20/11/2008 07:00 GMT+7

Tiếp nối hành trình "Xương Thủy tinh" - Kỳ cuối: Chuyện sung sướng ở Đông Thạnh

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Trong xóm nhỏ Đông Thạnh vẫn còn những khu nhà chen chúc giữa những ngôi mộ và trong những khu nhà ấy là rất nhiều trẻ con. Trẻ ở Đông Thạnh hôm nay tất cả đã được đến trường, và khi về nhà chúng vô tư chơi trốn tìm giữa những hàng huyệt mộ. Những đứa lớn hơn một chút đã biết đi quét dọn mộ vào những ngày rằm, đứa lớn hơn nữa đi bán vé số kiếm chút tiền mua tập vở. Cái ngã ba rẽ vào khu xóm ấy bà con gọi là ngã ba nghĩa địa. Và từ ngày Thu Hương chuyển về Đông Thạnh, nó bỗng đổi tên...

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bài 1:Chắp cánh ước mơ từ bãi rácBài 2:“Sư phụ bong bóng lên trời”Bài 3: Ra khỏi địa ngục

Cảm ơn những bàn tay trên hành trình thủy tinh

Ngã ba Sung Sướng

Thu Hương nói: “Là trẻ con thì phải được sung sướng dù cho có bị bệnh xương thủy tinh như Đỗ Minh Hội, hay có phải sống và vui chơi giữa những ngôi mộ như mấy đứa trẻ xóm này. Chúng vẫn vô tư, hồn nhiên, vẫn đùa nghịch, ước mơ đó thôi. Những nỗi buồn, thiệt thòi của chúng chính là do người lớn áp đặt bằng cái nhìn và tiêu chuẩn của mình”. Đúng không? Đúng. Ừ, thế thì phải gọi là ngã ba Sung Sướng chứ.

12 năm trước, chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 75 của báo Tuổi Trẻ đã lần đầu tiên mang “chút lửa hồng” của tình người đến với “bãi rác, bãi đời” Đông Thạnh. Sau cái tết ấm áp có bánh, có quà, có múa lân... các em lại vác lên vai bao tải, đeo lên trán chiếc đèn soi, lầm lũi lội vào bãi rác. Không yên lòng, những người làm báo Tuổi Trẻ lại tiếp tục kết hợp với chính quyền địa phương trợ vốn cho các gia đình và tổ chức một lớp học đặc biệt tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho các em.

Nhiều năm đã qua, bãi rác Đông Thạnh không còn, nhiều em trong số những em nhỏ ấy đã tìm được việc làm, học hết phổ thông, lên đại học để giã từ đời lượm rác.

Và Thu Hương đã làm tất cả để những đứa trẻ ở xóm được sung sướng. Mùa trung thu đầu tiên về ở xóm này, chị tìm đưa tận tay mỗi đứa trẻ một mẩu giấy: “Mời con đến dự tiệc trung thu ở nhà anh Đỗ Minh Hội”. Để làm vui lòng Hội đang bị bệnh, chị ra chợ tháo đôi bông tai nhỏ bằng vàng tây rồi xách về nào bánh, nào kẹo, nào giấy bóng, giấy màu, bút chì, bút sáp.

Chị thúc chồng ra bờ sông chặt tre về chẻ nan, cả nhà xúm xít làm lồng đèn, chăng dây, kết hoa. Mấy chị hàng xóm được huy động sang giúp làm khoai chiên, chuối chiên, đậu phộng rang, nước ngọt... Ngần ấy là đủ cho một trận vui nổ trời, đủ làm thành một truyền thống cho những năm sau, cứ gần đến trung thu là đám trẻ lại đến nhắn nhe: “Cô Hương nhớ làm trung thu nhé”, “Con thèm bánh nướng, bánh dẻo quá, má Hương ơi”...

Trung thu vừa qua, hàng chục thành viên trang web Ngôi sao blog đã đến góp tay. Hàng trăm cuốn tập, cây viết làm quà tặng, hàng trăm chiếc bánh nướng làm liên hoan, hàng trăm chiếc đèn lồng tự làm, lại cả một đội lân đến giúp vui... Một trung thu “hoành tráng đến không hoành tráng hơn được nữa”, “huongmuathu” (nickname của chị Thu Hương trên blog) hồ hởi báo cáo kết quả với các thành viên trang web như vậy.

9EBm7tUl.jpgPhóng to
Má Hương và đám trẻ ở ngã ba Sung Sướng- Ảnh: Minh Hội

Theo dõi trên blog huongmuathu sẽ thường xuyên thấy các thành viên mạng nhắn gửi: “Em mới có ít tập”, “Em mới gom được ít quần áo”, “Em có cái xe đạp”... Có gì huongmuathu cũng sẽ nhận và đưa đến những đối tượng đang cần nó nhất: em học trò nghèo, người đàn bà tật nguyền, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối... Một người bạn nhắn hỏi: “Em muốn lì xì cho mấy đứa trẻ nghèo dịp tết”, Thu Hương reo lên ngay: “Đến ngã ba Sung Sướng đi”. Và đêm 28 tết ấy, ở ngã ba chỉ được soi sáng bằng vài vệt đèn cách xa hàng chục mét, có một vòng tròn hát ca rộn ràng, có những đứa trẻ ngồi mơ màng trên bờ mộ mà nghe kể chuyện.

Bây giờ thì từ đầu tới cuối năm học, cứ vài tháng một lần bọn trẻ lại cầm sổ liên lạc chờ má Hương đến phát thưởng cho bạn nào học giỏi, có điểm cao. Cứ 1-6, Trung thu, Noel, tết lại chờ xem má Hương bày tiệc. Bé nào gặp khó khăn cũng mạnh dạn đến, chẳng thế mà đã có ba bạn được má Hương xin cho học bổng của chương trình Chắp cánh tương lai và của báo Tuổi Trẻ. Quả thật là ngã ba Sung Sướng!

Nhà thêm hai cô gái “rượu”

Ai theo dõi Hành trình “xương thủy tinh” cũng biết Thu Hương có hai cậu con trai: Hội và Khoa. Nhưng đến nhà chị sẽ gặp thêm một cô con gái cao lớn và xinh đẹp mà chị gọi là Diễm (tên thật là Thúy An). Nhà Diễm cũng ở ấp 2, Đông Thạnh, cha mẹ ly hôn, em sống với cha và cha định cho em nghỉ học đi làm. Nghe vậy, má Hương đến ngay và nói: “Con sẽ là con gái mẹ, đừng nghỉ học”. Từ đó tiền học, tiền sách vở, quần áo, tiền tiêu vặt và cả những bữa cơm của Diễm đã có má Hương lo hết, cô con gái chỉ còn việc phải học giỏi nữa mà thôi. Trên blog của Diễm tràn ngập những nụ cười tinh nghịch ở nhà má Hương: “Từ ngày có má Hương, má quan tâm hơn cả má ruột. Như vậy là hạnh phúc rồi”. Nhưng mấy ngày vừa rồi lại thấy chị Hương tỏ ra lo lắng: “Lo cho con Diễm quá”. Hỏi, chị nói: “Mới có thêm đứa con gái, sợ nó ganh tỵ, nó buồn”.

rECtGOze.jpgPhóng to
Diễm (trái) và Trương Tuyết Lan, hai cô gái “rượu” của má Hương - Ảnh: Minh Hội

Thì ra sau khi trích phần nhuận bút sách Hành trình “xương thủy tinh” để tài trợ hai suất học bổng Tiếp sức đến trường 2008 của Tuổi Trẻ, đến dự lễ về, gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực và giọt nước mắt giấu trong lòng của mấy cô bé tân sinh viên trên sân khấu giao lưu đã kéo chị quay trở lại. Trương Tuyết Lan (quê Tây Ninh, tân sinh viên Đại học Bình Dương) trở thành thành viên thứ sáu trong gia đình chị từ hôm ấy.

Sang Bình Dương lo phòng trọ, đi chọn mua đôi giày bata để tập quân sự, sớt thức ăn để phần cơm... y như chị đã sinh ra và chăm sóc Lan từ bao giờ. Một buổi tối, chị Hương tổ chức một buổi họp gia đình, công bố các “chế độ chăm sóc” công bình để hai con gái khỏi bất hòa, hai con trai khỏi thắc mắc. Chị cứ thế mà chu toàn việc nhà, việc xã hội cứ y như lẽ tự nhiên phải thế.

Và cũng như là tự nhiên, chị Hương từ vị trí là mẹ của admin (Đỗ Minh Hội), từ là một thành viên đã dần dần trở thành một “thủ lĩnh” của trang web ngoisaoblog.com, cuốn hút các thành viên theo dòng suy nghĩ rộng mở và những hoạt động nhân ái của mình. Tháng vừa rồi, ban quản trị Công ty cổ phần mạng Ngôi sao đã quyết định giao cho thành viên “huongmuathu” chức danh tổng giám đốc, giữ toàn quyền điều hành và phát triển trang web ngoisaoblog.com. “Lan ơi, mau ra trường giúp mẹ với” - đó là câu đầu tiên chị kêu lên với thành viên mới của gia đình, vì cả Hội, cả Khoa, cả Diễm, cả anh Tân chồng chị cũng đã tự nguyện đi theo “hành trình thủy tinh lấp lánh và trong veo” của chị tự bao giờ.

...............................

* Tôi đã từng đọc toàn bộ "Hành trình xương thủy tinh", nay lại "Tiếp nối hành trình xương thủy tinh" trên báo Tuổi Trẻ trong nước mắt. Cảm xúc của một người mẹ có hai con khỏe mạnh bình thường không thể cho tôi mường tượng được nỗi khó khăn vất vả trong cả mộ thời gian dài như chị. Đã vậy chị còn có nghị lực hơn ai hết khi trong cơn khốn khó còn có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác.

Tôi chỉ muốn tất cả mọi người được đọc những bài viết như thế này thôi cũng đủ làm thay đổi không ít một số người có suy nghĩ lầm lỡ, lạc lối mà quay về với cuộc sống chính nghĩa. Cảm phục trước hành trình quá gian nan vất vả mà chị đã trải qua cũng như thấy được hiệu ứng tốt của một số bạn bè trên mạng khi cùng chị tham gia vào việc giúp sức cho những người cùng cảnh ngộ, tôi - một người mẹ cũng vất vả và ít thời gian cũng âm thầm rủ rê bạn bè đọc những bài viết như thế này. Một hành động nhỏ nhoi nhưng tôi nghĩ hiệu ứng từ sự việc này thì rất tốt. Biết đâu trong số những người bạn của tôi lại rủ rê những người bạn khác...

Câu chuyện của chị đã làm biết bao nhiêu người thán phục và rơi nước mắt. Nó cần được nhân lên trong cộng đồng. Cảm ơn chị thật nhiều, chị Thu Hương ạ!

_________________

Số tới, đón đọc hồ sơ:

Sừng tê giác - huyền thoại và sự thật

Với thủ đoạn tinh vi và tổ chức ngày càng chặt chẽ, những kẻ buôn sừng tê giác quốc tế đang âm thầm bành trướng mạng lưới hoạt động, đẩy nhiều giống tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng. Hàng chục con tê giác bỏ mạng mỗi năm và hàng triệu USD đang được giao dịch trên thị trường cho những công dụng “huyền thoại” từ sừng tê giác.

Công dụng thật sự và những đồn đại hoang đường quanh công dụng của sừng tê giác? “Vị thuốc” sừng tê giác trong nước và những vụ vận chuyển về bị bắt ở VN ra sao?

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên