.

Vân phải chọn những tuyến xe khách đường bộ từ biên giới Móng Cái để đến địa chỉ của cô gái ở Giang Tô. Khi đã nắm được con đường này, anh mới có thể đưa Then trở về an toàn.

Vào Trung tâm thiện nguyện hỗ trợ trẻ em đường phố đã hoạt động tích cực nhiều năm ở Hà Nội, Vân bàn với giám đốc người Úc Micheal Brosowski. Đây là một người Úc chỉ hơn Vân ít tuổi nhưng đã làm thiện nguyện gần 15 năm ở Việt Nam.

Cả hai làm việc gắn bó với nhau đã lâu, Micheal rất hiểu tính Vân. Anh nói là làm, mà đã làm thì quyết đến cùng dù có phải nguy hiểm cho bản thân. Nghe Vân trao đổi phương án giải cứu cô gái Việt ở Giang Tô, Micheal nhanh chóng đồng ý hỗ trợ điều kiện cho anh đi.

Một kế hoạch cứu người được vạch chi tiết. Vân phải sang Trung Quốc ngay ...

Tạ Ngọc Vân, sinh năm 1982, Hưng Yên. Anh là trưởng Văn phòng luật sư Tạ Vân ở Hà Nội, và gắn bó với Trung tâm thiện nguyện Blue Dragon Children’s Foundation.

Ngoài việc cứu giúp trẻ em và phụ nữ bị lừa bán, lạm dụng, anh còn cùng Blue Dragon Children’s Foundation thực hiện nhiều dự án giúp đỡ nạn nhân tái học hành, sinh kế ở nhiều tỉnh thành cả nước như Hà Nội, Thanh Hóa, Điện Biên, Huế, Quảng Nam, TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang...

Trong một số vụ việc, anh đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an và công an các địa phương để việc cứu người được an toàn và nhanh chóng.

Năm 2012, anh được Bộ Công an Việt Nam trao bằng khen vì thành tích phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Năm 2014, anh cũng được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh anh hùng của năm trong nỗ lực giúp đỡ nạn nhân buôn người trên thế giới.

_________

Thuê khách sạn gần nơi Then bị ép bán dâm, Vân điều nghiên hướng tiếp cận cô gái. Nếu bị lộ, anh sẽ không còn đường quay lại...

Kỳ tới: Không còn đường lùi

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên