24/12/2014 15:25 GMT+7

​Làng sách năm qua: buồn ơi là sầu

TAM HỮU
TAM HỮU

TTO - Buồn ơi là sầu, câu nói của bọn nhóc trong cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sầu ơi là buồn, thật đúng với chuyện làng sách năm 2014

Buồn chứ, khi hàng loạt sách dành cho thiếu nhi có những nội dung quá ư phản cảm.

Những cuốn sách "buồn ơi là sầu"

Đầu tiên phải kể đến cuốn sách từng gây ồn ào dư luận năm 2006 không hiểu bằng cách nào và tại sao đến năm 2014 tiếp tục làm nóng dư luận là Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh. Và với nội dung giải thích trong từ điển này kiểu như buồn cười = buồn mà cười, người đọc đọc xong chỉ còn cách cười mà buồn, trong đó buồn nhất là sự lỏng lẻo trong khâu biên tập, quản lý. Đi kèm với nỗi lo, con em dùng sách kiểu như thế này thì kiến thức sẽ lệch lạc đến cỡ nào.

Ngày 14-11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đề nghị Sở TT&TT các tỉnh, thành thu hồi 8 cuốn từ điển bị NXB Đồng Nai thu hồi, trong đó có những cuốn bị thu hồi vì sai nội dung được duyệt như Từ điển tiếng Việt - Giải nghĩa từ ngữ và mở rộng vốn từ dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 (tác giả Khắc Trí - Trọng Tấn); Từ điển tiếng Việt - Giải nghĩa từ ngữ và mở rộng vốn từ dành cho học sinh lớp 4 (tác giả Khắc Trí - Trọng Tấn); Từ điển tiếng Việt - Giải nghĩa từ ngữ và mở rộng vốn từ dành cho học sinh lớp 5 (tác giả Khắc Trí - Trọng Tấn).

Nào đã hết, nhiều cuốn sách trang bị kiến thức khác cũng có nội dung tệ không kém. Như Hỏi - đáp nhanh trí (NXB Văn hóa thông tin) cung cấp cho trẻ những câu hỏi - đáp có nội dung rất nhảm nhí. (Tuổi Trẻ ngày 24-11 đã có bài viết phản ánh Tràn lan sách nhảm cho trẻ em).

Sách cung cấp kiến thức có nội dung đáng buồn là thế, sách có nội dung để bồi bổ tâm hồn các em có nội dung sầu không kém. Cũng trong bài viết Tràn lan sách nhảm cho trẻ em, loạt sách khác như 99 truyện kể cho bé (NXB Đồng Nai), Truyện tranh cổ tích Việt Nam chọn lọc (NXB Thanh Niên) có nội dung và hình ảnh kinh dị, bạo lực.

Kể cũng nên nhắc đến một cuốn sách dành cho thiếu nhi là Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú (NXB Văn hóa Thông tin) lại có những chi tiết nội dung gợi dục, và dư luận chỉ còn nước thảng thốt la trời (tháng 8-2014).

Một năm trước đây, vào tháng 3-2013, bạn đọc Tuổi Trẻ đã phải thốt lên “Không thể làm sách thiếu nhi chỉ để kinh doanh” sau khi đọc những bài viết trên Tuổi Trẻ phản ánh câu chuyện nhiều cuốn sách thiếu nhi cẩu thả, thiếu trách nhiệm đang được lưu hành trên thị trường. Một năm đã qua, những nhà làm sách nghĩ gì khi người đọc vẫn phải biết rồi, khổ lắm, nói lại.

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là những sai phạm trong xuất bản. Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện nhiều sách lỗi, nội dung lệch lạc, không được kiểm soát về mặt nội dung, hình thức khi đưa ra thị trường với hàng ngàn, thậm chí hàng vạn bản.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề xã hội mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tiếp theo cũng như nền văn hóa của một dân tộc. Vì thế, rất mong các cơ quan quản lý có những biện pháp, giải pháp căn cơ để chấn chỉnh hoạt động xuất bản. Đó cũng là trách nhiệm và phận sự của thế hệ đi trước đối với các thế hệ mai sau.    

Ý kiến của bạn đọc 
Hồng Dân AG ở bài viết Giải trí năm 2014: bạn quan tâm gì? 

Sách dành cho trẻ em… buồn ơi là sầu, còn sách dành cho người lớn lại “cười ra nước mắt”.

Tháng 11-2014, bạn đọc cười như mếu khi nhìn bìa 1 của cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 của NXB Lao động xã hội là hình ảnh diễn viên Công Lý ghép với cái quần nhỏ, hay bìa 1 của cuốn Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 cũng của NXB này lại in hình “cán cân công lý với một bên đĩa cân đựng chiếc đồng hồ, và đĩa cân còn lại đựng vốc tiền”.

Cũng vì hình ảnh minh họa, tháng 12-2014, người đọc chắc không kìm được tiếng thở dài khi cầm trên tay cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc (NXB Văn hóa Thông tin) với những bức tranh minh họa các vị tướng vẽ theo phong cách manga Nhật Bản hay phong cách kiếm hiệp trong game online.

Dĩ nhiên, những cuốn sách kể trên đều đã được cơ quan chức năng đình chỉ phát hành, yêu cầu thu hồi (nhưng thu hồi có hết không lại là chuyện khác). Đơn vị cấp giấy phép/xuất bản cũng đã bị phạt tiền, thậm chí có NXB như NXB Văn hóa Thông tin còn bị đề nghị tạm dừng hoạt động.

Nhưng câu hỏi của người đọc vẫn sẽ là: liệu những chuyện kể trên có còn tiếp diễn trong năm 2015, khi các đơn vị làm sách vẫn còn kiểu làm sách vì lợi nhuận mà bất chấp mọi thứ.

Giảm giá sách và người đọc hưởng lợi

Điểm sáng của làng sách năm qua là việc tổ chức thành công hai hội sách: hội sách TP.HCM lần 8 diễn ra trong tháng 3-2014 và hội sách Hà Nội diễn ra vào tháng 8-2014 với hàng triệu bản sách bán ra… và như mọi hội sách: giảm giá luôn là điều khiến người đọc làm siêng trẩy hội mua sách.

Ngoài ra cũng phải kể đến Ðại hội sách cũ Hà Nội 2014 diễn ra trong hai ngày 29 và 30-11, và hàng loạt đợt triển lãm và bán sách giảm giá khác cũng thu hút rất đông bạn trẻ.

Cũng chuyện bán sách, năm 2014 còn đáng chú ý với câu chuyện cuộc chiến giảm giá sách giữa hai nhà sách trực tuyến là Tiki và Vinabook với ấn phẩm Chúc một ngày tốt lành (Nguyễn Nhật Ánh - NXB Trẻ ấn hành tháng 3-2014).

So với năm 2013, các buổi giao lưu tác giả, giới thiệu sách được tổ chức nhiều hơn, và những cái tên thu hút người dự khán thuộc về những tác giả viết cho giới trẻ như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Gào…

Với cá nhân bạn, những câu chuyện, sự kiện nào trong năm 2014 khiến bạn quan tâm? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.
TAM HỮU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên