Phóng to |
Thành phố Vũng Tàu cho dựng nhiều bảng chỉ dẫn về những thông tin giá cả, nơi ăn ở, mua sắm và số điện thoại cơ quan chức năng để chống tình trạng “chặt chém” du khách trong dịp lễ - Ảnh: Thanh Đạm |
“Chặt chém” vẫn xuất hiện ở nhiều điểm du lịchChủ tàu bị tố “chặt chém” trả lại tiền cho khách
Trong khi đó, hầu hết người có trách nhiệm ở các tỉnh thành đều nói nạn “chặt chém” gần như không còn. Họ đã làm thế nào để giải quyết nạn này?
Công bố số điện thoại nóng cho du khách
* Bà VÕ HOÀNG TUYẾT LINH (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Thuận):
"Một trong những nguyên nhân để xảy ra nạn “chặt chém” là do chưa có cơ chế, cách quản lý để giá cả được công khai, minh bạch cho khách hàng, mọi người biết. Theo tôi, đây cũng là hành vi lừa đảo khách hàng. Chống nạn “chặt chém” chính là bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, bảo vệ cả những người kinh doanh du lịch đàng hoàng. Để chống nạn này, chúng tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước duy trì sự kiểm tra liên tục, lâu dài chứ không phải bắt cóc bỏ đĩa" Ông BÙI NGỌC DIỆP(phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Chúng tôi vẫn công bố các số đường dây nóng hỗ trợ du khách, nhưng trong kỳ nghỉ lễ này chỉ nhận được một số cuộc gọi của khách phương xa hỏi đường đi, địa điểm còn phòng nghỉ, chỗ vui chơi giải trí mà chưa nhận được một phản ảnh nào của khách bị “chặt chém”.
Tuy nhiên, chống tình trạng “chặt chém” du khách luôn là một vấn đề được địa phương chúng tôi coi trọng, là một giải pháp để tăng trưởng du lịch.
Cho nên trước các kỳ nghỉ lễ dài ngày, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra tại những điểm du lịch về việc niêm yết giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường...
Việc làm này được triển khai nhiều năm qua, đem lại hiệu quả khá tốt, lượng khách năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thực tế ở Bình Thuận cũng có một số quán ăn có tăng giá một vài món ăn hoặc tính thêm phí phục vụ trong những ngày lễ. Đó là do có một số loại hải sản hiếm phải mua nhiều dự trữ để phục vụ nhu cầu của khách, đồng thời quán phải chi trả thêm tiền nhân công phục vụ ngày lễ. Đối với những cơ sở này thì phải niêm yết giá rõ ràng cho khách biết.
* Ông TRƯƠNG ĐĂNG TUYẾN (giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa):
Thực tế dù có các quy định quản lý, kiểm tra nhưng theo tôi, khó tránh được tuyệt đối không xảy ra những chuyện khiến du khách phải phàn nàn do nạn “chặt chém”.
Thường khách thuê phòng theo dạng đi lẻ, không đăng ký hay hợp đồng trước, hoặc ăn uống ở những chỗ kinh doanh theo dạng “nhảy ra” làm thêm trong những dịp lễ thì dễ bị hét giá, thu tiền tùy tiện quá mức so với chất lượng dịch vụ.
Đó cũng là một kinh nghiệm đáng lưu ý cho khách du lịch đến Nha Trang và các nơi vào những dịp lễ tết.
Để chống tình trạng người kinh doanh tự ý tăng giá quá mức các dịch vụ bất hợp lý, không tương xứng với giá cả vào những dịp lễ đông khách, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều biện pháp để ngăn ngừa.
Cơ bản nhất là tỉnh luôn có chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, nhất là các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, phải đăng ký giá kinh doanh và niêm yết giá theo đúng các quy định. Mức giá trong các dịp lễ chỉ được phép tăng tối đa không quá 50% giá phục vụ bình thường.
* Ông NGUYỄN VĂN KỲ (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình):
Chúng tôi hiểu rõ trong làm du lịch thì giá cả đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giữ khách. Do đó trước ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, UBND tỉnh đã ban hành hai chỉ thị buộc các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải niêm yết giá cho thuê phòng, giá hàng ăn uống, bàn ăn phải có thực đơn ghi giá cả cho khách lựa chọn.
Các đội kiểm tra liên ngành cũng được thành lập và thực hiện kiểm tra giá cả hàng trăm lượt trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng tôi còn công bố số điện thoại nóng ở nơi công cộng cho du khách gọi báo tin khi bị “chặt chém” về giá cả... Vậy mà tình trạng bán đồ ăn uống và cho thuê phòng nghỉ giá cao vẫn xảy ra ở một số nơi.
Rút kinh nghiệm từ lần này, tới đây chúng tôi sẽ đưa ra nhiều thông tin cụ thể hơn trên các phương tiện truyền thông về giá cả ở các khách sạn, nhà hàng, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường đi điểm đến... để du khách biết và có thể lựa chọn trước khi đến.
Tại các cơ sở dịch vụ du lịch xảy ra nạn “chặt chém” thì ngoài bị xử phạt hành chính, chúng tôi sẽ có thái độ cứng rắn hơn, có thể là rút giấy phép kinh doanh và đưa công khai tên cơ sở cùng hành vi “chặt chém” lên báo đài.
Xây dựng môi trường du lịch văn minh
* Ông ĐOÀN DUY LINH (giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Phòng):
Trong những năm qua, Hải Phòng đang nỗ lực để xây dựng môi trường du lịch văn minh, để “chặt chém” không trở thành thương hiệu, không còn là nỗi lo của khách du lịch mỗi lần đến đây tham quan.
Trước khi du lịch chính thức vào mùa “làm ăn”, Sở VH-TT&DL TP Hải Phòng tổ chức các buổi tập huấn cho hầu hết cơ sở du lịch ở Cát Bà, Đồ Sơn cũng như trong khu vực TP.
Chúng tôi cố gắng tuyên truyền để họ hiểu kinh doanh dịch vụ, sản phẩm du lịch là kinh doanh lâu dài, làm cả năm chứ không phải làm một vài ngày nên cần phải làm ăn nghiêm túc mới thu về lợi nhuận.
Chúng tôi đang tính đến hướng kết hợp với các công ty lữ hành, họ nắm được giá cả nên có thể kết nối cho du khách. Năm nay, Hải Phòng còn có trung tâm thông tin mùa du lịch.
Trung tâm này sẽ giải đáp các thắc mắc về điểm đến, các loại hình dịch vụ để du khách tham khảo. Từ những cách làm này, nạn “chặt chém” công khai không còn nhức nhối như trước kia. Hình ảnh du lịch văn minh của Hải Phòng đang dần được xây dựng.
* Ông TRẦN TRỌNG TRUNG (phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, Quảng Ninh):
Đúng là khách du lịch đến Hạ Long từng hãi hùng với giá phòng nghỉ bị nâng lên gấp 7, 8 lần, một bữa ăn ngoài vịnh có giá cả chục triệu đồng. Báo chí còn viết trà đá, hàng quán cái gì cũng “chặt chém”. Đó là chuyện cũ, còn bây giờ thì khác nhiều rồi. Sau nhiều năm quản lý chặt, xử lý mạnh tay, du khách đến Hạ Long không còn phải phiền lòng với cách làm ăn chụp giật, hét giá trên trời như vậy.
Để đấu tranh với tình trạng nâng giá, ép giá, chúng tôi đề ra một số phương án chính. Trong đó phương án quan trọng nhất là yêu cầu tất cả cơ sở dịch vụ phải niêm yết giá công khai và thực hiện theo đúng mức giá này.
Đặc biệt là ở các khách sạn lớn, giá phải được niêm yết bằng cả tiền Việt và USD để du khách trong và ngoài nước đều có được thông tin về giá cả.
Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên đi kiểm tra việc niêm yết có được thực hiện đúng không. Trong ngày 30-4 năm nay, lực lượng thanh tra du lịch Bãi Cháy phát hiện khách sạn biệt thự Vạn Xuân dán bảng giá mới đè lên bảng giá niêm yết.
Chúng tôi kiên quyết lập biên bản xử phạt, yêu cầu cơ sở này cho thuê phòng đúng như mức giá được niêm yết.
* Ông DOÃN TIẾN DŨNG (chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An):
Chúng tôi hiểu cặn kẽ vấn nạn “chặt chém” và xem việc dẹp vấn nạn này là cú hích để bàn cách xây dựng lại thương hiệu của biển Cửa Lò.
Hiện UBND thị xã đã ban hành chủ trương “5 không” gồm: không chèo kéo khách; không nâng, ép giá; không bán hàng rong, tẩm quất rong, massage rong; không làm xấu cảnh quan môi trường; không làm mất an ninh trật tự.
Nội dung này được đồng loạt làm thành hàng trăm tấm biển treo trước hàng trăm nhà hàng dọc bãi biển thuộc ba phường làm du lịch trọng điểm là Nghi Thu, Thu Thủy và Nghi Hương.
Trước khi khai trương mùa du lịch biển vào dịp 30-4, mỗi phường có một đội “an ninh du lịch” thường xuyên đi kiểm tra các khách sạn, nhà hàng thực hiện quy định “5 không”.
Đội gồm 30 người do trưởng công an phường làm tổ trưởng. Ngoài ra, các phường còn thành lập tổ tự quản, mỗi tổ bốn hộ gia đình có nhà hàng, khách sạn để tự quản lý nhau.
Gia đình nào không thực hiện đúng quy định “5 không” thì bị phạt 1 triệu đồng, vi phạm lần hai tăng lên 2 triệu đồng, nếu vi phạm tiếp sẽ bị đình chỉ kinh doanh.
Mô hình này là một trong những tiêu chí để xây dựng mô hình nhà hàng, khách sạn văn minh. Nhờ thế, năm 2013 thị xã Cửa Lò có nguồn thu 24 tỉ đồng từ du lịch biển. Mùa du lịch năm nay ước tính sẽ tăng lên 30 tỉ đồng.
* Ông TRẦN VĂN LONG (tổng giám đốc Công ty du lịch Việt): Các doanh nghiệp phải chung tay hành động Nhiều năm nay hiện tượng “chặt chém”, nâng giá dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bán hàng kém giá trị với giá cao trong các kỳ nghỉ lễ tết vẫn thường xảy ra. Ở các tỉnh phía Nam, nổi tiếng là Vũng Tàu. Nha Trang cũng có, còn Đà Lạt thì đặc trưng bị “chặt chém” là nâng giá với các sản phẩm bánh kẹo, mứt. Phú Quốc bắt đầu có hiện tượng “chặt chém” ở các điểm bán hải sản tươi sống. Miền Bắc và Bắc Trung bộ thì các địa danh Cửa Lò, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Quảng Ninh, Hạ Long là nỗi ám ảnh của khách bởi trò nâng giá các dịch vụ ăn uống. Tại những nơi này còn xuất hiện tình trạng các khách sạn 2-3 sao không bán phòng cho các công ty lữ khách vào dịp lễ, mà để dành phòng bán cho khách vãng lai với giá “cắt cổ”. Theo tôi, hoàn toàn có thể hóa giải tình trạng này. Ở các địa phương, các hiệp hội lữ hành, khách sạn, nhà hàng nên phối hợp với nhau nhắc nhở các thành viên, phạt nặng những trường hợp vi phạm. Những thành viên tham gia hiệp hội nên đưa ra các quy chuẩn về phục vụ, giá cả và cam kết không vi phạm những quy định. Ngoài việc bị phạt thật nặng, các nhà hàng, khách sạn nào vi phạm sẽ bị coi như là doanh nghiệp không danh chính ngôn thuận, không được tham gia và nhận những hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến, quảng bá do địa phương tổ chức hoặc các đoàn phối hợp xúc tiến quảng bá từ các địa phương khác đưa đến. L.NAM ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận