12/07/2019 13:46 GMT+7

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 1: Bà sinh viên 63 tuổi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Nhiều người để cho ước mơ thời thanh xuân khuất lấp, dở dang vì kinh tế, gia đình, con cái. Đến khi tóc đã bạc, da đã nhăn, họ mới thực hiện được ước mơ từ thời son trẻ của mình, ở cái tuổi bên kia sườn dốc của cuộc đời.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 1: Bà sinh viên 63 tuổi - Ảnh 1.

Thẻ sinh viên của bà Kiên

Tôi mãn nguyện vì đã thực hiện được ước mơ vô đại học. Nhưng tôi tiếc, giá như mình có điều kiện học sớm hơn 10 năm trước thì mình khỏe hơn được 10 năm rồi.

Bà Vi Thị Kiên

"Nhiều người bảo tuổi này rồi ở không cho sướng, học làm gì cho cực, có cái bằng đại học cũng có làm được gì nữa đâu. Nhưng tôi vô đại học không phải để lấy cái bằng đi làm kiếm tiền. Tôi vô đại học vì muốn thực hiện ước mơ bị dang dở hồi trẻ là trở thành sinh viên" - bà Vi Thị Kiên, hiện là sinh viên năm 2 khoa luật Trường ĐH Cần Thơ, nói.

61 tuổi mới bắt đầu vào đại học

Sinh viên năm 2 này đã là bà của sáu đứa cháu nội ngoại. Năm nay bà bước sang tuổi 63. "Quê tôi ở Tri Tôn, An Giang. Thời chiến tranh, gia đình tôi ở trong vùng giải phóng. Khi tôi thi đậu tú tài 1 thì chiến tranh dữ dội, gia đình nghèo nên không ra tỉnh học được, phải tạm dừng việc học. 

Đất nước hòa bình, tôi là giáo viên dạy hợp đồng cấp I. Tôi luôn ước mơ có một ngày có bằng đại học nhưng quá xa vời vì ngày đó nghèo đói khổ lắm" - bà Kiên kể.

Dạy học được 2 năm thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, năm 1978. Lính Pol Pot tràn qua biên giới, tàn sát người dân. 

"Gia đình tôi 20 người bị thảm sát, chỉ còn lại mình tôi may mắn thoát chết, theo đoàn người chạy giặc xuống xã Tà Đảnh" - bà Kiên cho hay. Không lâu sau, cô gái mồ côi ấy lập gia đình. Hai vợ chồng nghèo lay lắt làm thuê làm mướn nuôi bốn đứa con lần lượt ra đời.

Vác lúa mướn, bán bánh canh, bán cà phê..., việc gì bà Kiên cũng làm, chỉ cần có tiền nuôi bốn đứa con ăn học. "Xưa chiến tranh, cha mẹ mình nghèo không có tiền cho mình học hành đến nơi đến chốn. Hồi đó tôi học giỏi nhất trường, nhất khối, cứ nghĩ về ngày xưa là tiếc lắm, nhớ lắm. Nên khổ mấy cũng ráng lo cho tụi nhỏ ăn học" - bà Kiên nói.

Quần quật làm lụng, vợ chồng bà Kiên nuôi bốn người con học hành thành đạt, trở thành dược sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhân viên bưu chính viễn thông. Sau khi lo cưới gả xong cho cả bốn người con, bà Kiên mới bắt đầu nghĩ đến ước mơ của mình. 

"Sau khi nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ hoàn thành rồi, tôi mới lo cho mình. Thằng út lập gia đình 10 năm trước nhưng khi đó kinh tế vẫn còn khó khăn, tôi vẫn chưa thể đi học ngay được. Bây giờ tôi mới có thời gian để thực hiện ước mơ" - bà Kiên kể.

Khi nghe bà nói sẽ đi học lại, mấy đứa con không phản đối mà chỉ lo bà không học nổi. Nhưng bà vẫn quyết tâm đi học. 58 tuổi, bà Kiên đăng ký học bổ túc cấp III tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tri Tôn. 

Để đi học được ở tuổi gần 60 với người phụ nữ ấy không hề đơn giản. Vừa quán xuyến nhà cửa, chợ búa, cơm nước, giặt giũ... rồi xách cặp đi học, bà Kiên vẫn kiên trì.

"Học cực lắm. Có lúc tôi khóc, muốn bỏ cuộc. Ngày xưa tôi học giỏi thiệt nhưng lúc đó còn trẻ, tiếp thu rất nhanh. Còn khi đi học bổ túc thì tôi đã gần 60 tuổi rồi" - bà Kiên cho hay. 

Môn hóa, lý và những môn thuộc bài, bà không sợ như môn toán: "Tôi sợ môn toán lắm, nhưng không hối hận sao mình đi học lại chi cho cực khổ. Tôi cứ nghĩ giờ mình đi tới chặng đường này rồi, không thể bỏ được, phải cố gắng".

Tháng 5-2017, bà Kiên hoàn thành chương trình cấp III hệ bổ túc. "Thầy hiệu trưởng bảo nếu cô Kiên đậu đại học, con sẽ mở tiệc mừng" - bà Kiên nói. Vậy mà bà Kiên đậu đại học thật. Nói về lý do chọn khoa luật, bà giải thích: "Mình lớn tuổi rồi, đâu có làm bác sĩ hay kỹ sư được nữa. Tôi học luật để có kiến thức nhiều hơn, để có gì thì tư vấn cho bà con".

Một ngày đầu tháng 9-2017, người phụ nữ nông thôn 61 tuổi ấy bước chân vô cánh cổng trường đại học với tư cách sinh viên. "Tôi hồi hộp, vui dữ lắm. Cứ như mình đang mơ vậy" - bà Kiên nhớ lại.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 1: Bà sinh viên 63 tuổi - Ảnh 3.

Niểm vui sướng của bà Vi Thị Kiên khi được bước chân vào giảng đường đại học, thực hiện được ước mơ thời thanh xuân - Ảnh: MY LĂNG

Người bạn học đặc biệt

Bà Kiên đậu đại học hệ chính quy nhưng xin chuyển sang hệ vừa học vừa làm. "Ban ngày tôi mắc công việc và sợ bị áp lực quá không theo nổi" - bà Kiên giải thích. Để thuận tiện, bà ở nhà con trai thứ ba (bác sĩ Nguyễn Thanh Chơn, trưởng khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Quốc tế Phương Châu ở Cần Thơ) để cắp sách đến trường.

"Lúc đầu mình tưởng là cô giáo hoặc phụ huynh dẫn con đi học, ai dè cô ấy là bạn học chung lớp với mình - Võ Tấn Phát, lớp trưởng lớp DC1732N1, nói về bà Kiên - Cô Kiên đi học rất chăm. Một học kỳ cô chỉ nghỉ 1-2 buổi. Cô có nhiều điểm đặc biệt lắm. Luôn ngồi đầu bàn. Lúc nào cũng đi học sớm nhất lớp. Ghi chép bài rất nhanh. 

Có những môn thi cho sử dụng tài liệu nhưng cô vẫn không dùng, nhớ gì làm đó. Làm bài thi cô hay nộp trước mà điểm cao lắm, toàn 8 điểm, 8,5 điểm, có môn 9 điểm. Năm học trước, điểm tích lũy của cô đạt xuất sắc với 3,67, cao thứ hai trong lớp".

Phát còn cho hay chỉ có công nghệ là bà Kiên "chịu thua". Mỗi sinh viên có một tài khoản để tra cứu nhưng bà Kiên không biết cách sử dụng. Muốn coi điểm thi trên máy tính, lớp trưởng cũng phải coi giúp.

Vì bà Kiên không biết sử dụng Internet nên mỗi lần có tài liệu học, lớp trưởng phải in ra gửi thay vì gửi qua email... Nhưng không sao cả, ai cũng cảm phục người bạn học đặc biệt ấy. "Có cô, tiết học thêm thú vị, sinh động vì cô hay phát biểu" - Phát nói.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 1: Bà sinh viên 63 tuổi - Ảnh 4.

Bà Vi Thị Kiên trong lớp học - Ảnh: MY LĂNG

Biết đủ thứ nhờ học đại học

"Học đại học dễ hơn học cấp III - bà Kiên tự tin khẳng định - Giờ học môn nào xong thi môn đó liền. Còn hồi học cấp III cứ dồn lại thi một lúc, học muốn chết luôn. Học luật hay lắm. Hồi xưa không học hổng biết luật gì hết trơn. Học rồi biết đủ thứ chuyện hay trên đời. Giờ vật chất, tiền bạc thì không ngại. Con cái đã lo xong hết rồi. Tôi chỉ sợ sức khỏe không cho phép. Tôi ước sẽ học lên thạc sĩ, tiến sĩ".

Học viết tên mình ở tuổi... 83 Học viết tên mình ở tuổi... 83

TTO - 'Tôi đọc và viết được tên của mình rồi!', phạm nhân L.T.H.T., 83 tuổi nói như reo khi đang làm việc tại xưởng chế biến hạt điều ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai vào một ngày cuối tháng 8-2018.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên