10/12/2010 10:08 GMT+7

Lãnh đạo thế giới phản đối bắt ông chủ WikiLeaks

PHAN ANH
PHAN ANH

TTO - Thủ tướng Nga Vladimir Putin và một số nhà lãnh đạo thế giới phản đối việc bắt giữ người sáng lập WikiLeaks và nói việc Julian Assange bị giam ở Anh là "phi dân chủ".

Thêm những bí mật gây chấn động

t6D802DB.jpgPhóng to
Thủ tướng Nga Vladimir Putin phản đối việc bắt giữ ông chủ WikiLeaks - Ảnh: AFP

Theo AP, bà Navi Pillay, quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền, hôm 9-12 đã ra lời cảnh báo đối với những hành động chặn nguồn quỹ và hoạt động trực tuyến của WikiLeaks, cho đó là “vi phạm quyền tự do ngôn luận của WikiLeaks”.

Bà Pillay thể hiện thái độ ngạc nhiên về quy mô của các cuộc tấn công trên thế giới mạng nhằm vào các công ty lớn của Mỹ. “Đây thực sự là một cuộc chiến không gian ảo mà truyền thông nhắc đến. Những gì đang diễn ra thật đáng kinh ngạc”, Pillay nói.

Tại Hà Lan, một nam thiếu niên 16 tuổi liên quan đến các cuộc tấn công trên mạng của giới tin tặc ủng hộ WikiLeaks vừa bị bắt.

Trong khi các đồng minh của Mỹ chỉ trích WikiLeaks, một số lãnh đạo thế giới lại đặt ra nhiều nghi vấn về vụ bắt bớ này.

Ngày 9-12, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nói tại một cuộc hội thảo: “Tại sao ông Assange lại bị giữ trong nhà tù? Đây có phải là dân chủ hay không?”. Thủ tướng Nga cho rằng việc bắt giữ Assange cho thấy phương Tây đang có vấn đề với nền dân chủ của họ.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho hay ông rất ngạc nhiên khi không thấy các lãnh đạo phản đối việc bắt giữ này.

“Khi người đàn ông này bị bắt, tôi không thấy bất kỳ cuộc biểu tình nào để đòi tự do ngôn luận”, ông Silva nói ngày 9-12 tại Brazil. “Chẳng có gì cả, chẳng có sự đòi hỏi quyền tự do ngôn luận và chống đối việc giam ông Assange, người làm việc còn tốt hơn vô số các vị đại sứ”.

Tuy nhiên, những cuộc biểu tình nhỏ ngoài đường phố đã được thực hiện để ủng hộ WikiLeaks. Tại Úc, có 250 người biểu tình đổ xuống đường Brisbane, trong khi ở thành phố Multan của Pakistan, vài chục người đã xuống đường để đốt cờ Anh và Mỹ để phản đối việc bắt giữ Assange.

“Người đàn ông dũng cảm đó bị bắt vì anh ta đã vạch trần bộ mặt thật của các thế lực lớn”, một người biểu tình nói.

Sáng nay 10-12, tại London và Brisbane cũng sẽ có vài cuộc biểu tình ủng hộ WikiLeaks.

Ngay sau khi “người hùng sự thật” Julian Assange bị cảnh sát bắt, giới tin tặc đã nhân danh ủng hộ WikiLeaks đánh sập trang web chính thức của chính phủ Thụy Điển - quốc gia đòi dẫn độ Assange để điều tra một vụ cáo buộc cưỡng bức.

0uJiILu4.jpgPhóng to
Cuộc chiến giữa các tin tặc và chuyên gia IT đang diễn ra trên thế giới mạng vì WikiLeaks - Ảnh: CNN

Tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 9-12, trang regeringen.se của chính phủ Thụy Điển vì tê liệt trong vòng vài giờ. Joakim von Braun, chuyên gia tư vấn về IT của Thụy Điển chỉ trích chính phủ thiếu thông tin và sơ suất không đề phòng các cuộc tấn công vào thế giới mạng.

Trang web của văn phòng công tố Thụy Điển từ ngày 7-12 đã bị ngập chìm trong cơn lũ truy cập, không phải vì thu hút độc giả mà xuất phát từ một loại tấn công làm trang web tê liệt trong đêm và vẫn thiếu ổn định trong sáng 8-12.

Tin tặc cũng tấn công vào các công ty cung cấp thẻ tín dụng như MasterCard, Visa, Amazon, Paypal, Every DNS bởi các công ty này đã từ chối thực hiện các dịch vụ thanh toán và tên miền cho WikiLeaks.

Trong khi đó, giới tin tặc chống đối WikiLeaks, chủ yếu là chuyên gia IT của các công ty trên, cũng không chịu để yên và phản công lại các trang web đăng tài liệu của WikiLeaks, làm bùng nổ một cuộc chiến trong không gian ảo.

AP cho biết ngày 9-12, trang web của báo Al-Akhbar viết bằng tiếng A rập của Li băng đã bị đánh sập sau khi họ được WikiLeaks liên hệ và đăng các tài liệu ngoại giao rò rỉ của Mỹ.

Omar Nashabe, thành viên ban biên tập, cho biết đây là vụ tấn công tồi tệ nhất kể từ khi Al-Akhbar được thành lập vào năm 2006. Hôm 9-12, họ đăng một tài liệu liên quan đến vấn đề tham nhũng ở Tunisia, trong đó các bức điện tín của ngành ngoại giao Mỹ cho thấy có sự tham nhũng trong gia đình tổng thống Zine El Abidine Ben Ali. Tuần trước, họ đăng một tài liệu khác cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Elias Murr đã đưa ra một kế hoạch tư vấn cho phía Mỹ về việc Israel có thể đánh bại Hezbollah trong một cuộc chiến tương lai.

Nashabe cho biết tờ báo đang cố gắng khắc phục để khởi động lại trang web và tiến hành điều tra vụ tấn công.

Một nhóm tin tặc mang tên Anonymous (những kẻ vô danh) cho biết đã thực hiện các đòn trả đũa những công ty không ủng hộ WikiLeaks.

Paul Mutton, một chuyên gia phân tích tại công ty Netcraft, cho hay nhóm này dùng một phần mềm chỉnh sửa để cho phép những người ủng hộ WikiLeaks có thể tham gia tấn công, dù họ chẳng biết gì về kỹ thuật của tin tặc. Họ chỉ cần tải một tập tin, sau đó tập tin này sẽ được điều khiển từ xa để gửi hàng nghìn yêu cầu truy cập giả đến các trang web muốn tấn công để những website này bị tê liệt.

Số lượng máy tính tham gia vào vụ việc bắt đầu từ 400 đã lên đến 2.000 vào hôm 8-12, đến hôm nay là 3.000, dù nhỏ nhưng đủ để hạ gục MasterCard và Visa.

Mutton cho biết ông thấy ngạc nhiên về hiệu quả của loại tấn công này vì không cần đến nhiều nhân lực.

Tuy nhiên, sáng nay 10-12, CNN đưa tin các tài khoản của Anonymous trên Facebook và Twitter - các dịch vụ của Mỹ, vừa bị khóa.

Những người ủng hộ WikiLeaks ở Thụy Sĩ và Đức đang đe dọa kiện các công ty tài chính Mỹ như Visa và MasterCard vì họ không thực hiện thanh toán cho trang web này, khiến các hoạt động quyên tiền ủng hộ WikiLeaks bị đóng băng.

Tin bài liên quan:

Hai mặt trận chống WikiLeaksWikiLeaks ai tiết lộ ai?Tổng biên tập WikiLeaks đang ở đâu?Interpol phát lệnh bắt người sáng lập WikiLeaks“Hậu trường truyền thông” WikiLeaksLàm ngoại giao thì được, lừa dối nhân dân thì không

PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên