05/08/2015 08:51 GMT+7

Điểm tựa của đời tôi

TRƯƠNG THỊ THÚY (Quảng Trị)
TRƯƠNG THỊ THÚY (Quảng Trị)

TT - Hôm trước, khi nghe tin báo Tuổi Trẻ mời bạn đọc viết về những kỷ niệm với báo, tôi đã lấy tờ báo Tuổi Trẻ đăng tấm ảnh chụp nụ cười hai mẹ con tôi của anh Đoàn Đức Minh và đọc đi đọc lại.

Tấm hình chị Thúy và bé Kiều, đứa con bị chất độc da cam đăng trên trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 14-9 và tràn ngập trong đêm trắng “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” tại TP.HCM, tháng 9-2004 -  Ảnh: Đoàn Đức Minh
Tấm hình chị Thúy và bé Kiều, đứa con bị chất độc da cam đăng trên trang nhất báo Tuổi Trẻ ngày 14-9 và tràn ngập trong đêm trắng “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” tại TP.HCM, tháng 9-2004 - Ảnh: Đoàn Đức Minh

Đó là bức ảnh “Nụ cười của niềm tin công lý” với hình ảnh người mẹ ôm đứa con bị nhiễm chất độc da cam, cả hai cùng cười.

Người mẹ đó là tôi - Trương Thị Thúy (năm nay 53 tuổi, sống ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và đứa bé là Trương Thị Kiều, con gái của tôi.

Đã 11 năm tròn kể từ khi tấm ảnh được đăng trong chương trình “Đêm trắng - Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam” mà báo Tuổi Trẻ phát động vào ngày 14-9-2004.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Trước đó, không ai biết rằng có một vùng quê mà nạn nhân chất độc da cam “đậm đặc” như vùng Cùa quê tôi (thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), cứ đi một quãng đường tầm 50m là có một gia đình có nạn nhân chất độc da cam.

Tôi cũng không biết mình đã nhiễm chất độc da cam từ quê nhà. Năm 22 tuổi tôi lấy chồng, một người lính quê ở Nghệ An. Về quê chồng, năm 1985, đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời trong hi vọng của cả họ tộc, nhưng rồi cháu là một hình hài bất thành nhân dạng, cháu sống được 45 ngày rồi ra đi.

Ba năm sau tôi lại có thai, gia đình chồng tôi lo rằng tôi sẽ sinh ra một đứa con tội nghiệp như đứa con đầu nên đã không muốn tôi sinh con ở đó. Tôi ôm cái bụng chửa vượt mặt về làng và sống trong nỗi ê chề vì gia đình lẫn làng xóm không ai biết câu chuyện về những quái thai da cam, không ai biết nỗi đớn đau của tôi sau khi sinh đứa con đầu lòng.

Tôi những muốn chết. Nhưng trời thương tôi, đứa con thứ hai lại trọn vẹn hình hài, đẹp trai, linh lợi. Cháu tên Hưng, là tất cả niềm hi vọng, là điểm tựa của tôi.

Khi con trai được 10 tuổi, nhìn Hưng thui thủi một mình, tôi lấy hết can đảm đi kiếm một đứa con, cũng là để thêm cho Hưng một đứa em, lỡ mai tôi chết anh em có nhau mà nương tựa.

Và bé Kiều đã ra đời như thế, nhưng con gái tôi không có đôi mắt dù gương mặt rất xinh tươi. Khi mới sinh ra, thấy con tôi như vậy mọi người nghĩ là cháu chưa mở mắt, nhưng một tuần sau đó đưa cháu đi chụp phim ở bệnh viện tỉnh mới biết Kiều không có nhãn cầu.

Tôi đã chết đi sống lại ba lần trong tháng nằm cữ. Ám ảnh về đứa con đầu xấu số lại hiện về. Nhưng tôi nghĩ đó là hòn máu của mình, tôi quyết nuôi con dù gian khổ đến đâu. Cuộc sống trôi đi trong khó nghèo và lặng lẽ, Hưng là niềm vui, niềm an ủi, niềm hi vọng cho cả tôi và Kiều!

Rồi khi câu chuyện về gia cảnh của tôi và tấm hình của anh Đoàn Đức Minh xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ, những tấm lòng bạn đọc khắp nơi đã gửi về sẻ chia, động viên, tôi không thấy mấy mẹ con mình đơn độc.

Càng hạnh phúc hơn khi anh Đoàn Đức Minh và phóng viên báo Tuổi Trẻ trở lại thăm tôi sau khi bức ảnh được bán thành công trong đêm hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.

Anh Minh đã trao vào tay mẹ con tôi hai con bò, đó là cả một gia sản lớn. Nhất là Hưng, nó vô cùng vui sướng bởi lâu nay nó chỉ lo mai kia thi vào đại học không có tiền ăn học, nay có đôi bò làm vốn, đẻ ra bê con thì yên tâm bán bò mà đi học. Bao viễn cảnh mở ra trước mắt mẹ con tôi, tràn đầy hi vọng.

Cả Kiều, đứa con bị chất độc da cam của tôi, dù không biết gì nhưng dường như cháu cảm nhận được luồng sinh khí mới đang lan tỏa trong căn nhà nghèo nàn của chúng tôi khi câu chuyện của mấy mẹ con được nhắc đến trên báo Tuổi Trẻ.

Em Ánh, tân sinh viên Cao đẳng Sư phạm Huế, và chị Thúy chăm lo cho em Kiều bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: L.Đ.Dục
Em Ánh, tân sinh viên Cao đẳng Sư phạm Huế, và chị Thúy chăm lo cho em Kiều bị nhiễm chất độc da cam - Ảnh: L.Đ.Dục

Niềm sẻ chia trong cùng tận tuyệt vọng

Nhưng cuộc đời không ai học được chữ ngờ! Và dường như với hai đứa con da cam chưa đủ cho nỗi bất hạnh.

Chỉ hơn hai tháng sau khi mẹ con tôi được “nổi tiếng”, được nhận hai con bò làm sinh kế thì ông trời lại cướp đi niềm hi vọng duy nhất của tôi. Hưng - đứa con trai lành lặn, thông minh, hiếu thảo của tôi - đã chết vì tai nạn giao thông trên đường đi học về, hôm đó là ngày 7-12-2004.

Con trai tôi chỉ mới học tới lớp 10. Lá thư tôi bảo cháu viết cảm ơn báo Tuổi Trẻ và anh Đoàn Đức Minh vẫn còn viết dang dở để trên bàn học.

Tôi như hóa điên. Tôi trắng tay. Tôi tuyệt vọng. Và nỗi đau tận cùng ấy của tôi khi được kể trên báo Tuổi Trẻ, lại một lần nữa được những người không quen biết khắp nơi gọi điện, viết thư chia sẻ, động viên tôi sống. Tôi lại gượng đứng lên, vì vẫn còn Kiều đang nằm đó, tôi không thể chết!

Hoàng, đứa bạn thân của Hưng, trở thành con nuôi của tôi, nhìn cháu tôi như thấy Hưng. Mấy năm sau, tôi đưa Hoàng vào Sài Gòn thi đại học, chính những anh em phóng viên báo Tuổi Trẻ đã giúp đỡ rất nhiều. Rồi khi Hoàng đậu đại học, cháu được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ. Tôi lại thêm một lần nặng ơn với tờ báo.

Không chỉ có thế, khi em gái ruột của tôi mất đi, bé Ánh, con gái của em tôi, lại về sống cùng với tôi. Dù cực khổ tôi vẫn ráng cho Ánh đi học, năm học 2013 cháu đậu vào Cao đẳng Sư phạm Huế. Cầm giấy báo nhập học kèm theo một dãy con số ghi số tiền phải nộp, hai dì cháu tôi lại... ôm nhau khóc!

Rồi sau đó Ánh lại bảo như đùa: “Hay dì để con kiếm một mảnh vải đề mấy chữ “Cho cháu xin học phí” rồi ra đường treo lên, ngồi đấy, thế nào cũng có người cho chứ?”.

Nhưng Ánh chưa kịp làm vậy, bởi giữa lúc gian nan ấy tôi sực nhớ ra và bảo Ánh: “Con viết đơn gửi báo Tuổi Trẻ đi”, thế rồi Ánh đã được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo vào năm 2013.

Vậy là dù Hưng mất đi nhưng những niềm hi vọng còn lại của tôi - đứa con nuôi và đứa cháu ruột - đã được Tuổi Trẻ chìa tay nâng đỡ lúc gian nan nhất!

Mong được sẻ chia cho những số phận khác

Bây giờ tài sản của tôi chẳng có gì ngoài mảnh vườn nhỏ và mấy chục gốc hồ tiêu, mấy con bò anh Đoàn Đức Minh cho cũng vẫn còn. Tôi đã có ý nghĩ là vài năm nữa tôi sẽ viết di chúc để lại, rằng chút tài sản nhỏ nhoi này nếu được, cho tôi xin tặng lại báo Tuổi Trẻ để báo làm từ thiện.

Gia đình bất hạnh của tôi đã nhận được của Tuổi Trẻ quá nhiều, cả những lúc hạnh phúc nhất hay những lúc cùng cực tuyệt vọng nhất, vậy thì chút tình cảm và vật chất nhỏ nhoi của tôi, mai đây tôi xin được gửi lại cho báo Tuổi Trẻ để sẻ chia cho bao nhiêu số phận đau khổ khác, như tôi đã từng.

* Mời xem thể lệ chi tiết tại đây.

TRƯƠNG THỊ THÚY (Quảng Trị)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên