30/03/2021 09:51 GMT+7

Thẩm phán, kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng sẽ có những bản án công lý

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN
TIẾN LONG - NGỌC HIỂN

TTO - Sáng 30-3, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thẩm phán, kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng sẽ có những bản án công lý - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua có đóng góp không nhỏ của hoạt động xét xử, kiểm sát của các lực lượng bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội và bình yên cho nhân dân.

Dù vậy, ông Nghĩa băn khoăn về một số hạn chế còn tồn tại trong hoạt động tư pháp. Theo ông, những tư tưởng, quan điểm tiến bộ của chiến lược cải cách tư pháp theo nghị quyết của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013, được bổ sung trong các luật về tòa án, viện kiểm sát, hình sự, tố tụng hình sự, điều tra, giam giữ, thi hành án... nhưng thực tế vẫn có những điều tra viên, thẩm phán và kiểm sát viên chưa thay đổi tư duy, thói quen để phù hợp quy định mới.

Luật sư Nghĩa dẫn chứng: Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để. Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ nhận không phải bằng chứng cứ và luận cứ khách quan.

Nhiều trường hợp người bị tạm giữ hay tạm giam theo luật định là những người chưa có tội nhưng phải chịu những điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí hơn cả khi thi hành án. Có trường hợp nghi can bị chết khi bị tạm giam, cho dù nguyên nhân là tự tử thì vẫn là khuyết điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các thời hạn, thời gian tố tụng, thi hành án dân sự, hình sự, hành chính bị trễ thường xuyên. Không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí bị quên lãng. Có những trường hợp bản án bị hủy, sửa vì sai sót nhưng thẩm phán khi xét xử lại bất chấp ý kiến giám đốc thẩm của tòa cấp trên.

Có những bản án dựa trên những luận cứ sơ sài, bất hợp lý, không xem xét chứng cứ toàn diện. Nhiều bản án thiếu đầu tư công sức, trí tuệ, dẫn đến có những bản án oan rất sơ sài.

"Không ít doanh nhân trong và ngoài nước hết sức lo lắng khi có những phán quyết của tòa thương mại bị tòa hủy bỏ vì những sai sót tiểu tiết hoặc những lý do vô lý khiến cho họ rất ngại khi đầu tư vào Việt Nam", đại biểu Nghĩa nói.

Theo đại biểu của TP.HCM, khi có tranh chấp, vi phạm; khi người dân bị bắt nạt, lừa đảo, xâm hại, họ chờ đợi Nhà nước, trực tiếp là các cơ quan tiến hành tố tụng, khôi phục công bằng cho họ. Nghĩa là ban hành các bản án dựa trên công lý. Công bằng phải được đảm bảo bằng công lý. Và đó là nhiệm vụ chủ yếu của ngành tư pháp.

"Niềm tin vào ngành tư pháp là niềm tin hữu cơ vào chế độ và những điều tra viên, kiểm sát viên có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin trong nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng. Muốn vậy họ phải giữ được liêm chính như nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra", ông nói.

Tuy vậy, đại biểu Nghĩa cũng nhìn thẳng thực tế, theo kinh nghiệm của các nước, kể cả ông cha ta, để giữ liêm chính hiệu quả nhất thì cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện cá nhân, Nhà nước phải đảm bảo thu nhập cho họ ít nhất ở mức trung bình. Ngay cả các nước phát triển nhất, quan tòa không thể giàu nhưng nhà nước cũng không để họ thuộc diện đói nghèo.

"Năm 1986 GDP đầu người của Việt Nam gần 100 USD (86 USD - NV), đến năm 2020 là 3.500 USD, thử hỏi lương của thẩm phán, kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa?", ông Nghĩa trăn trở.

“Nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng, cùng với một quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài, tôi tin rằng, cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước. 

 Đó là: người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ, dù họ giàu hay nghèo; và công lý không bao giờ được phép là đối tượng mua bán, như Nguyễn Du đã từng miêu tả trong Truyện Kiều thời xưa. 

Được vậy thì người dân không cần đi tìm xem Bao Công trong phim Trung Quốc, bởi vì đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương, bằng thịt trong mỗi tòa pháp đình trên đất nước Việt Nam”.

Cần đảm bảo công bằng trong hòa giải

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đánh giá bên cạnh rất nhiều mặt làm được, ngành tòa án vẫn còn tồn tại như trong công tác xét xử, tỉ lệ phản án do lỗi chủ quan vẫn chưa giảm, vẫn còn cho hưởng án treo không đúng pháp luật.

Theo ông Sơn, tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm dù đã giảm song không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và tiến độ giải quyết kinh doanh thương mại còn chậm, thời gian giải quyết các dự án kinh doanh thương mại còn kéo dài.

Ông Sơn đề xuất xét xử trực tuyến theo xu hướng chung của thế giới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thì nêu vấn đề còn tồn tại trong hòa giải khi đã có luật hòa giải song nhiều người phản ánh hòa giải chưa đạt đến độ thực chất. Đại biểu này đề nghị đảm bảo cho người hòa giải thực sự trung lập, đảm bảo sự thỏa thuận công bằng.

Báo cáo của tòa án, viện kiểm sát: Án oan giảm dần theo từng năm Báo cáo của tòa án, viện kiểm sát: Án oan giảm dần theo từng năm

TTO - Trong 5 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các trường hợp bị khởi tố, điều tra oan chiếm tỉ lệ rất nhỏ, giảm dần theo từng năm và giảm 52,7% so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

TIẾN LONG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên