13/07/2019 13:39 GMT+7

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều: Bà cụ 80 tuổi với cây đàn piano

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 6h50 sáng, bà Nguyễn Thị Lam, 80 tuổi, đi bộ ra trạm xe buýt trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM) đón xe đến lớp học đàn piano trên đường Linh Đông (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức).

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều: Bà cụ 80 tuổi với cây đàn piano - Ảnh 1.

Ngoài piano, bà Lam còn học đàn guitar - Ảnh: M.LĂNG

"Lớp học bắt đầu từ 9h sáng nhưng 7h30 tôi đã có mặt. Tôi chơi đàn đến 9h thì học tới 11h, lại theo xe thầy cô chở ra trạm xe buýt đón xe về nhà" - bà Lam cho hay.

Ước mơ thời con gái

"Học đàn là ước mơ thời tôi còn con gái. Chuyện học đàn cũng lần lữa mãi không học được gì đàng hoàng, tới giờ mới có thời gian học bài bản nên tôi thích lắm. Ngày nào học cũng đi sớm, đến chơi đàn cho thỏa thích. Đàn một mình mình nghe cũng sướng" - bà Lam thổ lộ.

80 tuổi, với bà Lam, là tuổi để bắt đầu học đàn. Lần đầu tiên được chạm vào cây đàn piano, bà run run xúc động muốn rớt nước mắt.

Với bà - phụ nữ thôn quê lam lũ, cây đàn piano là cái gì đó xa vời vì nó sang trọng quá, quyền quý quá. Bà Lam mới học đàn piano từ tháng 3-2019, một tuần ba buổi.

Bà nói: "Giờ già rồi, ngón tay cứng ngắc không được mềm dẻo, linh hoạt như thanh niên. Nhiều bài các ngón tay phải với xa nhau, khó đánh lắm. Rồi phải tập di chuyển bằng hai tay thật linh hoạt.

Lúc đầu tôi đàn piano như gà mổ thóc vậy. Đạp chân cũng khó. Học piano phải đạp chân bài nhạc mới có hồn. Phải giữ nhịp bằng chân. Piano thì cứ 2 nhịp dồn vô 1 nhịp, còn organ 1 nhịp 1. Piano bữa nay tôi mới vô nhịp được.

Rồi phải biết đọc lời, đọc nốt của bài nhạc. Mỗi lần đàn là tay, chân, mắt cùng lúc phải kết hợp, mắt ngó bài nhạc, tay thì lướt phím, chân thì nhịp... nên hồi đầu học nhìn nốt thấy loạn luôn. Nhiều người trẻ mới học còn nản, bỏ nhưng tôi vẫn ráng, cứ kiên trì. Đến tuổi này mới có thời gian đi học cho đúng niềm mơ ước của mình thì cớ gì mà nản?".

Chị Trần Thị Thọ, giáo viên Trung tâm âm nhạc Upponia nơi bà Lam đang học, cho biết: "Cô Lam là học viên lớn tuổi nhất trung tâm. Độ tuổi 80 mà học đàn từ sáng đến trưa, người trẻ mấy ai làm được.

Cô rất đam mê, tranh thủ học từng giờ từng phút. Học tới đâu ghi chép tới đó, rất bài bản. Cô ghi theo ký hiệu của riêng cô để dễ nhớ. Giờ nhìn một bản nhạc cô biết đọc nốt, đọc nhịp. Thích bản nào cô có thể chơi được bản đó.

Cô chơi được cả piano và organ. Dù tay chân còn vụng về nhưng tiếng đàn của cô nghe đẹp lắm, có chiều sâu. Cô có một đặc điểm mà bạn trẻ không bằng: học đàn bằng đam mê và tình yêu âm nhạc".

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều: Bà cụ 80 tuổi với cây đàn piano - Ảnh 2.

Bà Lam học đàn tại một trung tâm âm nhạc ở Linh Đông (Thủ Đức) - Ảnh: MY LĂNG

Cuộc đời tôi buồn quá, tôi chỉ muốn được sống trong âm nhạc để vui hơn. Nhiều lần tôi muốn được học đàn, chơi được một bản nhạc, để nhờ tiếng đàn tiếng nhạc mà mình quên đi hết quá khứ đau khổ, quên đi nỗi buồn tủi, cô đơn.

Bà Nguyễn Thị Lam


Để được trọn vẹn tuổi già

Thuở thanh xuân, bà Lam biết chơi đàn mandolin, một chút guitar, là thành viên đội văn nghệ của xã Quế Bình (Hiệp Đức, Quảng Nam), rồi sau này lên đội văn nghệ của huyện.

"Tôi mê học đàn lắm. Đàn gì cũng thích. Guitar cũng đánh được. Hồi đó mà có điều kiện học hành đàng hoàng chắc giờ tui đã trở thành nhạc sĩ. Nhưng hồi đó nhà đã nghèo lại đông con. Tôi là con thứ 6, phải ở nhà giữ em nên dang dở việc học" - bà Lam nhớ lại.

Đến tuổi cập kê, bà Lam lấy chồng. Họ có với nhau 5 người con. Năm 1981, vợ chồng bà đi kinh tế mới, vào Bình Giã (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cuộc hôn nhân vốn đã chênh vênh nhiều năm, cuối cùng cũng không thể níu giữ được. Ly dị chồng, bà Lam trở thành trụ cột kinh tế lo miếng cơm manh áo cho cả nhà, vừa làm mẹ vừa làm cha của 5 người con.

Bà làm rẫy, làm bánh ú, bánh chưng, vừa bán lẻ vừa bỏ sỉ ở khu vực Bà Tô (huyện Xuyên Mộc). Người con thứ tư phải gửi về Đà Nẵng cho nội nuôi. Mấy người con lớn người thì học ở Bà Rịa, người thì học ở Biên Hòa.

Mùa hè, bà Lam lên Sài Gòn bán sữa đậu nành. Con cái ở nhà tự chăm sóc nhau. Một thời gian sau, bà đưa các con lên Sài Gòn ăn học.

"Đây là ngôi nhà thứ 10 tôi ở. Tôi 9 lần làm nhà. Cuộc đời tôi đi tứ xứ không biết bao lần. Đi Đà Nẵng, vô Cam Ranh, vào Bà Rịa - Vũng Tàu rồi về Đồng Nai, quay lại Cam Ranh, rồi vào Sài Gòn" - bà Lam cho biết.

Bà Lam tâm sự: "Cuộc đời tôi buồn quá, tôi chỉ muốn được sống trong âm nhạc để vui hơn. Nhiều lần tôi muốn được học đàn, chơi được một bản nhạc, để nhờ tiếng đàn tiếng nhạc mà mình quên đi hết nỗi buồn, cô đơn. Muốn lắm nhưng cuộc sống quá nhiều thứ phải lo phải làm, không cho phép tôi thực hiện được mong ước của mình".

60 tuổi, khi đó bà Lam đang ở Long Thành (Đồng Nai), một lần đi nhà thờ thấy người ta chơi đàn piano bà thích quá, xin học thì người ta chê lớn tuổi, không dạy.

"Khi còn trẻ muốn học thì không có tiền. Già rồi, có tiền, muốn học thì không có thầy chịu dạy" - bà Lam nói.

20 năm sau, khi chuyển vào TP.HCM ở cùng nhà với người con út, thấy cháu nội có cây đàn piano nhưng không chịu học, để không thấy tiếc, bà Lam mày mò tự học. Rồi bà tra Google và tìm thấy một trung tâm chịu dạy piano cho người cao tuổi.

"Trời ơi lúc đó tôi vui dữ lắm" - bà Lam nói - "Bao nhiêu lần tôi muốn học nhưng không có thầy. Cuộc đời tôi cái gì cũng dang dở, nên về cuối đời tôi phải sống trọn vẹn cho mình. Tôi không còn lo kinh tế nữa, giờ đi học đàn để được vui sống trong những ngày còn lại".

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều: Bà cụ 80 tuổi với cây đàn piano - Ảnh 4.

Bà Lam đón xe buýt đến trung tâm học đàn piano - Ảnh: MY LĂNG

"Bà già thời đại"

Hỏi về việc học đàn, bà Lam cười bẽn lẽn cho hay: "Trình độ tôi bây giờ bình thường thôi. Học cho vui, cho thỏa ước mong của mình, chứ không phải học để đi thi đấu. Giờ piano tôi biết chơi 10 bản nhạc, còn organ chơi được 15 bản".

Bà Lam cho biết bài nhạc khó nhất là Làng tôi. Đó là bài thứ 20 trong 35 bài của Tập nhạc 1 dành cho người lớn của Trung tâm âm nhạc Upponia. Các bài khác bà Lam chỉ học một tuần là đàn được, nhưng bài Làng tôi phải mất nửa tháng.

"Lần đầu tiên đàn được bản nhạc, sướng lắm - bà Lam nói - Tối đó về đàn miết, càng đàn càng thấy phiêu. Giờ ngày nào cũng vậy, sáng cứ thức dậy là đàn trước đã. Tôi dậy rất sớm, từ 4h sáng, đàn cho đến 6h lo nhà cửa, ăn uống. Mấy đứa cháu gọi tôi là bà già thời đại".

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 1: Bà sinh viên 63 tuổi Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 1: Bà sinh viên 63 tuổi

TTO - Nhiều người để cho ước mơ thời thanh xuân khuất lấp, dở dang vì kinh tế, gia đình, con cái. Đến khi tóc đã bạc, da đã nhăn, họ mới thực hiện được ước mơ từ thời son trẻ của mình, ở cái tuổi bên kia sườn dốc của cuộc đời.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên