04/02/2023 14:44 GMT+7

Thơ có phải là mặt hàng tuyệt vọng trên con đường xuất khẩu?

Đó là câu hỏi được nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đặt ra trong buổi tọa đàm 'Dòng thơ giữa phố' vừa diễn ra vào sáng 4-2 tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM.

Thơ có phải là mặt hàng tuyệt vọng trên con đường xuất khẩu? - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm là hoạt động mở màn cho Ngày thơ Việt Nam - Ảnh: HỒ SƠN

Buổi tọa đàm về thơ ca có sự tham dự của các khách mời: nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, nhà thơ Hoàng Hưng, Lê Xuân Đố, Lê Thiếu Nhơn, Trần Mạnh Hảo…

Khi thơ chưa chinh phục người Việt...

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phát biểu: "TP.HCM là một trong số ít những đô thị có nhiều nhà thơ xuất thân khác nhau. Từ thế hệ của những người đã thành danh trước năm 1975, thế hệ những người kháng chiến trở về từ chiến khu, thế hệ nhà thơ thanh niên xung phong, cho đến thế hệ sinh sống trong thống nhất hòa bình của đất nước.

Thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có một công trình nào ghi nhận và đánh giá nó một cách khách quan. Tất cả những bài viết về thơ của báo chí chỉ tạm thời dừng ở những lời ca tụng kèm theo chút gia vị chứ chưa chạm được những vấn đề lớn hơn".

Đó là lý do tọa đàm Dòng thơ giữa phố được tổ chức. Mục đích để nhìn nhận những vấn đề thơ ca trong thời buổi hiện nay và lý giải vì sao TP.HCM có thể dẫn đầu kinh tế cả nước nhưng không thể dẫn đầu về thi ca.

Thơ có phải là mặt hàng tuyệt vọng trên con đường xuất khẩu? - Ảnh 2.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Ảnh: TRẦN MẶC

Đại diện cho những nhà thơ trẻ, nhà thơ Trần Đức Tín cho rằng hiện nay có nhiều thuận lợi cho các nhà thơ nhưng kèm theo đó là những thách thức.

Khi so sánh giữa sự nghiệp và con đường văn thơ, nhà thơ trẻ thừa nhận đó là "quang gánh không cân xứng" vì văn chương không thể nuôi sống bản thân anh.

Bên cạnh đó, khi nhìn về thị trường thơ hiện nay, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng nhiều lần đề ra câu hỏi: "Thơ có phải là một mặt hàng tuyệt vọng trên con đường xuất khẩu?".

Đáp lại điều này, nhà thơ Trần Mạnh Hảo nêu ý kiến: "Thơ phải chinh phục được tất cả mọi người rồi mới chinh phục được ra thế giới. Thơ của anh không thể chinh phục được người Việt Nam thì không thể đòi dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp".

Trong suốt buổi tọa đàm, nhiều bài tham luận, nhiều ý kiến của các nhà thơ, nhà văn được nêu lên và ghi nhận. Nhưng xét thấy, vẫn chưa có câu trả lời thật sự thỏa đáng cho những câu hỏi đã được đặt ra ban đầu.

Nhiều hoạt động tôn vinh Ngày thơ Việt Nam

Bên cạnh tọa đàm Dòng thơ giữa phố, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức tại khuôn viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM để tôn vinh Ngày thơ Việt Nam.

Với chủ đề Khát vọng phương Nam, các câu lạc bộ tham gia sẽ trình bày các lều thơ một cách sáng tạo, đa dạng để thu hút khách thưởng thơ, nghe thơ. Ngoài ra, tại đây còn có các poster chân dung và thơ tự chọn của các nhà thơ tham gia Ngày thơ.

Thơ có phải là mặt hàng tuyệt vọng trên con đường xuất khẩu? - Ảnh 4.

Không gian diễn ra Ngày thơ Việt Nam - Ảnh: BTC

Nhà văn Trịnh Bích Ngân cho biết Ngày thơ năm nay có chủ đề Khát vọng phương Nam, thể hiện ý chí bất khuất của người dân TP.HCM và vùng đất phương Nam suốt 300 năm mở cõi.

Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam sẽ diễn ra vào sáng 5-2. Sau chương trình khai mạc, Hội Nhà văn TP.HCM sẽ tiến hành tổng kết, phát giải cuộc thi bút ký Những hy sinh thầm lặng.

Chân dung nhà thơ, nhà văn Việt Nam qua tranh họa sĩ Lê Sa LongChân dung nhà thơ, nhà văn Việt Nam qua tranh họa sĩ Lê Sa Long

Nhân Ngày thơ Việt Nam 2023, họa sĩ Lê Sa Long công bố bộ tranh 'Chân dung những người cầm bút' vẽ chân dung các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên