01/10/2014 09:00 GMT+7

​Quả ngọt của những tin nóng

ĐỖ QUYÊN
ĐỖ QUYÊN

TT - Cũng như nhiều bạn đọc báo tin nóng cho báo Tuổi Trẻ, ba bạn đọc nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2014” đã có niềm vui khi tin báo của mình mang lại những kết quả tốt, bảo vệ được những người yếu thế.

Như câu chuyện “Kiếm tiền trên thân xác người lao động” (Tuổi Trẻ ngày 13-8) đã đem đến nhiều cảnh báo cho những thanh niên chân ướt chân ráo từ quê lên thị thành, thì câu chuyện “Người trồng thanh long choáng với “ông điện”” (Tuổi Trẻ ngày 17-8) giúp nông dân lấy lại được khoản tiền đóng góp không hợp lý...

Câu chuyện từ 1 ly nước mía

Kể về cơ duyên báo tin cho bài viết “Kiếm tiền trên thân xác người lao động”, chị Đ. (TP.HCM) vẫn còn nguyên những cảm xúc như ban đầu: “Sáng 2-8, tôi đang phụ bán quán nước mía thì có một nhóm thanh niên hơn chục người mang giỏ, ăn mặc như người ở quê đến ngồi mà chỉ kêu duy nhất một ly nước mía.

Tôi hỏi: “Sao cả chục người mà uống có một ly nước?” thì được biết họ vừa thoát khỏi những ngày làm bốc xếp nặng nhọc, đói khát, không lương... trong Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương).

Tôi nghĩ đến các bài báo Tuổi Trẻ từng điều tra về nạn bóc lột lao động nhà quê nên gọi ngay cho đường dây nóng Tuổi Trẻ để báo tiếp tục lên tiếng về tình trạng này. Khi nghe tôi hứa hẹn sẽ nhờ phóng viên viết bài và giúp họ tiền xe về quê, họ không tin vì thấy tôi có vẻ không có tiền. 

Thậm chí tôi mua chè cho ăn họ cũng không dám đụng đến vì nghĩ tôi có ý đồ”.

“Thuyết phục mãi cuối cùng có hai người chịu theo tôi đi gặp phóng viên. Nhưng vì các tay “cò” lao động cứ chạy lòng vòng quanh đó nên để bảo vệ an toàn cho họ và cả tôi, tôi kêu taxi đưa họ lên gặp phóng viên tại tòa soạn” - chị Đ. kể.

Và với tính hào sảng vốn có, chị Đ. không những cho tiền để hai bạn trẻ kia mua vé xe về quê mà còn tặng luôn số tiền báo Tuổi Trẻ đã gửi chị để hỗ trợ tiền taxi.

Hỏi chị thu nhập của người phụ quán như thế (khoảng 3 triệu đồng/tháng) mà giúp người ta ngần ấy thì có bị gia đình phiền hà là làm chuyện “bao đồng” không, chị rươm rướm nước mắt: “Trước đây tôi cũng có cuộc sống rất khổ cực nên giờ tuy không có nhiều tiền nhưng tôi luôn giúp người khác trong khả năng của mình. Tôi giúp người quen rồi và cứ thấy chuyện gì trái tai gai mắt là tôi lại lên tiếng”.

Khi thông tin chị báo được đăng lên cũng là lúc hai thanh niên kia đã về lại nhà, ổn định cuộc sống. Chị Đ. vui vẻ cho hay các bạn ấy lâu lâu cũng gọi hỏi thăm chị và còn rủ về quê họ chơi nữa. Âu đó cũng là quả ngọt sau những việc làm đầy nghĩa hiệp của người phụ nữ mạnh mẽ này.

Nông dân đã được bảo vệ

Bạn đọc X., người báo tin vụ “Người trồng thanh long choáng với “ông điện”, chia sẻ đã báo tin cho Tuổi Trẻ vì bức xúc với việc Điện lực Bình Thuận thông báo những hộ dân trồng thanh long có sử dụng máy biến áp phải làm hợp đồng thí nghiệm bảo dưỡng định kỳ với Công ty Quốc Hùng (xã Phong Nẫm, Phan Thiết) và đóng 3 triệu đồng, lấy biên lai nộp tiền đưa cho điện lực thì mới được mở điện.

“Tính sơ sơ tổng số nông dân trồng thanh long trên địa bàn Bình Thuận là 24.000 hộ, mỗi hộ đóng 3 triệu đồng thì con số này quả thật là con số khủng” - bạn đọc X. bày tỏ.

tin này lập tức được phóng viên Tuổi Trẻ tiếp cận và ngay ngày hôm sau đã phản ánh trên mặt báo. Kết quả là ngày 28-8 Công ty Quốc Hùng đã hoàn trả tiền cho những hộ dân trồng thanh long.

“Có thể nói bài báo này đã làm lợi cho nông dân hàng tỉ đồng” - bạn đọc X. vui mừng nói.

Với bạn đọc Nguyễn Tấn Lợi (Bình Dương) khi báo tin vụ “Đôi nam nữ chết trong ôtô với nhiều vết đạn” (Tuổi Trẻ ngày 16-8) đã đặt niềm tin: “Tôi mong muốn Tuổi Trẻ theo đuổi vụ này để cung cấp cho bạn đọc chính xác nguyên nhân cái chết của hai người”.

Anh Tấn Lợi kể mình đã có cơ duyên với Tuổi Trẻ từ 16 năm trước, khi người em gái bị chết trong một vụ án thương tâm và ba của anh đã gửi thư đến báo Tuổi Trẻ nhờ giúp đỡ.

“Sáng hôm đó tôi đi uống cà phê cùng mấy người bạn gần nhà hàng Phương Nam. Nghe tiếng xôn xao của nhiều người cộng với tiếng còi xe cảnh sát gần đó, tôi để ý đến xem thì thấy tại hiện trường chiếc Fortuner có nhiều vết đạn và đôi nam nữ chết trong xe, công an đã phong tỏa hiện trường. Tôi đọc nhiều báo, cả báo mạng, nhưng gọi ngay cho Tuổi Trẻ vì tin tưởng báo sẽ làm sáng tỏ câu chuyện này” - bạn đọc Tấn Lợi bày tỏ.

Viết báo để truyền thông điệp tư vấn

Bạn đọc Lê Thúy Bảo Nhi - Ảnh: G.Tiến
Bạn đọc Lê Thúy Bảo Nhi - Ảnh: G.Tiến

Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 8-2014” cũng trao đến tác giả Lê Thúy Bảo Nhi của bài viết “Hãy khóc đi, con trai” (TTCT số 30 ngày 10-8).

Bài viết này nhận được nhiều phản hồi tích cực, thu hút những câu chuyện từ các phụ huynh khác trước việc “cho” hay “cấm” yêu đối với con trẻ, đã mở màn cho loạt câu chuyện mối tình đầu của lứa tuổi chớm yêu kéo dài đến đầu tháng 9-2014 vẫn còn sôi động.

Là giáo viên dạy văn cấp III, sau đó chuyển sang làm tư vấn học đường ở trường tại quận Thủ Đức, TP.HCM rồi chuyển sang viết báo, chị Nhi nhận xét: “Mảng tư vấn tâm lý cho phụ huynh và học sinh ở lứa tuổi học đường hiện nay quá yếu. Điều đó khiến nhiều phụ huynh trở nên lúng túng với những biến đổi tâm sinh lý của con mình, đôi khi có những ứng xử thiếu tâm lý khiến khoảng cách cha mẹ và con cái ngày càng xa.

Vì thế, tôi viết bài “Hãy khóc đi, con trai” - câu chuyện có thật từ chính ông bạn bác sĩ của mình để các bậc phụ huynh có thể thay đổi quan niệm về yêu đương của con trẻ và điều chỉnh hành vi, tôn trọng những rung động đầu đời đó”.

Chị Nhi cũng kể đã có may mắn khi được học hỏi, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm với thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh (nhà công tác xã hội nổi tiếng, mất năm 2009 - PV).

Chị Nhi khoe chính cô Oanh là người đã hướng chị đi theo con đường viết lách, vì theo cô Oanh sức mạnh truyền thông rất lớn, phải viết báo, phải đăng bài thì mới truyền tải thông điệp đến nhiều gia đình, nhiều thanh thiếu niên.

 

ĐỖ QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên