07/04/2016 10:03 GMT+7

Không nên mở thêm đường vì dân sẽ sắm xe nhiều hơn

N.ẨN - T.PHÙNG
N.ẨN - T.PHÙNG

TTO  - Có những tuyến đường vừa xây dựng mở ra thì xe dồn vào nhiều hơn, sinh ra kẹt xe nặng hơn. Điều này gọi là “hiệu ứng đường ống”...

 

Tại một cuộc hội thảo về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, TS Huỳnh Thế Du - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho rằng đối với những trục đường đang triển khai những tuyến vận tải hành khách công cộng thì cần hạn chế việc mở rộng, vì khi tới một mức tắc nghẽn nào đó thì người dân nghĩ đến giao thông công cộng như một thay thế cần thiết.

Theo ông Du, xây thêm đường chỉ làm cho nhiều người mua sắm và sử dụng xe cá nhân thường xuyên hơn.

Kết quả là tình trạng giao thông chỉ giảm nhẹ trong giai đoạn ban đầu khi đường mới xây xong, sau đó tiếp tục tắc nghẽn. Ông Du còn bày tỏ lo lắng sắp tới sẽ không có hành khách đi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (đang xây dựng) bởi xa lộ Hà Nội được mở rộng, không còn kẹt xe.

Không đồng tình với ý tưởng này, ông Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng dự án mở rộng xa lộ Hà Nội rất cần thiết do lượng xe lưu thông trên đường cửa ngõ TP rất lớn.

Ông Phong cũng nhấn mạnh về việc cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhiều đường cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng.

Theo ông Võ Kim Cương - nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, thực tế trên thế giới có chuyện càng mở đường người ta mua sắm xe cá nhân nhiều, cho nên các nước có hệ thống giao thông hoàn chỉnh nhưng vẫn bị kẹt xe.

Tuy nhiên, bối cảnh của VN thì không thể áp dụng như vậy, bởi TP.HCM quá thiếu đường, muốn TP phát triển cần phải làm thêm nhiều đường.

Ông Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - cho biết không phải tất cả dự án mở đường để kéo giảm kẹt xe đều thành công 100%. Có những tuyến đường vừa xây dựng mở ra thì xe dồn vào nhiều hơn, sinh ra kẹt xe nặng hơn. Điều này gọi là “hiệu ứng đường ống”. Cũng như ông Cương, ông Sanh nói hạn chế mở đường chưa phù hợp với TP.HCM lúc này, cả Hà Nội cũng vậy.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hòa - phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển TP.HCM - cho rằng nếu không mở đường thì sẽ “càng chết”, sẽ gây tắc nghẽn giao thông dữ dội hơn.

Theo ông Hòa, có đường thì phương tiện giao thông công cộng mới có điều kiện lưu thông. Tuy nhiên, không nên mở đường ở khu trung tâm mà phải mở đường ở các khu đô thị mới.

Xa lộ Hà Nội

 

N.ẨN - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên