13/07/2011 06:24 GMT+7

Thành tích và sự trung thực

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH(ĐH KHXH&NV Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH(ĐH KHXH&NV Hà Nội)

TT - Câu chuyện “Vụ sửa điểm thi lớn nhất lịch sử giáo dục Mỹ” mang lại nhiều suy nghĩ trong những ngày thi cử này. Hai đất nước thuộc hai châu lục, có trình độ phát triển khác nhau, cách xa hàng vạn dặm nhưng lại có điểm giống nhau: mắc bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông.

Chúng ta rất khuyến khích giáo viên các trường phổ thông dạy tốt, có nhiều học sinh giỏi, xuất sắc để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội phát triển. Nhưng thành tích tốt trong giáo dục cần được thực hiện một cách trung thực, khoa học và đầy tính nhân văn với phương pháp sư phạm chứ không phải bằng sự gian dối, làm dở báo cáo hay.

Ở Việt Nam chưa thấy nói đến chuyện giáo viên “sửa đáp án bài thi của học sinh” như ở thành phố Atlanta của nước Mỹ, nhưng cũng có chuyện “tự ý nâng điểm cho học sinh để đạt được danh hiệu giáo viên giỏi và trường giỏi”. Hay mấy năm trước báo chí xôn xao chuyện sửa kết quả học tập trong học bạ của học sinh ở một trường thuộc nội thành Hà Nội.

Lãnh đạo thích thành tích để vừa lòng cấp trên, người dân thì tin vào nhà trường, thầy cô giáo. Chỉ có xã hội và học sinh chịu thiệt thòi nhất. Ngay từ tuổi thơ, các em đã được chứng kiến và đau lòng thay, được giáo viên dạy những hành vi không trung thực. Sự gian dối thật muôn hình vạn trạng: như “để duy trì và nâng cao danh hiệu thi đua, cô giáo chủ nhiệm lớp cháu đã xếp một em giỏi và một em yếu ngồi cùng nhau trong các giờ kiểm tra và cả trong các đợt thi học kỳ... nhằm mục đích là em yếu có thể chép bài của em giỏi để đạt điểm cao” (“Xin đừng dạy trẻ sự dối trá”).

Hay thi học kỳ lấy thành tích thì đề thi dễ, còn thi nội bộ để phân loại học sinh, xếp lớp thì đề thi khó. Khi có thanh tra của cấp trên đến kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm dặn học sinh: “Nếu ai hỏi cô có đánh các em không, thì trả lời cô không bao giờ đánh các em nhé” (thực tế cô giáo đã từng đánh học trò gãy vài ba chiếc thước kẻ), hoặc khi có cấp trên dự giờ, một số em là học sinh cá biệt, học yếu sẽ được “gửi tạm sang phòng bên” đề phòng lỡ đại biểu cấp trên hỏi, em không trả lời được...

Trong môi trường giáo dục phi sư phạm như vậy, thử hỏi các em lớp 1 có khả năng “miễn dịch” với cái xấu, cái sai hay không? Ở độ tuổi của các em, lời cô giáo quyền uy hơn lời cha mẹ. Các em không nghe theo mới là chuyện lạ. Đau lòng thay, sự “vâng lời” rồi làm theo những điều không nên làm đã nhuộm tâm hồn trong trắng của trẻ thơ những vết hoen mờ. Hỡi các thầy cô giáo, có khi nào quý vị nghĩ đến hệ lụy xã hội mà quý vị gây nên? Hay chỉ vì sức ép của thành tích, vì sĩ diện, vì miếng cơm manh áo mà làm ngơ?

Trở lại vụ sửa điểm ở Mỹ, các cơ quan chức năng Mỹ vào cuộc điều tra, cho dù thống đốc bang Georgia phải cay đắng thừa nhận công bố kết quả điều tra ngày 5-7 là “một ngày đen tối trong ngành giáo dục Atlanta” khi công bố một báo cáo dày 800 trang của Cục Điều tra bang Georgia. Để “bảo vệ thành tích” trong giáo dục, “giới chức ngành giáo dục thành phố Atlanta liên tục từ chối điều tra những vụ sai phạm được phản ánh và không hề yêu cầu những người sai phạm đứng ra nhận trách nhiệm”. Nhưng công lý vẫn đi đến đích, người Mỹ đã dũng cảm giải phẫu khối u có căn nguyên từ bệnh thành tích. Còn chúng ta, nếu tỉ lệ học sinh giỏi thấp, tỉ lệ tốt nghiệp THPT không cao, dù đó là kết quả phản ánh đúng chất lượng giáo dục, lại xem đó là sự xấu hổ (?!).

Mấy năm trước, ngành giáo dục đã “nói không với bệnh thành tích”, chỉ có điều giữa nói và làm còn nhiều khoảng cách.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH(ĐH KHXH&NV Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên