30/12/2011 05:01 GMT+7

Thước đo năng lực và lòng tin

ĐẬU ANH TUẤN(phó trưởng ban pháp chế VCCI)
ĐẬU ANH TUẤN(phó trưởng ban pháp chế VCCI)

TT - Điều quan trọng nhất của việc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2011 (MEI 2011) là cơ hội để các bộ nhận thấy sự đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp về mình.

Việc được đánh giá hay “bị chấm điểm” có thể không dễ chịu với nhiều người, nhưng xu hướng chung là mọi tổ chức đều có thể và nên được đánh giá để biết mình là ai, đang ở đâu và cần làm gì để tốt lên...

Qua chỉ số MEI 2011, trước hết, trong “con mắt” của các hiệp hội doanh nghiệp, các bộ đang thực hiện ở mức trung bình các công việc xây dựng và thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đánh giá, tuy giữa các bộ không khác biệt nhiều nhưng từ bộ được đánh giá cao nhất (là 59 điểm) đến số điểm cao nhất là 100 điểm là một khoảng cách rất xa. Nói một cách hình tượng, thì trong cuộc “chấm điểm” các bộ đã không tìm ra được “học trò” nào đạt mức khá, chứ chưa nói giỏi. Mà học sinh “trung bình” thì rất khó có thể yên tâm nếu cứ giữ nguyên “năng lực” này, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cần nhiều đột phá để tái cơ cấu nền kinh tế cũng như ứng phó với tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay. Do vậy, cần có nỗ lực cải thiện lớn hơn của tất cả các bộ trong việc xây dựng và ban hành chính sách tốt, tránh việc dành quá nhiều thời gian vào những nhiệm vụ phụ khác như quản lý doanh nghiệp, điều hành dự án...

Một điểm nữa thể hiện trong báo cáo MEI 2011 là dường như các bộ đã quá tập trung nguồn lực, nỗ lực cho quá trình xây dựng, soạn thảo các dự thảo văn bản pháp luật nhưng lại chưa thực hiện tốt quá trình tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp.

Quá trình rà soát, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật trên thực tế cũng rất kém. Điều này đã lý giải một phần câu hỏi tại sao thời gian qua số lượng luật, nghị định, thông tư tăng rất nhanh nhưng chất lượng nhiều văn bản không cao, nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, thường phải thay đổi nhanh; mâu thuẫn và chồng chéo khá phổ biến... Và hệ quả là môi trường đầu tư VN có thể kém hấp dẫn hơn, dòng vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng, tới các nước lân cận có hệ thống pháp lý tốt hơn. Đối với các doanh nghiệp VN thì chi phí tuân thủ pháp luật cao, khả năng nhũng nhiễu của quan chức lớn...

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011-2012 vừa công bố, chỉ số gánh nặng từ quy định của Chính phủ, VN đã bị xếp thứ 113 trên 142 nước, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (hạng 45), Malaysia (hạng 8) hay Singapore (hạng 1).

Điều cần khẳng định là bảng xếp hạng MEI 2011 này đã thể hiện tiếng nói của gần 2/3 các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động tại VN hiện nay. Phần nào đó những cảm nhận từ các hiệp hội doanh nghiệp này là một thước đo quan trọng về uy tín và thể hiện lòng tin của hiệp hội đối với bộ, ngành. Từ phía các bộ, rõ ràng họ đã có được một kênh để biết mình đã được đánh giá từ cộng đồng kinh doanh như thế nào cũng như những điểm mạnh, những điểm yếu và những kỳ vọng.

Và qua chỉ số MEI 2011, điều quan trọng không phải bộ nào đứng đầu, bộ nào đứng cuối mà sang năm có những thay đổi, tiến bộ quan trọng nào được nhận ra.

ĐẬU ANH TUẤN(phó trưởng ban pháp chế VCCI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên