29/07/2016 08:17 GMT+7

Bộ trưởng NN&PTNT: Ưu tiên giải quyết chuyện an toàn thực phẩm

C.V.KÌNH - X.LONG thực hiện
C.V.KÌNH - X.LONG thực hiện

TTO - Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đã trao đổi với báo chí về nhiệm vụ ưu tiên của ông khi nhận chức.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Cường nói:

- Với nông nghiệp, theo tôi, đang có ba thách thức rất lớn. Thứ nhất là nền nông nghiệp VN về tổng thể vẫn là nền nông nghiệp dựa trên các hộ nhỏ lẻ. Hiện nay chúng ta có 12 triệu hộ sản xuất trên một diện tích canh tác bình quân rất thấp, 0,3ha/hộ. Đây là rào cản lớn nhất để hình thành một nền nông nghiệp tập trung hiệu quả, bền vững.

Thứ hai là biến đổi khí hậu. VN là một trong năm nước bị tổn thương lớn nhất. sáu tháng đầu năm 2016 đã thể hiện rất rõ điều này.

Hầu như các vùng lãnh thổ VN đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ cũng như vùng núi phía Bắc. Đây là thách thức sẽ làm đảo lộn toàn bộ cơ cấu sản xuất cũng như đời sống của người dân, nhất là vùng sâu vùng xa.

Thách thức thứ ba là quá trình hội nhập sâu rộng. Hiện sản phẩm nông nghiệp VN đã đi 180 nước. Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường thì áp lực chất lượng, tham gia chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là thách thức lớn.

* Ông sẽ tập trung vào lĩnh vực nào trước ba thách thức trên?

- Đầu tiên tôi phải tập trung vào ATTP, đó là đòi hỏi của toàn dân.

Thứ hai, phải tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục được ba thách thức mà tôi vừa trình bày: sản xuất nhỏ manh mún, biến đổi khí hậu và câu chuyện hội nhập.

Thứ ba là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất chuỗi bền vững hiệu quả. Và thứ tư là xây dựng nông thôn mới.

* Ông sẽ có những giải pháp nào trong giải quyết vấn đề ATTP, nội dung xã hội đang rất quan tâm?

- Tôi suy nghĩ khi thực phẩm không an toàn không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống và uy tín các sản phẩm có thế mạnh của VN.

Thực tế trong hai năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã xác định ATTP là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành, đặc biệt đã phát động năm 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tập trung nguồn lực, phối hợp các bộ ngành liên quan giải quyết căn cơ một số vấn đề ATTP nổi cộm, gây bất an cho người dân như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất công nghiệp, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Thực tế thực hiện đến nay mới đạt được một số kết quả ban đầu, mới ngăn chặn tương đối việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong nông sản, thủy sản.

Tuy nhiên, thẳng thắn phải nói rằng tỉ lệ vi phạm ATTP được phát hiện còn ở mức cao, vấn đề xử lý thực phẩm không an toàn, ngăn chặn thực phẩm không an toàn chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Vì vậy, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực sự rõ nét, bền vững về ATTP trong nông nghiệp.

Tới đây, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Công thương trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, hóa chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.

Trong các giải pháp, tôi nghĩ việc công khai các cơ sở vi phạm, sản phẩm không đảm bảo ATTP là rất cần thiết. Đi kèm là truyền thông đến người dân các nông sản thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Về lâu dài, phải rà soát, đề xuất điều chỉnh thể chế và thiết chế quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đơn giản hóa các quy định, thủ tục, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi quản lý, đảm bảo ATTP và một số giải pháp khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Giảm chi thường xuyên gắn với hiệu quả

Ông Đinh Tiến Dũng - Ảnh: V.DŨNG
Ông Đinh Tiến Dũng - Ảnh: V.DŨNG

Tiếp tục nhận nhiệm vụ bộ trưởng Bộ Tài chính, với tôi, tinh thần không ngại đương đầu khó khăn vẫn là cốt lõi. So với nhiệm kỳ trước, bây giờ tôi thấy tự tin hơn bởi công việc mình đã nắm tốt hơn. Cử tri, Chính phủ, Quốc hội cũng chia sẻ hơn với tình hình tài chính ngân sách của quốc gia bối cảnh hiện tại.

Áp lực chi tiêu công là một trong những ưu tiên. Tuy nhiên, tái cơ cấu ngân sách nhà nước không có nghĩa là giảm chi tiêu một cách đột ngột mà giảm chi tiêu thường xuyên phải gắn với hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi tiêu, gắn với cải cách đồng bộ tổ chức bộ máy, triển khai đồng bộ đề án, nghị định của Chính phủ về đẩy mạnh sự nghiệp công.

Kể cả phải rà soát toàn bộ tổng thể chính sách về an sinh xã hội để đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn.

VIỄN SỰ - C.V.KÌNH

C.V.KÌNH - X.LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên