29/12/2023 05:25 GMT+7

Tin tức sáng 29-12: Công ty nhà bà Phương Hằng nhận phạt 85 triệu đồng

Một số tin tức đáng chú ý: VssID lọt top 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước có số người sử dụng lớn nhất; Đại gia bất động sản ‘cạn’ tiền vì trả nợ; TP.HCM thu hồi giấy phép kinh doanh của 2 nhà xe Rạng Đông và Hoàn Hảo...

Ứng dụng VssID tích hợp VneID của Bộ Công an - Ảnh: NAM TRẦN

Ứng dụng VssID tích hợp VNeID của Bộ Công an - Ảnh: NAM TRẦN

VssID lọt top 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước có số người sử dụng lớn nhất

Tin tức từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết khoảng 35 triệu người đăng ký, sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) để thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy VssID là một trong 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn bên cạnh VNeID của Bộ Công an và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn.

Thông qua VssID, người dùng có thể theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, lịch sử nhận chế độ, chính sách hoặc kiểm tra doanh nghiệp có đóng đủ bảo hiểm xã hội hằng tháng, tránh việc chậm, trốn đóng.

Trước đó từ ngày 19-10, ngành bảo hiểm xã hội và công an đã kết nối, tích hợp VssID với tài khoản định danh điện tử VNeID. Qua đó, người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có thể sử dụng VNeID đã liên kết với VssID.

VssID cũng tích hợp tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cho người dùng sử dụng các thứ tiếng này. Để tìm mật khẩu VssID, Bảo hiểm xã hội đã thí điểm trợ lý ảo thông minh và Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900.9068.

Hết tháng 11-2023, cả nước có trên 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó số người tham gia tự nguyện là trên 1,5 triệu người, tăng gần 9% so với cùng kỳ 2022.

Vi phạm công bố thông tin, Công ty nhà bà Phương Hằng nhận phạt

Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đại Nam.

Doanh nghiệp này bị phạt 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty Đại Nam đã không công bố thông tin định kỳ với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội các tài liệu như báo cáo tài chính năm 2021; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 2021. Quyết định xử phạt có hiệu lực từ ngày 27-12-2023.

Được biết, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng làm tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đại Nam.

Cùng ngày 27-12, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty cổ phần Armephaco có trụ sở tại Hà Nội.

Theo đó, công ty này bị phạt 92,5 triệu đồng do không công bố một loạt báo cáo như báo cáo thường niên năm 2021; báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 3, 4-2021; báo cáo tài chính riêng quý 1-2022, báo cáo thường niên năm 2022; báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2022…

Huy động thành công gần 298.500 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2023

Năm 2023, Kho bạc Nhà nước cho biết đã huy động thành công 298.476 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, đạt 74,6% kế hoạch năm 2023.

Khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách trung ương, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Toàn bộ trái phiếu Chính phủ được đấu thầu phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Kỳ hạn phát hành đa dạng, tập trung từ 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn, góp phần cơ cấu lại nợ công an toàn, bền vững.

Cụ thể, kỳ hạn phát hành bình quân là 12,58 năm, đảm bảo mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân 9-11 năm do Quốc hội đề ra.

Qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ ở mức trên 9 năm, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn của ngân sách trung ương.

Lãi suất phát hành bình quân là 3,21%/năm, phù hợp với tình hình thị trường và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xe buýt, đường sắt đô thị Hà Nội phục vụ xuyên Tết dương lịch 2024

Tin tức từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) cho biết đã xây dựng thời gian hoạt động và lịch chạy xe trong dịp nghỉ Tết dương lịch năm 2024.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: PHẠM TUẤN

Cụ thể, ngày 30-12-2023 và ngày 1-1-2024 có lịch chạy xe giống nhau.

Thời gian mở bến từ 4h45, đóng bến 22h35, tần suất chạy xe 5-20 phút/lượt tùy từng tuyến. Riêng ngày 31-12-2023, tần suất chạy xe 10 - 15 - 20 phút/lượt.

Tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông mở bến từ 5h30, đóng bến lúc 22h, tần suất 10 phút/lượt.

HPTC dự kiến dự phòng tăng cường là 47 xe với 96 lượt trên 29 tuyến để tăng cường giải tỏa hành khách khi nhu cầu tăng cao.

Trong đó, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đảm trách tăng cường trên 16 tuyến (tuyến buýt số 01, 02, 03A, 04, 06A, 10A, 11, 16, 17, 20B, 28, 29, 32, 54, 103 và tuyến buýt nhanh BRT01)...

Các đại gia bất động sản "cạn" tiền vì trả nợ

Tin tức từ báo cáo triển vọng ngành bất động sản nhà ở 2024, đội ngũ phân tích Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong bối cảnh thị trường khó khăn, phần lớn doanh nghiệp lựa chọn chiến lược phòng thủ.

Thị trường bất động sản đang rất thiếu sản phẩm cho người có thu nhập thấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường bất động sản đang rất thiếu sản phẩm cho người có thu nhập thấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tạm dừng/giãn tiến độ đầu tư dự án, đặc biệt các dự án quy mô lớn, yêu cầu mức đầu tư cao và điều kiện thị trường thuận lợi để hấp thụ nguồn hàng lớn.

Thay vào đó, họ ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý các khoản nợ vay trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả việc mua lại trước hạn các lô trái phiếu.

Tuy nhiên, việc thanh toán và đẩy mạnh mua lại trước hạn các lô trái phiếu đã tiêu tốn đáng kể nguồn tiền mặt của các doanh nghiệp. Do vậy, sẽ không còn nhiều nguồn lực cho phát triển dự án, theo quan sát của VCBS.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác về dòng tiền khi bán hàng gần như đình trệ từ nửa cuối năm 2022.

Chưa kể, chính quyền các địa phương tăng cường rà soát pháp lý đối với các dự án và xử lý các vi phạm liên quan đến bán hàng khi dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh. Thêm nữa, tiến độ triển khai các dự án đình trệ do nguồn vốn bị thắt chặt đột ngột.

Trước bối cảnh nêu trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh suy giảm nguồn lực tài chính và uy tín trong việc huy động trên thị trường vốn.

Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực tái khởi động các dự án khi thị trường hồi phục. Trong khi áp lực thanh toán nghĩa vụ trái phiếu vẫn cao trong năm 2024, VCBS cho biết.

Sẽ tháo dỡ cầu Long Kiểng cũ, huyện Nhà Bè vào năm 2024

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết cầu Long Kiểng mới đã được khánh thành từ tháng 9-2023 phục vụ người dân.

Cầu Long Kiểng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cầu Long Kiểng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tuy nhiên cầu Long Kiểng cũ tới nay vẫn chưa thể di dời, nhiều người dân vẫn đi lại trên cầu cũ, xuống cấp rất nguy hiểm. Theo Ban Giao thông, hiện đường ống nước sinh hoạt ở khu vực vẫn đi qua cầu cũ nên tạm thời chưa thể di dời cầu sắt này được.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và đường thủy, các đơn vị đã phân luồng giao thông cho phương tiện qua cầu Long Kiểng mới. Đồng thời phối hợp một số đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để di dời cầu Long Kiểng cũ vào năm 2024.

Ban Giao thông lưu ý người dân có lộ trình đi lại nên chú ý tránh ảnh hưởng đến an toàn chung.

TP.HCM thu hồi giấy phép kinh doanh của 2 nhà xe Rạng Đông và Hoàn Hảo

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn đối với 2 nhà xe Rạng Đông và Hoàn Hảo. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26-12.

Lý do thu hồi bởi các đơn vị này không hoạt động kinh doanh vận tải trong thời hạn 6 tháng (từ khi được cấp giấy phép) hoặc ngừng kinh doanh vận tải 6 tháng liên tục.

Sở yêu cầu 2 nhà xe này nộp lại giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu phương tiện trong thời hạn 7 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực.

Trước đó, Công ty Rạng Đông đăng ký hoạt động xe taxi với 4 xe, còn Hợp tác xã Hoàn Hảo đăng ký gần 600 xe, hầu hết hoạt động loại hình xe hợp đồng.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng kiểm tra hoạt động của Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thiên Ý. Hợp tác xã này có nhiều vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô.

Đáng chú ý là 6 trường hợp khi trích xuất dữ liệu vi phạm tốc độ 5 lần trở lên; không truy cập vào trang thông tin điện tử của nhà cung cấp giám sát hình ảnh qua camera; người lái thường xuyên vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ theo quy định.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 29-12. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 29-12. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay 29-12

Tin tức thời tiết hôm nay 29-12

Hồng treo gió - Ảnh: CAO THỊ THANH HÀ

Hồng treo gió - Ảnh: CAO THỊ THANH HÀ

Tin tức sáng 28-12: Đã có vắc xin 5 trong 1 giảm cơn khát; 125 tỉ USD xuất siêu sang Âu - MỹTin tức sáng 28-12: Đã có vắc xin 5 trong 1 giảm cơn khát; 125 tỉ USD xuất siêu sang Âu - Mỹ

Tin tức đáng chú ý: Đã có vắc xin 5 trong 1 giảm cơn khát; 'Ông lớn' phân bón bất ngờ hạ lợi nhuận về dưới nghìn tỉ đồng; Việt Nam xuất siêu 125 tỉ USD sang thị trường Âu - Mỹ; Ngành giao thông kỷ luật 2 người đứng đầu...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên