01/09/2012 09:45 GMT+7

Những người mở đường

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, hôm nay vẫn còn nhớ rõ: “Tôi đọc một bài báo kể về một trường học ở Nhà Bè. Cả một vùng trũng ngập trong nước, chỉ có một cái gò nổi. Trường học được xây dựng trên đó, và giờ học được định theo con nước. Hễ nước lên học trò cặp xuồng vào, lớp học bắt đầu.

Kỳ 1: Nhà Bè năm ấy đầm lầy

mTyi37sw.jpgPhóng to

Ông Lawrence S.Ting (bìa trái) trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về mô hình đô thị mới Nam Sài Gòn - Ảnh tư liệu

Thêm một con nước lên nữa, lớp tan để học trò có thể quay xuồng về. Và một em học sinh trong lớp ấy đã trả lời câu hỏi của nhà báo: Lớn lên em ước được làm nghề chằm lá. Bây giờ em cũng đi bắt còng phụ mẹ, nhưng bắt còng phải lội sình, lạnh lắm”. Vốn là một nhà giáo, câu chuyện đắng lòng về em học sinh không quen biết ấy vẫn còn nằm trong lòng ông Dưỡng đến bây giờ: “Cái vùng đất này khó đến không còn cho người ta được một ước mơ, vậy mà đó cũng vẫn là TP.HCM?”. Ấy thế rồi từ câu chuyện đó, ông Dưỡng cùng nhiều người khác đã bắt tay vào công cuộc xây dựng một Nam Sài Gòn như ngày nay.

Khi thầy giáo làm kinh tế

Là một người mà “từ nhỏ đến lớn chỉ ôm ấp một mơ ước là được làm thầy giáo” và đã thật sự làm một thầy giáo dạy vật lý, nhưng rồi những biến động thời cuộc lại đưa đẩy ông Phan Chánh Dưỡng sang con đường làm kinh tế, đúng vào những đêm dài trước đổi mới.

Sự thành công mang tính tiên phong với những lô hàng xuất khẩu đầu tiên của Công ty Hợp doanh xuất nhập khẩu trực dụng Cholimex do ông làm trưởng phòng kế hoạch, rồi giám đốc chưa làm ông thỏa mãn. Còn quá nhiều khó khăn ngoài Cholimex, như em bé mơ làm nghề chằm lá ở Nhà Bè. Nhiều người đã cùng ông tự nguyện gánh lấy nhiệm vụ mà cuộc sống giao cho. Nhóm “Thứ Sáu” gồm những chuyên gia kinh tế bậc thầy ra đời như thế, không biên chế, không trụ sở, không lương, không điều lệ, không lãnh đạo, nhưng vẫn hội họp thường xuyên, thảo luận sôi nổi. Họ cần mẫn thu thập tư liệu để so sánh, đối chiếu, phân tích trong hoàn cảnh mà số liệu, tư liệu nào cũng bị coi là “mật”. Muôn ngàn khó khăn. Quyền lợi duy nhất là nhóm được Cholimex “tài trợ” bữa cơm tối vào mỗi buổi họp. Cái có duy nhất chỉ là tấm lòng của kẻ sĩ trước thời cuộc, và vào những năm ấy, để có thể làm một kẻ sĩ trước thời cuộc còn phải cần đến rất nhiều sự dũng cảm.

“Bà đỡ của nhóm là Bí thư thành ủy Võ Trần Chí, và trên giấy tờ là Ban kinh tế thành ủy”, ông Dưỡng vẫn còn nhớ rõ bước ngoặt của đời mình. Nhiều buổi họp của nhóm Thứ Sáu có lãnh đạo thành ủy đến dự, đôi khi lại có cả các cán bộ, lãnh đạo cấp trung ương. Từ e ngại đến cởi mở, các thành viên của nhóm đã lần lượt đề xuất những ý kiến sáng tạo để giải quyết khó khăn của cả một nền kinh tế bấy giờ.

Những đề tài “kinh bang tế thế” ra đời: giá - lương - tiền, đổi mới hệ thống ngân hàng, xây dựng chính sách phát triển ngoại thương, quy hoạch vùng để phát triển kinh tế... Các đề tài này gây được tiếng vang lớn, ba thành viên “có biên chế nhà nước” của nhóm là Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước đã được mời khăn gói ra Hà Nội để trình bày đề tài. Kiến thức kinh tế vững vàng của ông Sơn và ông Tước, tâm huyết của ông Dưỡng đã thuyết phục được các lãnh đạo ngày ấy. Nhóm thành công trở về và tiếp tục những công việc tự nguyện của mình.

Năm 1989, nhóm Thứ Sáu đề xuất thành lập khu chế xuất để đẩy mạnh xuất khẩu, tìm đầu ra thu ngoại tệ, đổi nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Sau rất nhiều bàn cãi, Thành ủy TP.HCM chấp nhận. Việc còn lại là chọn địa điểm và tìm nhà đầu tư.

Ông Dưỡng nghĩ ngay đến bán đảo Tân Thuận Đông (khi ấy còn thuộc Nhà Bè), nơi cũng đã từng được chọn để đặt khu chế xuất trong một dự án của Sài Gòn trước đó.

3hfszjGC.jpgPhóng to
Ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: TỰ TRUNG

Cuộc gặp gỡ của những quyết tâm

“Tôi gặp may vì các lãnh đạo lúc đó rất quyết tâm. Quyết tâm để đổi mới, mở cửa. Quyết tâm tìm những đòn bẩy mới cho kinh tế vùng. Quyết tâm khai thác, cải tạo những khu hoang hóa. Quyết tâm tin những người mình đã chọn, tin những đề án tuy có vẻ đang bay trong chân không của thực tế không có gì nhưng lại phản ánh đúng quy luật phát triển”, ông Phan Chánh Dưỡng hôm nay thật sự xúc động khi nhắc đến những người đã đặt bút ký những giấy phép để giao cho ông việc “biến không thành có” trong kinh tế mà lại can hệ thiết thân đến hạt lúa nồi cơm của bao nhiêu người ấy. Là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, là cố bí thư thành ủy Võ Trần Chí, là các ông Nguyễn Mại, Lữ Minh Châu, Nguyễn Văn Huấn, Phạm Sỹ Liêm, Lê Xuân Trinh, Lê Văn Năm... “Cũng không dễ thuyết phục các ông ấy, lãnh đạo của chúng ta ngày đó biết đưa ra những phản biện đến tận cùng, và khi mình vượt qua được những câu hỏi đó rồi, thuyết phục được rồi thì lại được sự ủng hộ, bảo vệ đến cùng của các ông”, ông Dưỡng kể.

Và người quyết tâm cuối cùng mà ông Dưỡng bảo mình may mắn gặp được: ông Lawrence S.Ting (tức Đinh Thiện Lý), cố chủ tịch HĐQT Tập đoàn CT&D. “Một người vóc dáng cao, nhanh nhẹn, mắt sáng tinh anh, ăn mặc tề chỉnh, giản dị, nói năng lưu loát thể hiện kiến thức uyên thâm, thái độ cởi mở, hòa nhã”, những ấn tượng ban đầu mang đến sự tin tưởng và hi vọng. Những cuộc gặp sau đó, ông Dưỡng đã hết sức thuyết trình về vị thế của TP.HCM trong khu vực, tình hình kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, giáo dục, lao động, luật pháp trong đầu tư, kinh doanh, tính khả thi của đề án... Bao ngày đêm nghiên cứu sâu rộng, thêm khả năng phân tích khúc chiết, cặn kẽ của một thầy giáo, ông Dưỡng đã cho ông Ting, người mới đến Việt Nam lần đầu, hiểu được lịch sử phát triển của Sài Gòn, những con đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi khi xưa chính là những con kênh, những khu phố sang trọng như Đồng Khởi, Hàm Nghi xưa cũng chính là bãi lầy. Thành phố mới chỉ được phát triển về một phía của sông Sài Gòn, còn một phía nữa đầy tiềm năng, chính là phía nam, phía hướng ra biển Đông.

Ông Ting nghe và đòi đến Nhà Bè thực địa. Vừa qua cầu Tân Thuận, Nhà Bè hiện ra với rừng lá bạt ngàn, kênh rạch chằng chịt, con đường độc đạo nhỏ hẹp, cheo leo giữa ruộng, những đứa trẻ đầu trần chân đất tò mò nhìn khách lạ. Lại một lần nữa, chính là những đứa trẻ đã mang lại tính thuyết phục sống động cho những bản vẽ, biểu đồ, đề án. Ông Dưỡng kể: “Sự nghèo khó không làm mất vẻ hồn nhiên, mấy đứa nhỏ chỉ trỏ về phía đoàn chúng tôi, thi nhau cười cười nói nói. Ông Ting hào hứng vẫy tay, lục tìm trong giỏ xách mấy gói kẹo chia cho chúng và quay sang bảo: Nhìn những đôi mắt sáng và gương mặt vui vẻ của bọn trẻ là hình dung được đất nước anh sẽ phát triển rất nhanh trong tương lai”.

Ông Ting đã tin và quyết định đầu tư vào đề án Khu chế xuất Tân Thuận với quyết tâm cao độ. Chỉ sau vài năm, sự hình thành Khu chế xuất Tân Thuận đã mau chóng làm chuyển dịch cả một vùng. Nhà đầu tư từ các nơi đến, nguồn lao động từ xung quanh đổ về, các nhu cầu mới sinh ra, và những đề án mới lại được đưa lên bản vẽ: đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước.

“Đó là quy luật của phát triển, nhưng quả thật tốc độ vận hành của các đề án nhanh đến mức tôi là người trực tiếp thực hiện cũng không ngờ”. Và ông Dưỡng bùi ngùi nhắc đến ông S.Ting, vừa là đối tác vừa là người bạn tri kỷ của ông suốt mười mấy năm lăn lộn trên đầm lầy Nhà Bè.

____________________

Kỳ tới: Chạy vượt rào

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên