17/08/2015 14:24 GMT+7

Sức khỏe mọi người đánh cược với thực phẩm độc hại

LƯƠNG ANH
LƯƠNG ANH

TTO - Người ta hay nói đến thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại giết dần, giết mòn sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng còn một hậu quả tai hại cũng không kém cạnh là lòng tin người tiêu dùng bị “nhiễm độc”.

Loại “độc tố” này khiến người ta nhìn đâu cũng thấy chất độc, ăn gì cũng nghi ăn phải thực phẩm bẩn.

Trong một mâm cơm, nếu đủ dũng cảm phân tích thì có khá nhiều nguy cơ rình rập trong từng món ăn.

Trước tiên là cơm - loại lương thực thiết yếu của mỗi người Việt Nam. Nếu nồi cơm đó được nấu từ loại gạo trắng và thơm thì rất có khả năng đã bị tẩy mốc, tẩy trắng bằng hóa chất.

Còn nồi canh kia có chắc được nấu bằng rau sạch, rau không có dư lượng thuốc trừ sâu?

Miếng thịt này trước khi kho có bị tẩm vào loại hóa chất biến thịt thối thành thịt tươi không?

Chén nước chấm nhỏ bé giữa mâm cơm cũng không tránh khỏi sự ngờ vực, khi dư luận một thời gian rúng động trước thông tin nước tương chứa chất 3MCPD và nước mắm chứa urê.  

Có lẽ không cần kể lể thêm nữa vì những loại thực phẩm thường thấy trên mâm cơm người Việt đều bị nghi ngờ nhiễm hóa chất độc hại. Và hiếm có ai đứng trước bàn ăn để phân tích tỉ mỉ như thế. Đó chính là mối nguy thật sự khi người ta bất lực chấp nhận thả trôi sức khỏe trong vòng vây thực phẩm bẩn.

Một bộ phận người tiêu dùng ở các đô thị từ bỏ mua hàng ở chợ truyền thống. Trong thời thực phẩm bẩn “lên ngôi” như hiện nay, siêu thị như là địa điểm cứu vớt niềm tin của các bà nội trợ. Niềm tin đó chưa được bao lâu thì các cơ quan chức năng lại vào cuộc xử phạt những siêu thị gắn mác “thực phẩm sạch, an toàn” để bán với giá đắt đỏ. Nghĩa là thực phẩm độc hại có thể “ký sinh” khắp mọi nơi.

Nhiều người có mong muốn trở thành người tiêu dùng thông thái. Họ học cách nhận diện đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn, đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Lựa chọn các thương hiệu lớn, được quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông được cho là một trong những cách “tiêu dùng thông minh”.

Song mong muốn chính đáng ấy chưa thật trọn vẹn khi báo chí hằng ngày vẫn đưa tin về công ty này, thương hiệu kia bị xử phạt vì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Lâu dần người ta cảm thấy quen thuộc với những tin tức đó.

Hóa ra dù có nhiều tiền hay ít tiền, mua trong siêu thị hay “chợ chồm hổm” thì cũng thật khó để trở thành người tiêu dùng thông thái.

Bây giờ người ta hay lắc đầu ngao ngán: nhắm mắt mà ăn đại chứ biết sao mà lường!

Sức khỏe của biết bao nhiêu người đang bị đánh cược với sự hên xui may rủi. Niềm tin của người tiêu dùng cũng không biết bám víu vào đâu.

Rất nhiều người cứ mảy may nhìn thấy thứ gì lại nghi ngờ: quả này có bị bơm thuốc không vậy, đồ này có bị nhiễm hoá chất không vậy...?

Bên cạnh đó cũng có loại thực phẩm chứa chất cấm mà chỉ các cơ quan chuyên môn và những thiết bị hiện đại mới phát hiện được.

Ngoài nỗ lực tự bảo vệ mình, người dân rất kỳ vọng về sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng. Những người làm ăn gian dối, bất chấp sức khỏe đồng loại sẽ bị xử phạt nghiêm minh theo pháp luật.

Còn người tiêu dùng sẽ tuyên một án phạt khác: tẩy chay sản phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại và kém chất lượng.

Chỉ có như vậy mới mong lấy lại niềm tin đang bị “nhiễm độc” của biết bao người tiêu dùng.

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Lương Anh. Bạn có thể bày tỏ suy nghĩ, ý kiến của mình qua phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn.

 

LƯƠNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên