09/04/2018 12:49 GMT+7

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương

LAN ANH
LAN ANH

TTO - "Phải tìm mặt hàng thị trường đang có nhu cầu để sản xuất chứ không phải ào ào trồng rồi lại đổ đi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh khi đối thoại với nông dân.

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương - Ảnh 1.

Buổi đối thoại giữa nông dân với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hải Dương sáng 9-4 - Ảnh: NAM TRẦN

Đối thoại với gần 500 nông dân cả nước sáng nay 9-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe nhiều câu hỏi và những vấn đề mà nông dân muốn giải quyết rốt ráo về vốn, đầu ra cho nông sản, đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn...

Trước khi bước vào đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phó thủ tướng Vũ Đức Đam và 6 bộ trưởng cũng như nhiều đại diện bộ ngành đã đi thăm một mô hình thu mua, chế biến nông sản xuất khẩu ở Tứ Kỳ, Hải Dương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân tại Hải Dương ngày 9-4 - Video: NAM TRẦN

Cùng thể chế mà nơi làm được, nơi loay hoay

Và Thủ tướng đã đem chính ví dụ này ra chia sẻ ở buổi đối thoại: "Kho lạnh của doanh nghiệp đạt độ lạnh -16 độ, đối tác Nhật Bản rất thích bắp cải Hải Dương ngọt và su hào củ to, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn thị trường. Nông dân làm trong nhà máy này có lương 5-7 triệu, không phải lo đầu ra".

Từ đó Thủ tướng đặt vấn đề: "Vì sao cùng cơ chế mà nơi làm được, nơi vẫn loay hoay? Vấn đề chính là con người thôi".

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp những thắc mắc của nông dân tại buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Nhưng con người có cố gắng cũng cần phải có chính sách hỗ trợ. Thực tế là từ 2 năm trước gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc ở Ninh Giang, Hải Dương đã vay ngân hàng trên 1 tỉ đồng để thuê đất trồng hành tỏi xuất khẩu. 

Đối tác Nhật Bản đã đến thăm hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Safe Farm của gia đình bà Ngọc và sẵn sàng mua một container hành tỏi tươi của trang trại mỗi tuần.

Hiện bà Ngọc bán hành tỏi tươi tại ruộng giá 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là gần 10.000 đồng/kg, so với trồng lúa lãi suất cao hơn rất nhiều. 

Các mô hình nông nghiệp khác được giới thiệu trong buổi đối thoại đều cho thấy sản xuất sạch, an toàn, dám đầu tư, biết chọn sản phẩm phù hợp sẽ thành công.

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương - Ảnh 4.

Khoảng 500 nông dân đại biểu cho nông dân cả nước đã tham dự buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Nhưng vướng mắc về đất đai đang bỏ lỡ nhiều cơ hội của nông dân. Như chính bà Ngọc chia sẻ tại buổi đối thoại: "Chúng tôi mới chỉ thuê được trên 4ha đất, thu hoạch chỉ 2 tạ/tuần. Chúng tôi không dám nhận hợp đồng vì hiện xã chỉ cho thuê đất 5 năm/lần. 

Thời gian 5 năm quá ngắn, chúng tôi không dám đầu tư, bởi sản xuất sạch đòi hỏi phơi đất 1 năm, chỉ còn có 4 năm sản xuất thực tế".

Rất nhiều câu hỏi hóc búa cũng được gửi đến Thủ tướng trong buổi đối thoại: chuyện nông dân "bí" đầu ra, được mùa thì mất giá, nông dân Hải Dương phải chặt bỏ su hào, người trồng củ cải ngoại thành Hà nội phải nhổ cho bò ăn hồi sau tết Nguyên đán, có lúc dưa hấu chín bị vứt ngoài ruộng vì thu về bán giá quá thấp...

"Chúng ta phải bán thứ thị trường cần, tìm mặt hàng thị trường đang có nhu cầu để sản xuất chứ không phải chỉ ào ào đi trồng và bán thứ anh có", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi lại với nông dân.

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương - Ảnh 5.

Ông Tăng Xuân Trường, đại diện nông dân tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi với Thủ tướng - Ảnh: NAM TRẦN

Cần liên kết 6 nhà

Trước đây khi bàn về mô hình nông nghiệp, người ta hay bàn về liên kết 3-4 "nhà", nhưng lần này Thủ tướng yêu cầu phải liên kết 6 "nhà": nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối và nhà nước.

Ngay lập tức có 2 câu hỏi cho "nhà băng". Hai nông dân sản xuất giỏi đã nhiều lần đặt câu hỏi vì sao họ chưa vay được vốn ngân hàng, phải đi vay tín dụng đen lãi suất cao. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay trong 2 tuần tới ngân hàng sẽ làm việc với các nông dân này, tìm cách tháo gỡ.

Điều ngân hàng băn khoăn là tài sản trên đất của các hộ nông dân này có đảm bảo về pháp lý để thế chấp cho ngân hàng và có lẽ đây là lý do dẫn đến ngân hàng chưa cho vay.

Thủ tướng đã chú ý đến câu hỏi và câu trả lời của cả hai bên, và đặt vấn đề là cần xem xét các thủ tục thế chấp tài sản trên đất hiện đã thuận lợi cho người dân chưa. Thủ tướng cũng chỉ rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp để tín dụng đen xuất hiện ở nhiều nơi. 

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương - Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường trả lời các thắc mắc của nông dân tại buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

"Thành quả lớn nhưng chúng ta chưa phát huy hết thế mạnh của nông nghiệp, một bộ phận nông dân sống nghèo khổ, bấp bênh, năng suất lao động nông thôn thấp kéo theo năng suất lao động người Việt thấp", Thủ tướng chỉ ra.

Thủ tướng cho rằng tổ chức lại sản xuất để phát huy thế mạnh từng vùng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn là việc cần làm ngay. 

Thủ tướng yêu cầu có tầm nhìn để phát triển nông nghiệp có khả năng cạnh tranh. Chủ tịch huyện, xã, tỉnh phải dành thời gian đối thoại với nông dân, giải đáp những thắc mắc của người dân.

"Chúng ta sẽ bán thứ thị trường cần", Thủ tướng nhấn mạnh lại. 

Thủ tướng đối thoại: Người Nhật thích bắp cải, su hào Hải Dương - Ảnh 7.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng các đại biểu tại hành lang buổi đối thoại - Ảnh: NAM TRẦN

Nông dân hỏi Thủ tướng chuyện được mùa mất giá Nông dân hỏi Thủ tướng chuyện được mùa mất giá

TTO - Hôm nay 9-4, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với nông dân ở Hải Dương. Đến cuối tuần trước đã có trên 1.000 câu hỏi được nông dân khắp nơi gửi đến Thủ tướng.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên