Phóng to |
Những đứa trẻ ở “nhà hạnh phúc” - Ảnh: Tự Trung |
Nhà có 32 con
|
“Tôi đến đây đã 12 năm, còn mấy đứa nhỏ thì bắt đầu từ sáu năm nay”, chị Vân nói và chỉ một cô bé đang thu dọn, rửa tô chén của các em đã ăn xong: “Then, 20 tuổi rồi, đang học lớp 12, là đứa đầu tiên, lâu nhất, đã ở đây sáu năm, còn đây là lính mới, vừa được ba tháng”, chị chỉ một cậu bé rất xinh trai và có nụ cười hiền lành đứng cạnh. Chị Vân có thể kể rành rọt hoàn cảnh của từng đứa con nuôi, còn khách thì không thể nào nhớ hết. Đứa mồ côi mẹ, đứa mồ côi cha, đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa lại hoàn toàn trơ trọi trên đời vì những sai lầm của người lớn, đứa khỏe mạnh ăn cơm cũng đủ mập, đứa vật vã vì bị hở van tim bẩm sinh... Từ nhiều nơi, bằng nhiều cách, nhiều ngả đường, chúng đã tụ họp về đây sau khi tin đồn về một căn nhà nhiều tình yêu thương trong xóm trọ nghèo nàn này lan đi.
“Vợ chồng tôi làm thợ may, lúc trước ở quận 11. Nhà ở đó chật chội, nóng nực, rồi nghề thợ may không sống nổi với hàng may sẵn, chúng tôi bán nhà ra tận khu Bình Chánh này. Đường Nguyễn Văn Linh khi ấy mới mở, đất rẻ nên mua được một rẻo, xây được căn nhà, thừa ra ít tiền để nuôi con, chuyển nghề. Sống ở đây vài năm thì khu xóm đông dần những người nhập cư. Họ đến ở nhà trọ, tìm việc làm và mang theo cả trẻ con. Ban ngày chúng nheo nhóc, lang thang, lại có đứa bị cha, mẹ bỏ lại lê la đi xin cơm mấy nhà hàng xóm. Thương, sợ chúng hư, chúng dốt nên tui gom chúng về nhà. Đầu tiên là dạy chữ, rồi cho ăn cơm, cho đi học, rồi mấy đứa bị bỏ rơi cứ vậy ở luôn. Đầu tiên một, rồi thành hai, thành năm, thành bảy. Rồi người đời truyền miệng rằng ở đây có nhà nuôi trẻ, cha, mẹ, ông bà nội, ngoại dẫn tụi nhỏ đến, khóc, kể, mỗi đứa mỗi cảnh, không từ chối được...”. Chị Vân kể cơ duyên chị thành mẹ của bầy trẻ, rồi chỉ vào một cậu con trai và một bé gái đang chơi trong đám đông: “Con tui đó, con trai học lớp 10, con gái lớp 3”.
Thật thú vị khi chứng kiến chị Vân điều hành cái gia đình có tới 18 con gái, 14 con trai, trong đó tới 25 em đang học phổ cập từ lớp 1 tới lớp 12, còn lại là ở tuổi mẫu giáo, “học tại nhà với mẹ Vân”. Những chiếc tủ nhựa chồng cao, mỗi em một ngăn. Những khẩu hiệu dán rải rác trên tường “Sống với nhau trong tình anh chị em”, “Mắt thấy rác, tay lượm liền”, bảng phân công công việc quét, lau nhà, rửa chén, giặt đồ đang được “soạn lại cho phù hợp tình hình bắt đầu năm học mới”... Và cả nhà cùng làm chung một nghề là xỏ hạt, đan giỏ với mấy chục mẫu mã treo trên tường, những chiếc giỏ lấp lánh dang dở, các bát đựng hạt chồng nhau dưới gầm bàn.
“May mắn, hàng nhà tui có mẫu mã đa dạng, có chỗ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, mỗi tháng thu được trên 10 triệu đồng. Thế nhưng cũng chẳng lo được cho mấy đứa nhỏ nếu không có bà con trên con đường này”, chị Vân kể với nụ cười bừng lên trong mắt. Ở chợ đầu mối Bình Điền chị là một khách quen. Thịt cá, nghêu sò ốc hến ở chợ này đã rẻ nổi tiếng, bạn hàng bán cho chị còn rẻ hơn. Rau củ quả hoàn toàn không phải mua, lúc nào cũng có người để sẵn chờ chị Vân đến lấy, và nếu chị không đến, cuối buổi chợ lại có người đi gom lại rồi chở đến tận nhà. Thỉnh thoảng, mấy vựa gạo lại chở đến cho một bao. “Nhờ ở gần chợ đầu mối mà nuôi được mấy đứa nhỏ, bà con biết cả hai vợ chồng mình thật lòng thì họ sẵn sàng san sẻ”, chị Vân thổ lộ “bí quyết nhà đông con”.
Phóng to |
Một cô giáo ở cao ốc đối diện sang dạy miễn phí tiếng Hàn cho các em ở “nhà hạnh phúc” - Ảnh: Tự Trung |
Xóm vắng
Cuộc vui của mấy đứa nhỏ đang ồn ào náo nhiệt bỗng có chút lắng xuống. Một chị phụ nữ dáng vẻ gầy gò từ ngoài đi thẳng vào bếp, thoáng sững lại ngập ngừng khi thấy bóng khách lạ. Chị Vân cười thân mật: “Chị Nga mới đi làm về. Có chi không chị?”. Chị Nga cười gượng rồi ghé tai nói nhỏ. Chị Vân vội đứng lên đi lấy tô, lấy chén. Tô cơm vét nồi, canh còn lại trong nồi cũng được một tô. Chị Nga cười hiền lành mang về, không quên liếc qua khách lạ một cái nhìn hơi ngượng ngập.
Chúng tôi cùng sang nhà chị Nga. Căn phòng trọ với nền gạch sũng ướt sau trận mưa chiều, mấy tấm bạt giăng chằng đụp dưới mái tôn chống dột. Một bà cụ với vẻ mặt phúc hậu ngồi trên tấm nệm duy nhất gần choán hết cả phòng: bà Sang, 90 tuổi, mẹ chị Nga, mới từ nhà dưỡng lão Tam Hà (Thủ Đức) đến thăm con. Một người đàn ông hom hem với hai chân bại liệt: ông Tài, chồng chị Nga, vừa từ cái chòi sửa khóa ở đầu đường quay về. Hỏi chuyện, vợ chồng chị Nga im lặng. Cái im lặng của người nghèo. Bà cụ kể chuyện thay con gái: “Tôi ở nhà dưỡng lão, nhớ con nhớ cháu quá nên đón xe buýt về thăm. Không ngờ nó khổ quá. Nga làm tạp vụ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới lương tháng hơn 2 triệu, mà mỗi ngày bốn tuyến xe buýt đã mất 16.000 đồng. Chồng bị tai nạn không đi làm được nữa, ngồi sửa khóa ngày được vài chục, ngày không có gì. Tiền thuê nhà 500.000đ/tháng mà đã nợ mấy tháng rồi, chủ nhà đòi khóa cửa. Tôi dành dụm hơn một năm, có 900.000 đồng đã đưa nó trả bớt tiền nhà, giờ cũng chẳng có tiền đi xe về lại nhà dưỡng lão. Gạo hết mấy ngày nay, may nhờ có cô Vân...”.
Câu chuyện buồn đến như chẳng có lối ra bất chợt lại tươi lên khi chị Vân, chị Nga cùng chụm đầu bàn bạc về việc tìm một công việc mới, một cơ hội tốt hơn trong những khu đô thị đang mọc lên quanh đây. Nụ cười của chị Nga tươi trở lại: “Rời Sài Gòn đã hơn mười năm để theo chồng về Long An, hơn một năm nay trở lại đây vì nhà đã bán lo chạy thuốc sau khi ổng bị nạn. Cực quá và lo lắng quá. Nhưng nghĩ cô Vân còn lo được cho mấy chục đứa trẻ, tôi thì mẹ già đã không cần mình nuôi, hai đứa con trai cũng đã lo đi tìm việc làm. Rồi tôi sẽ trụ lại được ở đất này...”.
Đi về trên đại lộ Nguyễn Văn Linh thênh thang, nghĩ về những người giàu thành đạt trong khu phố Phú Mỹ Hưng sang trọng, những người nghèo chịu thương chịu khó như chị Nga trong khu trọ tối tăm, hạnh phúc của sự sẻ chia, yêu thương đong đầy trong căn nhà nhỏ của chị Vân... Nhịp sống cuồn cuộn trên con đường này bắt đầu từ nửa đêm ở chợ đầu mối Bình Điền tấp nập đến buổi tối lãng mạn bên cầu Ánh Sao lộng lẫy, những dấu ấn vừa nhọc nhằn vừa phơi phới của một Sài Gòn luôn chuyển mình đi tới.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Nhà Bè năm ấy đầm lầyKỳ 2: Những người mở đườngKỳ 3:Chạy vượt ràoKỳ 4: Dưới bóng cao ốc
______________________
Đón đọc số tới: “Địa ngục” ở trần gian
Đó là nơi mà những cô gái được coi như những nô lệ tình dục. Họ bị bắt cóc, lừa đảo qua biên giới, bị mua bán và trở thành cỗ máy kiếm tiền cho bọn ma cô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận