06/01/2017 09:15 GMT+7

Thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Đó là một trong những trăn trở mà Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ tại cuộc gặp với báo giới ngày 5-1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp báo chí ngày 5-1 - Ảnh: Việt Dũng
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc gặp báo chí ngày 5-1 - Ảnh: Việt Dũng

Tuổi Trẻ lược thuật những nội dung chính cuộc gặp giữa Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và báo chí xoay quanh hoạt động của ngành ngoại giao năm 2016 và các vấn đề đối ngoại trọng tâm của Việt Nam năm 2017.

* VOV: Xin Phó thủ tướng đánh giá về tình hình khu vực, thế giới trong năm qua?

- Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Nói một cách ngắn gọn năm 2016 là một năm bất ổn và khó lường. Xu hướng chung của thế giới và khu vực vẫn là mong muốn hòa bình và đóng góp làm sao tạo dựng được hòa bình dù dưới góc độ này hoặc góc độ khác.

Có những sự kiện mà có lẽ 10 năm trước chúng ta vẫn không thể đánh giá được nó sẽ xảy ra vào năm 2016, ví dụ như bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ sau gần 50 năm hay như thỏa thuận hòa bình lịch sử ở Colombia, những thể chế tồn tại rất lâu như EU đối mặt với hiện tượng Brexit, rồi những dòng trào lưu quay trở lại phát huy chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, và liên kết kinh tế...

Rồi tình hình an ninh truyền thống, phi truyền thống đều phức tạp. Trong thế kỷ 21, vẫn có những cuộc chiến tranh cục bộ xảy ra, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)...

* Tuổi Trẻ: Bên cạnh những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong năm 2016, đâu là những điều chưa làm được?

- Trong năm 2016 cũng như các năm trước đây, chúng ta đã triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và mục tiêu của chúng ta là làm sao tạo được môi trường hòa bình để phát triển, do đó đối với những biến động bất ổn hay khó lường trên thế giới, chúng ta đều có những phản ứng về chính sách hết sức phù hợp.

Tuy nhiên có những cái chúng ta không đạt được như kỳ vọng. Ví dụ, các lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam cũng như lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài đều tập trung vào việc ký kết các thỏa thuận nhưng các bộ ngành và các địa phương chưa triển khai các thỏa thuận này thực sự hiệu quả. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong tương lai. Văn hóa thực thi phải tốt hơn nữa.

Hai là, làm sao mang lợi ích và phổ biến kiến thức các hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đến người dân và doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương.

* Tuổi Trẻ: Đâu là thách thức đối ngoại trong năm 2017 khiến Phó thủ tướng ưu tư, trăn trở nhất?

- Môi trường an ninh, khu vực trong năm 2017 có thể đánh giá rất khó lường, được dự đoán là mang lại nhiều biến đổi, thách thức cho chúng ta. Chúng ta đã có đà quan hệ hết sức tích cực, quan trọng trong những năm qua. Trong bối cảnh có sự thay đổi về chính quyền ở nhiều nước, việc làm sao duy trì khuôn khổ quan hệ mà chúng ta đã có, tiếp tục đà quan hệ đó là một thách thức lớn.

Hai là, theo tinh thần của nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Tình hình hội nhập quốc tế của chúng ta đang trên đà tiến triển thì gặp chiều hướng quay lại chủ nghĩa bảo hộ, phản ứng tiêu cực với toàn cầu hóa, phản ứng tiêu cực với những liên kết về kinh tế. Đó là một thách thức lớn khác khiến tôi trăn trở.

* Lao Động: Phó thủ tướng nhận định như thế nào về vấn đề Biển Đông thời gian tới và bước đi của Việt Nam sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc?

- Tình hình Biển Đông trong năm 2016 vẫn có rất nhiều diễn biến phức tạp như các hoạt động bồi đắp, mở rộng các đảo đá từ đảo chìm trở thành đảo nổi, việc thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo đá.

Tháng 7-2016, Tòa trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó có đưa ra những định nghĩa pháp lý, làm rõ yêu sách về chủ quyền Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Khi Tòa trọng tài ra phán quyết, chúng ta ngay lập tức đưa ra tuyên bố hoan nghênh việc này.

2016 cũng là năm các nước ASEAN đưa ra tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao (AMM 49) tại Lào, khẳng định lo ngại về tình hình ở Biển Đông trong đó có vấn đề bồi đắp đảo, đồng thời cũng ra được tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), khẳng định tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý.

Tình hình Biển Đông sắp tới tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại đối với chúng ta. Biển Đông là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất kỳ động thái nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường ổn định ở đây. Quan điểm của Việt Nam vẫn là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên