29/09/2011 07:40 GMT+7

Thầy Vinh của Hướng Dương

KHẢ LINH
KHẢ LINH

TT - Khán giả quen thuộc với một Thế Vinh hiền khô ôm guitar “hát” bằng năm ngón tay, chắc ít biết đến một Thế Vinh chu đáo mà nghiêm túc, cứng rắn trong vai trò một người thầy, một trưởng cơ sở nuôi dạy trẻ.

jVFWSke3.jpgPhóng to
Thầy Thế Vinh trong giờ dạy toán tại cơ sở Hướng Dương - Ảnh: Khả Linh

Đến thăm cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương để chuyển 40 chiếc xe đạp cũ mà những người bạn trên Facebook vừa quyên góp hỗ trợ cho trung tâm, chúng tôi bắt gặp thầy trò Thế Vinh đang lúi húi thiết kế sân khấu cho lễ kỷ niệm một năm ngày thành lập (ngày 25-9).

Bận rộn với công việc của Hướng Dương, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh vẫn sắp xếp để tham gia các chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện. Từ ngày 13 đến 26-10, anh sẽ sang Nhật biểu diễn gây quỹ cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Thái Bình, theo lời mời của Hội đồng Hòa bình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (JVPF).

1. Phải sáng tạo sao cho sân khấu lễ kỷ niệm khác với sân khấu của mùa trung thu vừa rồi là “đề bài” thầy giáo Thế Vinh giao cho các học trò, như một cách anh rèn cho các em những kỹ năng khác ngoài chuyện sách vở... Ngày cuối tuần, Thế Vinh chỉ kịp ăn vội chén cơm để kịp lên lớp lúc 14g. Chia nhau 30 chiếc bàn nhỏ, lớp học chiều 24-9 với hơn 40 em học sinh lớp 11 (trong đó có nhiều em ngoài trung tâm đăng ký học) sôi nổi với những câu hỏi...

Nhìn thầy Vinh xoay như chong chóng từ công việc của người quản lý cơ sở kiêm kế toán, kiêm thư ký, kiêm giám thị đến giáo viên chủ đạo của hàng chục tiết học toán, lý, hóa mỗi tuần, khó ai không khỏi cảm phục. Nhưng kể về mình, về chặng đường dài phía trước với số phận của hàng chục em mà mình tình nguyện làm “đòn bẩy”, Thế Vinh luôn nói bằng giọng nhẹ tưng, hóm hỉnh.

“Ngân hàng Đức Deutsche Bank đã hỗ trợ tiếp tục tổng kinh phí hoạt động của năm tới (gần 1 tỉ đồng cho 43 em học sinh, sinh viên - NV), Hướng Dương không phải đau đầu về tài chính nữa, đó là điều tôi muốn tri ân nhất. Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất chính là niềm tin yêu của bè bạn, mọi người. Ngay từ khi tôi chưa có trong tay giấy phép thành lập Hướng Dương, anh em bạn bè đã ủng hộ gần 1 tỉ đồng” - giọng anh đầy lạc quan.

Còn nhớ cách đây một năm, lời nhắn gửi của Thế Vinh: “Tôi đang rất cần vật liệu xây dựng...” (“Tấm lòng của hiệp sĩ một tay” - Tuổi Trẻ ngày 6-4-2010) đã khiến nhiều người không khỏi... hồi hộp cho ý nguyện của anh: thành lập một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật chỉ bằng ý chí cứng cỏi của mình, sự động viên của bạn bè, một tờ giấy phép và... một bàn tay trắng. Thế nhưng chỉ sau năm tháng, một trung tâm khang trang nằm ở khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương mang tên cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương đã ra đời.

2. Kỳ thi đại học - cao đẳng năm nay, sau một năm luyện ở “lò luyện thi” của thầy Vinh, 16 sĩ tử của Hướng Dương khăn gói đi thi và đỗ cả 16 em (vào ĐH Bách khoa, Sài Gòn, Sư phạm kỹ thuật, Giao thông vận tải...). Kết quả có thể gây bất ngờ với người khác, nhưng với thầy Vinh thì không nằm ngoài dự đoán.

“Trong 16 em, tôi đoán có năm em sức chỉ vào được cao đẳng, cuối cùng tới 14 em đậu đại học, hai em đậu cao đẳng” - anh cười nói. Bên cạnh công việc dạy học đã gắn bó suốt sáu năm, những công tác khác của một người chủ cơ sở nuôi dạy các em như chỉnh đốn nếp sống, hun đúc ý chí, rèn khả năng tự lập... cứ như là kinh nghiệm lâu năm của Thế Vinh, dù anh chỉ mới bắt tay vào làm đúng một năm tròn.

Nguyễn Đình Phi (Tánh Linh, Bình Thuận) - cậu sinh viên bé nhỏ vừa đỗ vào Đại học Sài Gòn - nói về thầy của mình với ánh mắt kính trọng: “Từ ngày vào đây, em thấy mình có ý chí học hành hơn hẳn. Thầy nghiêm lắm, bọn em đứa nào dậy trễ thầy biết ngay, dậy muộn bị phạt rửa chén”.

Quả vậy, sự nghiêm túc, tính ngăn nắp, lòng tự trọng được Thế Vinh rèn cho các em qua từng chi tiết nhỏ trong nội quy sinh hoạt và học tập dài bốn trang giấy A4: không vào phòng khác giới tính, quần áo dơ phải để trong phòng vệ sinh không quá ba ngày, mượn sách phải có phiếu, lên mạng một ngày đúng nửa giờ theo thời gian quy định...

3. Hiện Hướng Dương đang là “tổ ấm” của 43 em học sinh THPT đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau: Bình Dương, Bình Thuận, Quảng Nam, Thanh Hóa... Với mỗi trường hợp gửi hồ sơ xin vào Hướng Dương, Thế Vinh đều đến từng nhà tìm hiểu gia cảnh, gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm để nắm kỹ hơn về trình độ văn hóa của từng em.

Học kỳ tới, cơ sở sẽ nhận thêm hơn mười em, nâng tổng số học sinh của Hướng Dương lên 60 em. Không dừng lại ở đó, Thế Vinh dự tính sẽ mở rộng cơ sở để có thể “ôm” được cùng lúc 140 em cần nơi cư ngụ, học hành. 16 em vừa đỗ đại học - cao đẳng, thầy Vinh cũng đã ngược xuôi Bình Dương - Sài Gòn để tìm chỗ ở cho từng em, hầu hết là ở nhà những người bạn thân của anh.

Không có điều kiện ràng buộc gì khi các em ra trường, anh chỉ nhắn nhủ các em phải cố gắng sao để không chỉ tự lo được cho mình mà còn làm được gì đó cho lớp đi sau. Và điều anh mong mỏi nhất ở các em vẫn là “phải thành nhân”.

Cũng vì niềm đau đáu “phải thành nhân” ấy, nỗi lo duy nhất anh nhắc đi nhắc lại trong các câu chuyện luôn là vấn đề giáo dục về nhân cách - lối sống cho các em ở trung tâm. Bởi thế, sau khi trung tâm ra đời, anh đã kịp thành lập tủ sách, lựa chọn và phân loại kỹ từng loại sách, từ sách học làm người đến sách nghiên cứu, sách văn học trong và ngoài nước.

Anh kể tên hàng loạt sách kinh điển mà trung tâm đang cần nhưng chưa có, hàng loạt bộ phim mà anh chủ động liên hệ với Phương Nam Film để có nguồn phim chiếu cho các em vào mỗi cuối tuần. Không chỉ tranh thủ trò chuyện kiểu “tưới tẩm” những triết lý sống cho các em trong những buổi cơm giữa thầy trò, “ông thầy tâm lý” còn dự kiến phải mời chuyên viên tâm lý về trò chuyện với các em trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa...

Mất cha từ năm 4 tuổi, mất mẹ năm 7 tuổi, mất một cánh tay trong một lần đi chăn bò bị ngã... Là người trong cuộc, từng mất phương hướng, từng rơi vào tuyệt vọng cùng cực, Thế Vinh ý thức hơn ai hết về sự khó khăn của người khuyết tật, trẻ mồ côi trong việc hòa nhập với cuộc sống, chưa nói đến tìm một con đường đúng để đi. Vì vậy, mong mỏi các em cùng hoàn cảnh không gặp phải những khó khăn về tâm lý, không phải mò mẫm tìm đường đi như mình ngày xưa, Thế Vinh quyết mở Hướng Dương để, nói như anh - “giúp tụi nhỏ đi nhanh và đi đúng”.

4. Những cây trứng cá mới trồng còn chưa kịp tỏa bóng trên cái sân nhỏ của Hướng Dương. Nhưng sự đầm ấm, những nụ cười, niềm đam mê học tập của các em nơi đây đang nhân đầy theo ngày tháng, làm xanh lên niềm tin của chàng sinh viên ĐH Kinh tế năm nào.

Những giọt nước mắt vì một cánh tay bị gãy sau khi ngã từ lưng bò đã khô từ lâu lắm, nhưng ý chí vượt khó học hành của “cậu bé chăn bò” quê Bình Thuận ngày ấy nay lại chảy tràn trong các em học sinh mà anh dìu dắt. Thế Vinh - guitar không ít lãng mạn ngày xưa nay cũng quá bận rộn để nghĩ đến những gì cho đời sống riêng, nhưng nụ cười thì vẫn thường trực đó, vì tin vào từng việc mình làm, vui với từng ngày không vô nghĩa...

Những ai đến thăm Hướng Dương nếu để ý sẽ thấy cổng vào của cơ sở này không có cửa. Dựng cổng không cửa là chủ ý của Thế Vinh, để nhấn mạnh điều mà anh mong đợi: sự tự giác, tự ý thức của mỗi thành viên trong việc giữ mình, biết trong biết ngoài, biết sau biết trước, biết xây dựng mình thành người hữu dụng, và quan trọng là có một tấm lòng rộng mở... Quanh cái cổng rộng mở ấy, những cành hoa hướng dương thầy trò cùng ươm trồng đang vươn lên giữa nắng cháy...

KHẢ LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên