20/08/2018 15:17 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Đi qua biến cố cuộc đời

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Không còn oán trách số phận, những bác sĩ tắc trách đã khiến cô mất đi chân phải, giờ đây cô đã bước qua một cột mốc khác của cuộc đời - trở thành tân sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM.

Tiếp sức đến trường: Đi qua biến cố cuộc đời - Ảnh 1.

Chưa đến ngày nhập học nhưng Hà Vi đã nhờ anh chị khóa trên giới thiệu tài liệu luật cần cho sinh viên năm nhất - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cô là Lê Thị Hà Vi - nữ sinh Đắk Lắk bị cưa chân từng là tâm điểm của dư luận vào năm 2016.

Với Vi, đó là một biến cố. Hành trình đi qua biến cố là những tháng ngày đương đầu với muôn vàn khó khăn mà Vi tự nhận là hành trình không gục ngã. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn của cô gái vừa mới bước sang tuổi 18 này, đi qua biến cố đó là một điều không hề dễ dàng...

Chỉ mong đừng bao giờ có lần sau với bất kỳ ai, đừng bao giờ để xảy ra một điều hối tiếc như vậy nữa

LÊ THỊ HÀ VI

Ngày đen tối

Đó là ngày 6-3-2016. Vi nhớ như in bởi đây là ngày khởi đầu của bi kịch cuộc đời. Khoảng 11h30, cô bị tai nạn văng xuống mương. 

Người gây ra tai nạn bỏ đi mất hút. Cô được mọi người phát hiện và đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Đây cũng là nơi bắt đầu những tháng ngày đau khổ của nữ sinh tuổi 16. 

Vào viện, bác sĩ bó bột với chẩn đoán vỡ mâm chày xương cẳng chân phải. Chân Vi đau nhức dữ dội. Cô xin tháo bột nhưng bác sĩ không chấp thuận. Quá sức chịu đựng, Vi phải năn nỉ mẹ lấy dao rạch một đoạn bột ở bắp chân. 

"Mẹ không dám rạch nhiều vì vẫn tin bác sĩ có chuyên môn" - Vi nói.

Đến ngày 8-3, trước phản ứng của gia đình, bác sĩ mới chịu tháo bột. Cẳng chân Vi đã sưng tấy, phỏng nước nhiều chỗ. Gia đình lần nữa xin chuyển viện nhưng vẫn bị khước từ. 

Ông Lê Văn Long, cha Vi, nói thấy chân con sau khi tháo bột, người bình thường đã đoán được hoại tử, nhưng bác sĩ vẫn khẳng định "bị dị ứng thạch cao". Mãi đến ngày 11-3, Vi mới được chuyển lên bệnh viện tỉnh nhưng đã muộn màng. Các bác sĩ chẩn đoán chân Vi đã hoại tử.

Ngay trong buổi chiều, Vi được chuyển viện tốc hành từ Buôn Ma Thuột đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Đó là lần đầu tiên nữ sinh này được đi Sài Gòn, nhưng lại lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. 

Mọi thông tin xấu về bệnh tình của Vi đều được giấu kín. 

Không ai hé với Vi nửa lời nhưng nhìn khuôn mặt thất thần của cha, giọt nước mắt của mẹ cộng với tiếng còi cấp cứu liên hồi hối hả chở cô đi qua đèo dốc trập trùng xuôi về thành phố, Vi đã mường tượng điều tồi tệ. Bác sĩ nói Vi phải giữ tính mạng, không thể giữ chân.

3h sáng 13-3, Vi được đưa ra khỏi phòng mổ, hai tay trói chặt, cơ thể phủ tấm vải trắng. Nửa tỉnh nửa mê, cô lấy hết sức rướn chân trái choàng qua chân phải. Bàng hoàng. Đó là sự thật mà cô buộc lòng chấp nhận. 

16 tuổi, Vi vĩnh viễn mất đi chân phải. Từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Vi được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tiếp tục điều trị.

Cô đã đi qua 4 bệnh viện từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương và trở về nhà sau gần một tháng rưỡi rơi vào biến cố. Khi đi hai chân, khi về một chân...

Tiếp sức đến trường: Đi qua biến cố cuộc đời - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Long và con gái Hà Vi trong ngày đến TP.HCM thuê trọ để con vào năm học mới - Ảnh: N.HIỂN

Cô gái nhảy lò cò

Trong căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu vườn hồ tiêu, Vi nhảy lò cò tới lui như trẻ con chơi trò chơi dân gian. Nhưng Vi không còn bé, bây giờ đã là thiếu nữ tuổi 18 xinh xắn và đây cũng không còn là trò chơi. Đây là cuộc đời. Nhảy lò cò là cách di chuyển Vi thấy thoải mái nhất.

Từ ngày rơi vào biến cố, Vi phải đi xe lăn, nạng gỗ, chân giả và nhảy lò cò. Có lần vì dồn lực cho những cú nhảy mà cô giẫm phải miểng chai ứa máu đau điếng. Cũng có lần Vi thốt lên với mẹ: "Mẹ ơi, con có cảm giác ngón út chân phải con đang giật". 

Câu nói đó càng khiến người mẹ thêm đau xót. Vi rơi vào hội chứng "chi ma" của người mới đoạn chi. Với một cô gái từng nằm trong đội bóng đá nữ của trường, thực tế này không dễ dàng chấp nhận. 

Những ngày đầu mang chân giả, cô đi tập tễnh như đứa trẻ chập chững. Ngay lúc đó, Vi biết mình vẫn còn may mắn. "Nhiều người còn không có chân để đi và cũng nhiều người có đầy đủ hai chân nhưng vẫn không thể bước đi" - Vi nói.

Tới bây giờ, hai năm sau biến cố cuộc đời, Vi nói rằng: "Tôi không còn trách móc". Vi tin bác sĩ không bao giờ muốn mình bị như thế, ai cũng có những sai sót trong cuộc đời. Nhưng thẳm sâu trong lòng, Vi vẫn có chút lợn cợn buồn. 

Vị bác sĩ được giao nhiệm vụ chính điều trị cho Vi vẫn chưa một lần gặp mặt, chưa một lời xin lỗi kể từ ngày cô rời khỏi bệnh viện đó. 

"Chỉ mong đừng bao giờ có lần sau với bất kỳ ai, đừng bao giờ để xảy ra một điều hối tiếc như vậy nữa" - Vi nói. 

Còn cha Vi nói nếu bác sĩ có chuyên môn hơn, có lẽ mọi chuyện đã khác. Nhưng ông cam chịu. Có oán trách cũng không lấy lại được chân cho con. Gia đình quyết định xin bệnh viện hạ hình phạt để họ "tự rút kinh nghiệm".

Tiếp sức đến trường: Đi qua biến cố cuộc đời - Ảnh 4.

Lê Thị Hà Vi bây giờ đã không còn oán trách số phận - Ảnh: N.H.

Không đầu hàng nghịch cảnh

Vi có một nguyên tắc: không bao giờ khóc ở nhà. Nếu khóc, cha mẹ bắt gặp sẽ buồn, bệnh tình của mẹ sẽ nặng thêm. Nhưng nếu ở một mình, Vi sẽ khóc để vơi đi những nỗi sầu trong lòng mình. 

Trường THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột), nơi Vi được nhận vào học nội trú miễn phí, là nơi để Vi khóc, Vi cười và là nơi để cô nỗ lực trở lại "đường đua". 

Vi không đặt nặng bản thân, cũng không thái quá vấn đề và bỏ ngoài tai dư luận để đến trường. "Nếu mình tìm đến cái chết, những người còn sống sẽ sống sao?" - Vi tự hỏi. 

Chính cô phải tự động viên bản thân suy nghĩ tích cực, làm điều có ích cho cha mẹ và những người kỳ vọng vào cô yên lòng. Điều đó chính là lao vào học tập.

Mỗi ngày, Vi học đến 11h, 12h đêm, có hôm đến 3h sáng. Và những trái ngọt đã đến. Tròn một năm sau ngày bị tai nạn, Vi đã giành huy chương bạc môn địa lý trong kỳ thi Olympic của tỉnh. 

Hơn một năm sau đó, Vi tiếp tục chạm tay đến cánh cửa ước mơ của đời mình là đậu vào Trường ĐH Luật TP.HCM - cũng là món quà lớn nhất mà Vi muốn dành cho cha mẹ và cũng để minh chứng một điều: Vi không đầu hàng nghịch cảnh. 

Dù từng được bộ trưởng Bộ Y tế hứa hẹn sẽ sắp xếp công việc trong ngành y nhưng Vi vẫn chọn ngành luật, bởi đó là niềm đam mê của cô.

Ngồi trước hiên nhà trong cơn mưa tầm tã của Tây Nguyên giữa tháng 8, Vi ước rằng mọi thứ đã qua là một giấc mơ. Cô ước rằng đôi chân vẫn lành lặn. Nhưng thực tế không thể thay đổi, cô phải quên đi nỗi đau mà bước tiếp. 

Trên chuyến xe trở lại Sài Gòn ngày nhập học, Vi nói rằng cuộc đời ai cũng có những biến cố. Với Vi, cách duy nhất để đi qua biến cố là không gục ngã. Cô chọn cho mình hai điểm tựa tinh thần. 

Đó là nghị lực của Nick Vujicic (người không có tứ chi) và chị Nguyễn Hướng Dương (giám đốc Thư viện Sách nói dành cho người mù). 

Điều đó khiến Vi lạc quan hơn. Nhưng cũng có lúc Vi sợ. Cô sợ lắm một ngày bản thân sẽ không được lạc quan như bây giờ. Cô sợ cuộc đời gieo thêm cho cô những biến cố.

Nhưng dù thế nào đi nữa, khi đã đi qua lằn ranh giữa sự tuyệt vọng và lạc quan, Vi tin rằng phía trước cô vẫn là ánh sáng của bầu trời!

Tiếp sức lắp chân giả cho nữ sinh bị cưa chân Tiếp sức lắp chân giả cho nữ sinh bị cưa chân Gia đình nữ sinh bị cưa chân đòi bệnh viện bồi thường Gia đình nữ sinh bị cưa chân đòi bệnh viện bồi thường Bệnh viện  tắc trách, nữ sinh lớp 10 bị cưa chân Bệnh viện tắc trách, nữ sinh lớp 10 bị cưa chân
NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên