14/10/2018 09:05 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Cẩm Tú và những bài toán cuộc đời

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Nhà Tú thuộc diện đặc biệt khó khăn, em không biết ai là người ruột thịt. Vậy nhưng chưa khi nào thấy em mặc cảm hay tỏ ra vướng bận điều gì. Lúc nào em cũng rất nhiệt tình với tất cả, bạn bè và thầy cô.

Nhỏ nhắn và rạng rỡ giữa làng đại học, cô tân sinh viên mới nhập trường hồ hởi đón xe đến trường thật sớm. Tan học, cô quay lại ký túc xá cũng thật sớm và tất tả đến một quán nước. Cô mới xin được một vị trí phục vụ ở đây. "Cứ có việc làm là em ổn" - cô cười...

Tiếp sức đến trường: Cẩm Tú và những bài toán cuộc đời - Ảnh 1.

Cẩm Tú (bìa trái) và cuộc sống mới trong môi trường đại học - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là hình ảnh của Thái Thị Cẩm Tú, tân sinh viên khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Tú đam mê môn văn. Có lẽ hoàn cảnh đặc biệt cho em nhiều cảm nhận và trải nghiệm hơn các bạn cùng tuổi. Các bài viết của Tú đều mang những cảm xúc đặc biệt, nhất là các bài viết về gia đình, lòng yêu thương, nhân ái, sự tri ân.

Cô Phan Thị Ngọc Linh (giáo viên dạy văn)

Chuyện của bà ngoại

Suốt chặng đường về nhà trên chiếc xe quá giang, Cẩm Tú cứ bồn chồn. Khi được thả xuống con ngõ quen thuộc, cô thoăn thoắt chạy trên con đường đất dẫn lên đồi, dẫn vào khu nghĩa trang cũ.

Căn nhà nhỏ của ông bà ngoại nép bên một cây duối cổ thụ. Trước nhà bên phải, đằng sau là những ngôi mộ. Mới xa có một tuần mà đã như lâu lắm, cô sà vào ngay chiếc giường nơi ông ngoại đang nằm thở những hơi khó nhọc. "Con đây, bé Na về rồi nè. Ngoại có đau không?..." - cô hỏi, giọng dịu dàng.

Ngồi bên bậc thềm đón những cơn gió hoang hoải thổi lồng lộng giữa nghĩa trang Phan Thiết, bà Hoàng Thị An kể về cô cháu gái: "Ngày ấy chúng tôi ở Quảng Bình dắt díu mấy đứa con vào Nam sinh sống, thuê nhà trọ ở xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương, khu công nhân. Tôi nhận đồ về may, chồng bị bệnh mất sức nên ngồi đơm nút. Mấy đứa con, đứa lớn kiếm việc làm thuê, đứa nhỏ đi học.

Mấy cô công nhân trong xóm thỉnh thoảng cũng mang xấp vải sang may áo, trò chuyện cho khuây khỏa đời nhập cư. Thế rồi một hôm có một cô bỏ xóm mà đi, để lại trước nhà tôi một bọc khăn áo. Mở ra, một bé gái một tháng tuổi và mảnh giấy: "Xin cô nuôi giúp con. Con đặt tên con là Cẩm Tú".

Con bé xinh xắn, bụ bẫm quá. Nhớ lại mẹ nó hay sang chơi, gương mặt trắng trẻo dễ thương, nói chuyện hiền lành. Tôi bồng cháu vào pha sữa cho uống. Mấy đứa nhỏ nhà tôi thay nhau bồng em. Thế là bỗng nhiên tôi có cháu. Chồng tôi tên Thái Hoàng Thu, vậy là đứa bé có tên Thái Thị Cẩm Tú.

Khi các con lần lượt lập gia đình, đi xứ khác kiếm sống, chỉ còn Tú ở với chúng tôi. Nó không chỉ đỡ tay đỡ chân, giúp tôi chăm ông ấy, mà từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng có một nghề để phụ giúp ông bà, tự lo cho mình.

Khi nhỏ ở Bình Dương, đi học một buổi, một buổi Tú xin đi bán vé số. Tội lắm, nhưng khó khăn quá đành phải để con bé đi bán quanh xóm. Rồi không còn hàng may nữa, chúng tôi dạt về Phan Thiết này. Tú lại phụ tôi bán nước mía bên cạnh nghề vé số của nó.

Từ khi vào cấp III, Tú tự đi tìm việc làm ở khu Mũi Né: phụ bán bánh mì, chạy bàn quán ăn, phục vụ trong khu resort, dẫn tour cho khách lẻ... Con bé học giỏi lắm, ai cũng thương nên giúp đỡ. Tôi đặt xe nước mía trước cổng trụ sở cảnh sát môi trường Phan Thiết. Các chú ấy cho chỗ buôn bán ổn định, cho gửi đồ nghề, lại còn cho tập vở, cấp học bổng để Tú đi học.

Khi tôi dành dụm mua được cái nền nhà trên khu nghĩa trang này, các chú công an xây tặng cho căn nhà tình thương vì họ quý cháu. Cả công ty xổ số kiến thiết cũng cấp học bổng cho Tú khi đạt học sinh giỏi. Thầy cô trong trường cũng để ý giúp đỡ... Nhờ vậy mà nay con bé vào được đại học.

Hôm nhập trường, nhìn Tú một mình quảy balô đi mà đứt ruột, vét cả nhà không có lấy một đồng cho cháu. Tiền Tú đi làm để dành được đã dốc túi đưa bà hết. Đã vậy con bé xuống nửa dốc rồi lại quay lại thầm thì: Ngoại ở nhà chăm ông, con xuống thành phố sẽ xin việc làm, gửi tiền về cho ngoại".

Bài toán của Tú

"Em đã biết mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ, khi còn sống trong chính xóm trọ mà mẹ đã sinh em ra và bỏ em lại. Các chú công an ở Phan Thiết cũng từng giúp đưa tin tìm mẹ cho em lên báo, lên tivi nhưng chưa thấy mẹ quay về. Dẫu sao em vẫn thấy mình may mắn vì mẹ đã chọn đúng chỗ để bỏ em, nơi có ông bà để em vẫn có được một gia đình riêng yêu thương cho mình.

Em đã lớn lên bằng sự đùm bọc của bao nhiêu người như thế. Vì vậy em phải cố gắng. Đi học, đi làm túi bụi từ nhỏ nhưng em không thấy cực đâu, người lớn cũng vậy mà.

Tất nhiên có những lúc em và gia đình thiếu thốn, túng quẫn. Để cứu mình khỏi những suy nghĩ tiêu cực, em vào trường dù không có giờ học. Tổ chức văn nghệ, viết báo, rủ các bạn đi dã ngoại, làm công tác xã hội... Em tự lấp đầy mình bằng cách đó vì rất sợ sẽ không đi được hết con đường.

Em mong được học báo chí - truyền thông vì thích trở thành một người tổ chức sự kiện, nhưng lại thiếu mất một điểm. Không thể bỏ lỡ cơ hội vào đại học, em chuyển sang đăng ký khoa tâm lý.

Nếu làm đúng nghề, sau này em sẽ làm công tác tư vấn nhân sự, đó cũng là một việc rất cần thiết trong xã hội phát triển. Còn không, em vẫn đủ khả năng quay về với ước mơ ban đầu của mình. Lên thành phố, em đặt cho mình mục tiêu phải trau dồi thêm ngoại ngữ để đủ công cụ cho mai sau.

Nhưng trước hết vẫn phải tính bài toán kinh tế. Để nhập trường, em đã được một nhà hảo tâm tài trợ học phí kỳ 1, được cô bạn thân cho vay tiền đóng vào ký túc xá, ông chủ tiệm bánh mì em phụ bán cho vay tiền ăn tháng đầu.

Trước đó, em làm khô gà bán cho các bạn, dành được một khoản nhỏ để lại cho bà chăm ông. Việc đầu tiên phải làm sau khi vào ký túc xá là tìm việc để tự trang trải, sau đó là trả nợ, rồi dành tiền học phí kỳ sau.

Ở khu làng đại học Thủ Đức này hơi khó tìm việc nhưng em sẽ cố gắng. Em nhất định phải sống tốt để không phụ lòng ông bà và bao nhiêu người đã giúp đỡ. Và còn để chờ ngày gặp lại mẹ nữa..." - tâm sự của Tú.

Nhiệt tình với thầy cô, bạn bè

Cô Đỗ Quy Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C Trường Phan Bội Châu, thành phố Phan Thiết, nói ngay khi nhắc đến tên Cẩm Tú: "Tú là một học sinh đặc biệt của trường. Em học giỏi lại rất năng động, hăng hái hoạt động phong trào trong lớp, trong trường.

Hoàn cảnh nhà Tú thuộc diện đặc biệt khó khăn, em sống trên đời mà không biết ai là người ruột thịt. Vậy nhưng chưa khi nào thấy em mặc cảm hay tỏ ra vướng bận điều gì. Lúc nào em cũng rất nhiệt tình với tất cả, bạn bè và thầy cô...".

Với Phạm Thị Ngọc Điệp, tân sinh viên ĐH Văn Lang: "Tú là bạn thân của em suốt những năm cấp III. Cùng tuổi nhưng Tú có nhiều cái hơn em lắm: sức học tốt hơn; siêng năng hơn, vừa đi học vừa đi làm tự kiếm sống, lại còn phụ giúp ông bà; học và làm đều có mục đích, quyết tâm, có chính kiến riêng. Bạn ấy học - làm - chơi đều hết mình như nhau".

Tiếp sức đến trường: Tin ở tương lai Tiếp sức đến trường: Tin ở tương lai

TTO - 11 năm nay, mẹ bại liệt nằm một chỗ, cha già thường đau yếu nên cuộc sống gia đình luôn túng khó. Thế nhưng chừng ấy năm, Hương vẫn tin sẽ thay đổi cuộc sống của mình bằng việc học hành chăm chỉ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên