21/04/2017 21:19 GMT+7

Cấm xe gắn máy, xin đừng tị nạnh nhau!

KIM VÂN
KIM VÂN

TTO - Liên quan đến đề xuất cấm xe máy, bạn đọc Kim Vân đã gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết với giải pháp: Muốn giải bài toán giao thông: Hãy thôi ganh tị nhau! Nhằm góp thêm một góc nhìn, xin giới thiệu ý kiến này.

Xe buýt giữ vòng vây xe gắn máy trên cầu Kênh Tẻ, Q.4 - Ảnh Tự Trung
Xe buýt giữa vòng vây xe máy trên cầu Kênh Tẻ, Q.4 - Ảnh Tự Trung

Sống ở Việt Nam, không ai là không thấy rõ tầm quan trọng của chiếc xe máy. Thiếu xe máy khác gì cụt chân, mọi người vẫn đùa nhau vậy. 

Thế nhưng khi nạn ùn tắc giao thông trầm trọng đến mức báo động như trong những ngày qua thì câu chuyện bỏ xe cá nhân một lần nữa lại được đặt ra.

Và cũng như bao lần trước, nó lại luôn là chủ đề nhạy cảm khi liên quan vấn đề mưu sinh, người giàu người nghèo…

Nói chuyện bỏ xe cá nhân, dùng xe công cộng, anh xe máy bắt đầu “lườm” anh xe hơi: “Đường phố thì nhỏ. Anh ta chiếm diện tích nhiều hơn sao không bỏ, lại đòi bỏ xe máy. Phải chăng là bênh vực nhà giàu, còn nhà nghèo thì đối xử sao cũng được”.

Trong khi anh xe hơi “hằm hè” anh xe máy: “Lượng xe máy nhiều gấp mấy lần xe hơi, là thành phần tham gia giao thông chủ yếu. Muốn hết kẹt xe thì phải bỏ xe máy trước”.

Và giống chuyện 2 con dê cùng đi qua một chiếc cầu, mạnh xe hơi xe hơi chạy, mạnh xe máy xe máy đi. Đường sá trở nên quá tải. Con người thì mệt mỏi, nhưng họ vẫn phải lao vào mớ bòng bong ấy với tâm trạng của kẻ bất hạnh vì sống trong một xã hội thiếu văn minh.

Nhưng nếu được đề xuất đi xe buýt thì đa số lại cất lên một luận điệu quen thuộc: “Cứ phát triển tốt giao thông công cộng đi thì chắc chắn chúng tôi sẽ dùng thôi!”.

Nhưng thế nào là tốt khi mà rất nhiều người dân đô thị chưa một lần đặt chân lên xe buýt. Họ đã quen với việc ra khỏi nhà là lên xe, chạy ra đầu hẻm cũng lên xe, đỡ phải mất công cuốc bộ, vừa mệt người vừa tốn thời gian!

Và thế là vào giờ cao điểm, trong khi chỗ ngồi trên xe buýt vẫn thênh thang thì dưới đường, xe máy, xe hơi vẫn tranh thủ chen lấn, nhích từng centimet.

Xe máy, xe hơi, xe buýt cùng nhau đổ xuống đường thì không kẹt xe mới lạ. Việc mở đường vừa tốn kém, vừa không kịp với tốc độ phát triển của phương tiện giao thông cá nhân, do thành phố mỗi năm vẫn đón một lượng không nhỏ dân nhập cư đến sinh sống. Muốn giải bài toán kẹt xe, chỉ còn cách hi sinh một trong 3 loại xe trên.

Cần thống nhất rằng việc phát triển xe buýt là điều không thể không làm, bởi đó là nền tảng giao thông của bất cứ đô thị nào trên thế giới.

Còn lại, với kiểu hằm hè nhau giữa xe máy và xe hơi, thật khó cho nhà quản lý để đưa ra quyết định loại bỏ xe nào trước.

Một quyết định đưa ra, tác động xã hội sẽ vô cùng to lớn, mà sức ép của dân chúng có thể khiến người đứng mũi chịu sào không chịu đựng nổi.

Điều này đòi hỏi nhà quản lý, ngoài cái tầm dám nghĩ, phải có cả bản lĩnh dám làm, dám đương đầu thách thức.

Bởi cho dù quyết định có như thế nào thì chắc chắn họ vẫn phải đối mặt với những phản ứng gay gắt của một bộ phận không nhỏ dân chúng, do những bất tiện vì thay đổi thói quen hàng ngày gây ra.

Hãy nhìn các đô thị văn minh trên thế giới, không đô thị nào còn có lượng xe máy đông đúc như ở Việt Nam. Thành phố Yangon của Myanmar từng cấm xe máy ngay từ rất sớm.

Tại sao lại chọn cấm xe máy chứ không phải cấm xe hơi? Lựa chọn này không phải không có lý do.

Do bản chất nhỏ gọn nên xe máy dễ luồn lách, phóng lên vỉa hè, tạt ngang tạt dọc, vô hình trung tạo nên sự lộn xộn, vốn là nguyên nhân của hầu hết các đám kẹt xe.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng mọi thứ vào guồng ngay lập tức. Trong bối cảnh đó thì quan trọng nhất vẫn là sự thấu hiểu, hợp tác từ phía người dân, sự phối hợp của các ban ngành liên quan để việc chuyển đổi diễn ra suôn sẻ nhất có thể.

Dĩ nhiên để đến được quyết định này, nhà quản lý cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về điều kiện cũng như tâm lý cho người dân.

Ở phía công chúng, giá mà người dân thôi ganh tị nhau. Giá mà các nhà máy, công sở cho phép người đi xe buýt được đến chỗ làm muộn hơn trong những ngày đầu chuyển đổi.

Hay nói cách khác, giá mà có sự đồng lòng từ mọi thành phần, chấp nhận khó khăn để vượt qua cơn đại phẫu, thì khi đó, bài toán giao thông chắc chắn có lời giải.

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

KIM VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên