05/09/2013 08:02 GMT+7

Nhộn nhịp ẩm thực đường phố

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH

TT - 21g thứ sáu, đoạn đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) ken chật xe, ai nấy tìm cách nhích từng chút một không khác gì giờ cao điểm ở các giao lộ trung tâm Sài Gòn.

Hai bên đường, bàn ghế đặt san sát không một chỗ trống, từ quán lề đường đến nhà hàng sang trọng.

Sức hút mãnh liệt của ẩm thực xuyên biên giới ở khu phố này chưa bao giờ giảm đi.

bwwcJi5V.jpgPhóng to
Một góc nhộn nhịp ban đêm ở khu phố Tây - Ảnh: YẾN TRINH

Kỳ 1: Những ngõ hẻm đầy Tây Kỳ 2: Tây balô, 12 đô một ngày

Ngon, lạ, rẻ...

“Ẩm thực đường phố thôi!” - Stain Mark, 30 tuổi, người Anh, hào hứng quay sang nhóm bạn sáu người. Họ rời quán bia vỉa hè, rời câu “1...2...3... Dzô!” rất đặc trưng của VN mà anh Tây mê bia nào qua đây cũng nhanh chóng học được.

Mark cho biết anh và bạn bè lần thứ hai đến VN, nhưng chỉ biết đến phố Tây lần này từ lời giới thiệu của một người bạn Việt.

“Thật tiếc vì tôi không đến nơi này sớm hơn. Bao nhiêu là món ngon, tối nào khám phá Sài Gòn về chúng tôi cũng ghé vào các hẻm để thưởng thức” - Mark nói.

Rồi anh rẽ vào xe hủ tiếu ở hẻm 128 và gọi cho mỗi người một tô đặc biệt. Mark cầm đũa chưa thạo lắm nhưng ngồi húp xì xụp từng muỗng, vẻ thích thú hiện rõ trong khi một người bạn chụp cảnh này làm kỷ niệm.

“Khi rời đi, chắc tôi nhớ nhất là món hủ tiếu này, vì cách ăn cũng công phu và hương vị thì không lẫn với món nào. Mà tôi chưa cầm đũa bao giờ” - Veronica Lodge, bạn của Mark, nói bằng tiếng Anh và cố gắng phát âm chữ “hủ tiếu” bằng tiếng Việt để bổ sung vào kho từ ngữ VN ít ỏi mà cô học được từ lần sang VN này.

Kế bên xe hủ tiếu đắt khách là xe sinh tố của bà Mai, bán ở đây gần 20 năm. Laura (người Argentina) đang đợi mua một ly sinh tố “big size”, cao phải đến 20cm với giá chỉ 20.000 đồng (1 USD). Laura gọi khu này là “thiên đường ẩm thực đường phố” vì món ăn đa dạng và giá rẻ so với ẩm thực đường phố của một số nước mà cô đã đi qua.

Có thể nói người dân ở đây chính là những rađa “rà sóng” sở thích, khẩu vị của khách Tây cực nhạy. Trái cây nhiệt đới, từ xoài, thơm, bưởi đến thanh long, mít... được các xe bán sinh tố bày biện sinh động, bắt mắt, người bán sẵn sàng chế biến trực tiếp cho khách quay phim, chụp hình.

“Ở nước tôi không có những loại trái cây này nên qua đây với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, thật sảng khoái khi cầm trên tay ly sinh tố, vừa uống vừa ngắm phố phường” - Laura cười tươi.

Chính vì sự yêu thích của du khách mà những xe sinh tố mọc lên ngày càng nhiều ở khu phố Tây, dù nép mình trong hẻm hay trên mặt đường, xe nào cũng trưng cho mình biển hiệu “Fruitjuice: Cheap & Fresh” để thu hút khách.

Xuôi xuống phía đường Đỗ Quang Đẩu, hơn chục hàng cháo, mì, hủ tiếu... bán dạo cũng treo lủng lẳng bảng chào mời với tiếng Anh nguệch ngoạc. Đa số khách du lịch đều hào hứng thử một lần cầm đũa tập gắp mì, bún, xắn tay cuốn bánh xèo, chấm gỏi cuốn vào chén tương ớt nhỏ xíu...

Đồ ăn vặt ở đây bán đắt khách đến mức chỉ mới 21g nồi tàu hũ nước đường của bà Thủy ở góc Đỗ Quang Đẩu - Bùi Viện đã cạn sạch.

Với giá 5.000 đồng/chén, khách Tây lẫn ta ít ai chỉ ăn một chén nên chỉ từ 17g30 tới chừng 21-22g là không còn gì để bán.

Bà Thủy vui vẻ cho biết: “Nhà tui ở đây 14, 15 năm rồi. Trước ở đây vắng vẻ, đâu có buôn bán gì được, vợ chồng toàn gánh tàu hũ ra công viên 23-9 bán. Bốn năm trở lại đây khu này ngày càng đông đúc nên tui quyết định bán ở đây luôn cho khỏe”.

7CKoI8Ge.jpgPhóng to
Những con hẻm nhỏ luôn rực sáng với đủ thứ dịch vụ - Ảnh: Q.ĐỊNH

Hội tụ ẩm thực

Không riêng gì món Việt, phố Tây cũng là nơi tập trung rất nhiều hàng quán đặc sản của nhiều nước trên thế giới, từ pizza phong cách Ý, Mỹ, đến tom-yum Thái, xúc xích Đức, cà ri Ấn Độ...

Không quá đắt đỏ, vị trí lại thuận lợi, khách hàng của các quán này rất đa dạng, thậm chí lượng khách Việt còn có phần nhỉnh hơn.

Ngò Rí là một ví dụ, quán đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của đông đảo người Tây lẫn Việt mê món Thái. Lượng khách ra vào nhộn nhịp đến mức mới đây quán phải đầu tư mở rộng thành năm tầng lầu mà vẫn không hết cảnh đông chật khách mỗi tối.

Bà Phan Lê Quỳnh Hương, chủ quán, cho biết: “Lúc đầu tôi cũng nhắm đến khách Tây balô nhưng sau mới phát hiện họ qua đây ăn uống rất dè sẻn, ăn ngoài đường là chủ yếu, nên phần lớn khách của quán là người Việt.

Số còn lại là người nước ngoài đã sống ở VN thời gian dài”. Tình hình “ta đông hơn Tây” này cũng tương tự với các quán bán món Tây với giá bình dân, không gian bài trí theo phong cách Tây khá ấm cúng như Margherita, Hoa Quỳnh.

Tối cuối tuần, tại nhà hàng Hoa Quỳnh, gần như 80% bàn ăn là người Việt đi theo gia đình, nhóm bạn ăn uống rôm rả. Chỉ là pizza, gà chiên... nhưng chế biến hợp khẩu vị và mang đậm phong cách thức ăn nhanh, lại có quầy buffet nên khách thoải mái chọn lựa.

Là quán ăn Hi Lạp duy nhất ở Sài Gòn, quán Zeus (đường Cống Quỳnh giao với Bùi Viện) thu hút khá đông khách đến ăn dù mới mở cách đây bốn tháng.

Điểm nổi bật của quán là chủ quán tự tay chế biến những món ăn souvlaki truyền thống Hi Lạp và khẳng định không dùng bột ngọt trong tất cả các khâu chế biến.

Bà Sammy, chủ quán, cho biết: “Khách Tây rất thích ghé quán tôi vì phù hợp sở thích ăn uống của họ: thức ăn nhanh. Có khách ăn một lần 3-4 chiếc kebab (bánh cuộn thịt nướng, hành tây, xốt, khoai tây...) và ăn liên tục trong nhiều ngày”.

Để phù hợp khẩu vị người Việt, bà Sammy cho thêm tương ớt và giải khát cho khách bằng ly trà đá quen thuộc. John Hand, người Mỹ ở khu này hai năm, dạy tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ, hào hứng: “Tôi thích món này lâu rồi nhưng không tìm thấy ở đâu cả. Tôi có thể ăn hoài không ngán, vừa nóng sốt vừa béo thơm, rất ngon! Tôi cũng rủ các bạn làm chung ghé ăn nữa”.

Khu phố Tây cũng là địa chỉ yêu thích của nhiều du khách theo đạo Hồi ở Malaysia, Indonesia... vì có các quán ăn phục vụ “halal”.

Trong tiếng Ả Rập, “halal” có nghĩa là “được phép”, chính vì thế quán halal có nghĩa là bán những thức ăn trong khuôn khổ của Islam cho phép, nhất là thịt của con vật được cắt tiết theo đúng nghi thức tôn giáo Islam.

Với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, không dễ để các du khách có thể tìm được các quán ăn đúng kiểu halal tại TP.HCM, nhưng tại khu phố này thì rất dễ dàng. Chỉ tính riêng trên đường Bùi Viện đã có đến ba nhà hàng phục vụ halal.

Hiện nay trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (bao gồm khu phố Tây) có trên 90 công ty du lịch lữ hành, 247 khách sạn, phòng cho thuê, 72 nhà hàng ăn uống, 25 shop thời trang, quà lưu niệm.Trên cơ sở sự phát triển của khu phố Tây, lãnh đạo quận 1 đang phối hợp với thành phố xây dựng đề án hoạch định phát triển khu phố du lịch Phạm Ngũ Lão.

Đề án sẽ là một bước tiến quan trọng để định hướng phát triển du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh và đem lại nét đặc trưng riêng cho khu vực này. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng song song đó kéo theo sự quan ngại khác không thể không quan tâm, thí dụ về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, giao thông đô thị, lai căng văn hóa... - đại diện UBND Q.1 cho biết.

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên