31/08/2012 10:35 GMT+7

Nam Sài Gòn - 20 năm đổi thay

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - 20 năm trước, qua cầu Tân Thuận sang Nhà Bè là gặp một vùng đầm lầy, rừng lá mênh mông. Nay ở đây là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng tráng lệ, đại lộ Nguyễn Văn Linh hiện đại, xanh tươi, Khu chế xuất - công nghiệp Tân Thuận tập trung hàng trăm ngàn công nhân, nhà máy điện - khu công nghiệp - đô thị - cảng Hiệp Phước mỗi ngày mỗi rõ nét... Nhà Bè nay đã mang diện mạo một đô thị phía nam TP.HCM.

Chiếc xe buýt tuyến 102 đi suốt 17,8km dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, qua những cây cầu, những khu dân cư, những mảng công viên, ao sen, ao cá. Một ông lão gầy gò, tóc bạc trắng, nét mặt trầm tư, ngồi nhìn mãi qua cửa sổ, chốc chốc lại ngâm nga khe khẽ cho người ngồi cạnh có thể nghe “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”...

OcUWNMsH.jpgPhóng to
Một góc khu Nam Sài Gòn và đường bắc Nhà Bè - nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh) năm 1995 - Ảnh tư liệu
xn2DlMhh.jpgPhóng to
Đại lộ Nguyễn Văn Linh hôm nay - Ảnh: Tự Trung

Chuyện xưa

Ông lão ấy là nhà thơ, soạn giả nổi tiếng của miền Nam một thời: Kiên Giang Hà Huy Hà. Nhìn đại lộ thênh thang, cây xanh rợp bóng, cao ốc cao vút, biệt thự lộng lẫy hai bên đường, ông kể: “Khi xưa tui đi làm báo, qua đây cực lắm à nghen. Chỉ có một con đường liên tỉnh lộ 15 qua cầu Tân Thuận, mà đường cũng chỉ có vài đoạn đá đỏ. Các ngả khác là phải đi đò. Vùng Nhà Bè này chằng chịt kênh rạch, mênh mông rừng lá. Mà cô biết tại sao gọi là Nhà Bè không?”. Câu hỏi của ông kéo về tận thời những đoàn thuyền chở người về phía nam mở đất. Sông Soài Rạp dẫn vào rạch Bến Nghé là ngả vào của những người sẽ lập ra phủ Gia Định sau này. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về mặt ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó, người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè, họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè”.

Cảnh tấp nập trên sông ấy không duy trì được bao lâu vì những cuộc chiến tranh chà đi sát lại miền Nam, cuộn xoáy qua ngã ba sông này, nhưng tên Nhà Bè vẫn còn mãi. Và cũng mãi đến sau này, chỉ mới đây thôi, Nhà Bè cũng vẫn cứ dân cư thưa thớt, ai nấy đều nghèo vì đất chua nước mặn, lúa chỉ trồng được một vụ vào mùa mưa, bông đậu bông lép, nuôi con vịt cũng lâu lớn. Hơn 60 năm “sống nhờ người dưng” ở đất Sài Gòn, 19 lần chuyển nhà, những ngày sắp bước vào tuổi 80 này là lần thứ hai nhà thơ Kiên Giang “ở đậu” đất Nhà Bè. Ông ngâm ngợi: “Chồng chài, vợ lưới, con câu/ Thằng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò. Đó là cái cảnh cả gia đình ở trên bè, trên ghe của Nhà Bè xưa, mà nay xuống bến sông Phú Xuân tui vẫn thấy”.

Một phần Nhà Bè nay đã là quận 7, là Nam Sài Gòn, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Các khu dân cư với chất lượng sống mới đang nối nhau thành hình suốt dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh xanh mướt. Cùng với Khu chế xuất - công nghiệp Tân Thuận, Nhà máy điện Hiệp Phước, khu đô thị - cảng Hiệp Phước, vùng đầm lầy quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh đang thay đổi đến làm sững sờ cả những người đã được chứng kiến từng ngày.

E41dYcI2.jpgPhóng to
Khu đô thị Nam Sài Gòn sau 20 năm - Ảnh: Minh Đức

Mà chỉ mới có 20 năm

Lật giở những tờ Tuổi Trẻ của hai mươi năm về trước, chúng tôi tìm thấy những bài báo viết về vùng Hiệp Phước của nhà báo Hàng Chức Nguyên. Năm 1984 anh viết về cái đói văn hóa của Hiệp Phước: hàng ngàn thanh niên ngày ngày mang lưng trần ra ruộng đồng sông rạch, tối lại những chiếc lưng trần quây bên chai rượu và cây đàn vọng cổ, không điện, không tivi, không sách báo. Năm 1988, lại về Hiệp Phước, anh viết về một cái đói còn buồn hơn: đói ăn. Năm ấy gần 2.000ha lúa của Hiệp Phước bị nhiễm mặn từ lúc mới gieo mạ, trổ đòng. Mất trắng. Đói, dân bỏ ruộng, bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai, trẻ bỏ học đi bắt cua bắt còng đổi gạo.

Gần hơn nữa, mới năm 2000, chúng tôi còn được chứng kiến anh Lê Hồng Ngon, bí thư xã Long Thới, đi vận động từng tấc đất, từng cây cột, cây dừa để làm một con đường liên xã, bắc bảy cây cầu để các em học sinh ở cù lao Ngã Ba Đình thoát khỏi cảnh chèo ghe chông chênh cả giờ đồng hồ mới đến được trường học. Hôm nay trở lại Long Thới, anh Ngon cười sảng khoái: “Ô, thay đổi dữ lắm rồi”. Long Thới giờ chẳng dễ tìm được một thửa lúa, đường vào Ngã Ba Đình đã đi được cả ôtô, những tấm bảng rao bán đất nền giăng khắp các đường đi mới mở, ban ngày và cả buổi tối khó kiếm ra bóng thanh niên ở trong xóm, họ đã thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp cả rồi.

Gieo mầm ước mơ

Nhưng thay đổi đã bắt đầu từ đâu? Bất kỳ người dân Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Phú Mỹ, Tân Phong thuộc quận 7 hay Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Đức của Nhà Bè hay cả Long Hậu tận Long An cũng đều có thể chỉ ra nguồn gốc của sự thay đổi ấy: từ khi có Khu chế xuất Tân Thuận, từ khi có đại lộ Nguyễn Văn Linh, từ khi có Nhà máy điện Hiệp Phước...

Từng khoảng, từng khoảng đầm lầy, rừng lá đã dần dần biến mất để biến thành những khu đất vàng. Nhà Bè giờ không còn chỉ là những ngã ba sông để ai đó ghé ngang rồi “về đâu thì về” mà đã trở thành một điểm đến. Điểm đến của những nhà đầu tư nước ngoài tìm cơ hội tốt. Điểm đến của những người thành đạt tìm môi trường sống tốt. Điểm đến của lực lượng lao động tìm việc làm tốt, cơ hội mưu sinh bằng dịch vụ kéo theo.

“Cũng như điểm tựa của đòn bẩy, khi chọn được một trục chính rồi, sự thay đổi từ cái trục chính đó sẽ kéo theo cả một vùng xung quanh. Ở đây, những dự án bắt đầu từ khu vực bây giờ là quận 7 đã kéo theo cả huyện Nhà Bè, Bình Chánh, lan sang cả Long An. Thật đáng phục cho những người đã chọn được đúng cái trục cốt tử đó” - anh Ngon, bí thư xã Long Thới năm nào, nay là hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng chính trị huyện Nhà Bè, nhận xét.

“Thay đổi nhanh lắm, người dân như tôi chứng kiến từ đầu mà còn không ngờ” - ông Nguyễn Văn Nhãn ở Tân Thuận Đông, Q.7 khẳng định. Làm nghề giáo cả đời trên đất Tân Thuận, nay đã 80 tuổi, ông Nhãn như vẫn còn xúc động khi nhắc lại những ngày ông đi theo dõi những chiếc máy xúc lật từng bụi cây trong lớp bùn nhão, những khối đá, khối cát đổ xuống làm nền. “Cả triệu khối đó mới có nhà, có đường, có trường học như bây giờ” - ông nhắc.

Điều ông Nhãn không biết là câu chuyện về sự thay đổi của Nhà Bè lại cũng bắt đầu từ suy nghĩ của một người nguyên là thầy giáo như ông, cũng bắt đầu từ suy tư về “mấy đứa nhỏ” như ông.

Kỳ tới: Những người mở đường

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên