04/04/2018 11:29 GMT+7

Tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân: bằng cách nào?

TRẦN MẠNH - SƠN LÂM ghi
TRẦN MẠNH - SƠN LÂM ghi

TTO - Bàn luận về bài viết “Tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân”, nhiều ý kiến cho rằng đây là mục tiêu khó đạt trong 5 năm tới bởi còn nhiều cản ngại trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Tăng gấp đôi thu nhập cho nông dân: bằng cách nào? - Ảnh 1.

Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch tôm càng xanh - Ảnh: CHÍ QUỐC


Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu

* TS Võ Mai (phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn VN): 

Mục tiêu quá tham vọng

vo mai

Ảnh: T.M.

Chỉ trong 5 năm tới mà tăng thu nhập của nông dân lên gấp đôi là một mục tiêu quá tham vọng của Bộ NN&PTNT trong tình hình sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay. 

Về cơ bản, sản xuất nông nghiệp của VN vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, trình độ lạc hậu, công nghệ sau thu hoạch rất yếu, chủng loại sản phẩm đơn điệu, chất lượng không ổn định và đầu ra có giới hạn. 

VN lấy gì để đảm bảo nông nghiệp sẽ tăng trưởng mãi trong thời gian tới khi mà đất đai chỉ có chừng đó, các cây trồng chủ lực đã đạt đến tới hạn của năng suất, sản lượng trong nước cũng như giới hạn tiêu thụ của thị trường? 

Cách đây 5 năm là cao su, rồi đến lúa gạo, rồi nay là hồ tiêu đang giảm giá quá sâu vì làm ra không biết bán đi đâu. Ngành chăn nuôi heo cũng đang khổ sở vì giá bán thấp dưới giá thành.

Tất nhiên, cũng có một số mặt hàng có tốc độ phát triển nhanh như trái cây, nhưng thị trường cũng sẽ đến một lúc nào đó tăng trưởng chậm lại. Chúng ta xuất khẩu trái cây chủ yếu sang Trung Quốc và nhìn chung là xuất khẩu trái cây tươi và khô. 

Công nghệ chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao các mặt hàng nông sản của VN rất yếu, nếu không có đầu tư vào công nghệ thì không thể gia tăng giá trị nông sản đột biến được.

Trong khi đó, để đầu tư vào công nghệ quy mô công nghiệp phải có vùng nguyên liệu lớn, có chính sách thu hút đầu tư vào ngành này như ưu đãi về đất đai, vốn, thuế thu nhập... 

Thế nhưng các chính sách của VN thời gian qua ban hành nhiều mà doanh nghiệp tiếp cận không được bao nhiêu. Để phát triển một ngành công nghiệp chế biến phải tính thời gian cả chục năm, 5 năm là một thời gian ngắn và không thể thực hiện được mục tiêu nói trên.

* Ông Nguyễn Văn Thành (nông dân sản xuất giỏi huyện Tân Hưng, Long An):

Phải giải được bài toán đầu ra

thanh

Ảnh: Sơn Lâm

Theo tôi, trong 5 năm tới rất khó tăng được gấp đôi thu nhập cho người dân. Hiện nay, việc sản xuất của hầu hết nông dân vẫn bấp bênh về đầu ra. 

Cứ phải hồi hộp đo lường quy luật "được mùa, mất giá" vì sản xuất trong những mảnh đất nhỏ lẻ, manh mún và các phương pháp truyền thống sẽ mãi mãi khiến nông nghiệp giậm chân tại chỗ. 

Không ổn định được đầu ra, nông dân sẽ cứ mãi tự mày mò những quy luật thị trường, và việc sản xuất nông nghiệp cứ bị xé lẻ, dễ bị thao túng giá cả và ngày càng mất chất lượng sản phẩm.

Vậy nên, để tăng thu nhập cho người nông dân, cần nhất là giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. 

Tất cả sẽ làm được nếu cùng đồng bộ cải tổ về phương thức sản xuất, đưa ra những mô hình nông nghiệp có bao tiêu sản phẩm tốt. Khi đầu ra được đảm bảo thì tất nhiên những điều kiện đi kèm sẽ được người dân tuân theo như nâng chất lượng nông sản theo chuẩn đầu ra, tăng cường kỹ thuật canh tác... Và từ đó nền nông nghiệp lại có thể đem lại cơ hội làm ăn ổn định, tăng thu nhập.

* GS Võ Tòng Xuân:

Cải tổ bộ máy cồng kềnh

vo tong xuan

Ảnh: C.Quốc

Để ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân gấp 2 lần trong vòng 5 năm tới như cam kết của bộ trưởng, tôi nghĩ bộ trưởng phải làm rất nhiều việc, vượt qua nhiều thử thách, trong đó có việc bộ cần cải tổ ngay bộ máy quản lý cồng kềnh nhưng kém nhạy

bén của bộ mình.

Bộ cần nhanh chóng xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái với đầy đủ công nghệ chế biến và bảo quản đi kèm (phần lớn vẫn là mua gom bởi thương lái). Phải khắc phục ngay chuyện đã có một ít mô hình nông nghiệp thành công nhưng chưa được nhân rộng cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện để áp dụng...

H.T.Dũng ghi

Cần giữ chữ tín

Thông tin trên báo chí cho biết trái vú sữa của Việt Nam xuất sang Mỹ rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng cũng đã xuất hiện tình trạng vú sữa ngoài vùng cấp mã số trà trộn vào hàng xuất khẩu, dẫn đến có phát hiện giòi trong trái vú sữa Việt Nam.

Chuyện kinh doanh gian dối tương tự như vậy hiện có nhiều: bơm tạp chất vào thân tôm để tăng trọng lượng, dùng dây đẫm nước trói cua, bơm nước vào heo, nhét chuối đầy bầu diều gà vịt, nhúng hóa chất cho trái chín đồng loạt...

Ngay ở lĩnh vực cây giống cũng có chuyện gian dối. Dừa xiêm xanh giống đang có giá, hút hàng thì các cơ sở ươm dừa thu mua cả dừa ta (dừa khô) trái nhỏ ươm cây và bán như dừa xiêm giống.

Nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, ba bốn năm trời cây mới cho trái thì lại ra xoài tứ quý... Cây sầu riêng cũng vậy, mua giống sầu riêng hạt lép, người trồng mong đợi từng năm cây cho trái ngon nhưng đến khi cây cho trái là sầu riêng hạt lú (cơm mỏng hạt to)...

Làm ăn chỉ biết cái lợi cho mình, không nghĩ đến sự nguy hại cho người khác là không bền vững, sẽ mất thị trường, mất cơ hội phát triển của đất nước.

Muốn nông nghiệp phát triển, thu nhập nông dân tăng gấp đôi thì phải thay đổi, phải giữ chữ tín trong kinh doanh. Điều này không chỉ dựa vào cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh việc kinh doanh gian dối, mà cần chú trọng dựng lại con người qua công tác giáo dục.

LƯ THẾ NHÃ (Bến Tre)

TRẦN MẠNH - SƠN LÂM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên