14/03/2012 11:12 GMT+7

Nghĩa tình cựu binh Trường Sa

HUỲNH HIẾU
HUỲNH HIẾU

TT - Từ nhiều năm nay, những người lính cùng chiến đấu, canh giữ biển trời Trường Sa đã tìm đến nhau, và tổ chức các cuộc gặp mặt truyền thống hằng năm.

iptXFEfI.jpgPhóng to
Các cựu binh Trường Sa gặp nhau tại “cuộc gặp 30 năm” ở Bình Định - Ảnh: Huỳnh Hiếu

Ở Phú Yên, cựu binh Trường Sa họp mặt ngày 14-3, ngày đồng đội đã hi sinh trong trận hải chiến giữ đảo. Tại Khánh Hòa, cựu binh Trường Sa họp mặt ngày 24-2, ngày thanh niên Nha Trang nhập ngũ đợt đầu vào Vùng 4 hải quân. Tại Bình Định, cựu binh Trường Sa họp mặt ngày 10-2, ngày lứa thanh niên Bình Định nhập ngũ được điều về Trường Sa.

Đồng đội tìm nhau

“Khi ra quân, chúng tôi mỗi người mỗi ngả, có người trở lại TP, có người đi về nông thôn rồi mất hút trong cuộc mưu sinh. Nhưng cái không mất là nỗi nhớ về những tháng ngày gắn bó với biển đảo. Vậy là tìm nhau, cuộc gặp đầu tiên được tổ chức vào năm 1991. Lúc đầu chỉ là một nhóm anh em, nhưng sau đó anh em “alô” rộng ra về họp mặt ngày càng nhiều. Đến năm 2011, ban liên lạc của chúng tôi được công nhận là ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa” - ông Trần Quang Bảo, trưởng ban liên lạc, kể.

Lần gặp mặt mới đây nhất của cựu binh Trường Sa ở Khánh Hòa có gần 200 cựu binh về dự. Trong đó có cả “cựu binh danh dự” là ca sĩ Anh Đào, người đầu tiên đưa bài hát Gần lắm Trường Sa nổi tiếng của nhạc sĩ Hình Phước Long đến với công chúng, đến với những người yêu Trường Sa. “Cuộc gặp truyền thống các năm gần đây không chỉ của anh em Khánh Hòa mà cho cả các bạn đồng ngũ ở Trường Sa từ các tỉnh khác về hội ngộ tại Nha Trang, nên cuộc gặp có vai trò kết nối lớn hơn”- ông Bảo nói.

Trước đó ngày 10-2, cuộc gặp của cựu binh Trường Sa ở Bình Định đã được tổ chức lần đầu, tại trụ sở UBND huyện Phù Mỹ. Ông Dương Phúc Hải - cựu binh ở đảo Sơn Ca, “tổng đạo diễn” cuộc gặp mặt - cho biết:“Phải đến kỷ niệm 30 năm ngày nhập ngũ, chúng tôi mới tổ chức được cuộc gặp lần đầu cho anh em toàn tỉnh, việc này làm sau các đồng đội ở Khánh Hòa và Phú Yên. Song ở Bình Định, từ trước đã hình thành các ban liên lạc ở các huyện, xã. Sau khi xuất ngũ, anh em cựu quân nhân Trường Sa công tác, sinh sống ở cùng xã, cùng huyện, đã duy trì việc gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau nhân ngày lễ tết và hình thành các ban liên lạc”.

Trong “cuộc gặp 30 năm” của cựu binh Trường Sa ở Bình Định, có một người giọng Quảng đặc sệt, gặp nhóm nào cũng hỏi lớn: “Có đồng đội nào ở Trường Sa Đông không?”. Đó là ông Trần Văn Xuất đến từ Đà Nẵng.

“Tháng 4-2008, sau khi xây dựng xong mô hình cột mốc đảo Trường Sa Đông trong vườn nhà mình ở trên đường Trường Sa, P.Phước Hòa, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, tôi đã đi khắp các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa... để tìm đồng đội lập ban liên lạc cựu binh Trường Sa Đông. Cùng với việc hình thành ban liên lạc ở từng địa phương, chúng tôi còn muốn lập ra các ban liên lạc với đồng đội làm nhiệm vụ ở cùng một đảo”- ông Xuất bày tỏ.

Giỗ đồng đội

Đã sáu năm nay, tính từ năm 2006, năm nào ngày họp mặt 14-3, cũng chính là ngày anh em cựu binh Trường Sa ở Phú Yên giỗ hai đồng đội đồng hương đã hi sinh là hai liệt sĩ Phan Tấn Dư và Trương Văn Thịnh.

“Tại nơi gặp mặt, chúng tôi bài trí bàn thờ Tổ quốc và bàn thờ hai đồng đội, chung tâm nguyện cầu hương linh của anh em cùng về họp mặt. Dù thân xác anh em đã hòa vào lòng biển khơi bao năm rồi, nhưng chúng tôi tin hương linh của anh em mình không phiêu bạt mà vẫn về với quê hương, về với đất mẹ VN. Thường thì trước hoặc sau ngày họp mặt, gia đình đã giỗ anh em theo ngày âm lịch, đến ngày họp mặt truyền thống chúng tôi mời thân nhân hai liệt sĩ đến cùng cúng giỗ, để gần 200 anh em về họp mặt cùng thắp nhang tưởng nhớ” - ông Đào Tấn Thi, trưởng ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Phú Yên, cho biết.

“Anh em cùng nhập ngũ ai cũng nhớ Dư và Thịnh. Dư nhập ngũ năm 1986, còn Thịnh nhập ngũ năm 1985. Dư ở xã Hòa Phong, H.Tây Hòa; Thịnh ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa. Khi hi sinh cả hai còn rất trẻ, đều chưa lập gia đình, cả hai đều có mẹ già” - ông Thi tâm sự

Trong ngày gặp mặt truyền thống, cùng với việc giỗ hai liệt sĩ đồng hương, các cựu binh Trường Sa ở Phú Yên cũng tổ chức lễ tưởng niệm tất cả đồng đội đã hi sinh.

Ông Phan Ngọc Sĩ, anh trai liệt sĩ Phan Tấn Dư, xúc động: “Tôi thấy rất ấm lòng với tình đồng đội của bộ đội Trường Sa. Tôi mất đi một người em nhưng thấy hình ảnh của em mình vẫn còn đó trong tình cảm, trong tinh thần của anh em cựu bộ đội Trường Sa”.

Ông Trần Văn Xuất, cựu binh Trường Sa Đông và anh Trần Quang Bảo, trưởng ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Khánh Hòa, đề xuất lập quỹ đồng đội cựu binh Trường Sa. Ông Bảo nói: “Tôi đã vận động những người cùng tâm huyết lập quỹ đồng đội nhằm giúp đỡ thân nhân thương binh, liệt sĩ cựu binh Trường Sa, giúp đỡ những anh em còn khó khăn. Có quỹ, cựu binh Trường Sa sẽ làm được nhiều điều thiết thực hơn cho đồng đội của mình”.

Cựu binh “góp đá”

Trong ngày họp mặt cựu binh Trường Sa, hai cựu binh là ông Nguyễn Chí Thành - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Trường An (Khánh Hòa), thay mặt công ty và ông Dương Phúc Hải - thay mặt ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở Bình Định - đã ủng hộ tổng cộng 20 triệu đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.

“Là một cựu binh từng áp tải hàng ra đảo nên tôi hiểu rõ sự khó khăn của các chiến sĩ ngoài đảo, tôi mong những cựu binh Trường Sa có điều kiện hãy đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”- cựu binh Nguyễn Chí Thành nói.

HUỲNH HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên