22/11/2016 00:36 GMT+7

Mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ

TTXVN
TTXVN

TTO - Tại phiên họp kết thúc Hội nghị cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiều 20-11 (sáng 21-11 giờ VN), lãnh đạo 21 quốc gia thành viên APEC cam kết cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

*** Error ***
Lãnh đạo các nền kinh tế thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chụp ảnh chung - Ảnh: TTXVN

Theo tuyên bố chính thức của APEC, các nhà lãnh đạo tái khẳng định “cam kết mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng tuyên bố “chống lại những nhân vật theo chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại tự do, các nhân tố sẽ làm suy yếu thương mại và cản trở sự phục hồi cũng như phát triển của kinh tế thế giới”.

Các nước cũng cam kết tránh hạ giá đồng tiền nội địa nhằm tăng tính cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam

Tại phiên bế mạc hội nghị, với tư cách lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được mời phát biểu về Năm APEC 2017 tại Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Chủ tịch nước chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Chủ tịch nước chúc mừng Peru đã đăng cai thành công Năm APEC 2016, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao lần thứ 24 và cảm ơn Chính phủ và nhân dân Peru cùng Tổng thống Pedro Pablo Kuczynsky về sự chuẩn bị chu đáo và đón tiếp nồng hậu dành cho các lãnh đạo và đại biểu APEC.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 đã thành công tốt đẹp, thông qua tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC với hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”.

Tuyên bố tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

APEC tăng cường kết nối

Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo APEC đã tham dự phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”.

Đây là những nội dung hợp tác then chốt của APEC trong năm 2016.

Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của an ninh lương thực và nguồn nước đối với tăng trưởng chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua “Khuôn khổ chương trình nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”, “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển nông thôn - thành thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng” trong năm 2016.

Các nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường kết nối là nhu cầu tất yếu giữa các thành viên APEC trong thế kỷ 21 trước xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng, kết nối số, kết nối thể chế và con người nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Tối 20-11 (tức sáng 21-11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thủ đô Lima, Peru, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 24.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ý Sergio Mattarella, Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đi thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ý từ ngày 21 đến 24-11, thăm Tòa thánh Vatican ngày 23-11.

Chủ tịch nước hội đàm với thủ tướng Nhật Bản

Cũng trong ngày làm việc cuối cùng của Tuần lễ cấp cao APEC 24, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu và lâu dài, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.

Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Thủ tướng Shinzo Abe thông báo Nhật Bản đã quyết định viện trợ cho Việt Nam một số phương tiện phòng cháy chữa cháy và xe cứu hộ, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ tích cực để Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hai bên chia sẻ quan điểm về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên