"Thủ phạm" là do chọn sai kích cỡ giày thể thao
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - chia sẻ hiện tượng tê chân, hoặc có cảm giác như bị kiến bò ở lòng bàn chân khá phổ biến, với lý do chính là lối sống thụ động, không thay đổi tư thế trong một khoảng thời gian dài.
Tuy nhiên, đối với vận động viên hoặc những người đam mê thể thao, hiện tượng tê chân vẫn xuất hiện trong khi họ đang tham gia thi đấu, rèn luyện từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có hai nguyên nhân chính là do bệnh lý và không do bệnh lý.
Cụ thể, nguyên nhân chính gây tê chân ở người chơi thể thao là giày quá chật gây áp lực lên các dây thần kinh ở bàn chân. Bởi nguyên nhân gốc rễ nằm ở kích cỡ giày, nên cách khắc phục chỉ có thể là mua giày mới với kích thước phù hợp hơn.
Đa số người chơi thể thao lựa chọn giày trên kích cỡ có sẵn trên thị trường, nhưng lại ít quan tâm đến chiều rộng của bàn chân. Trong trường hợp bàn chân bè rộng, nên lựa chọn những loại giày có phần trước rộng tương ứng để các ngón chân để không bị siết khi di chuyển.
Ngoài ra nên chọn giày thể thao lớn hơn nửa số so với cỡ giày mà bạn đi hằng ngày. Vì trong quá trình chạy, chân sẽ sưng lên, đặc biệt là trong thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam.
Khi đã chọn giày đúng kích cỡ nhưng chân vẫn bị đau sau khi chơi thể thao thì vấn đề có thể nằm ở cách thắt dây, buộc giày quá chặt. Chúng ta có xu hướng cố gắng buộc giày thật chặt để giày vừa khít với mắt cá chân và không bị bung khi chơi thể thao, dẫn đến việc có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở mu bàn chân.
Hiện tượng này càng trầm trọng hơn ở những người có vòm bàn chân cao. Nếu việc nới lỏng dây giày tạo cảm giác không an toàn khi chạy, chúng ta có thể thử các kỹ thuật cài dây khác nhau.
Bác sĩ Lộc cho biết thêm hình thức chạy, cụ thể là việc đáp chân sai cách có thể gây áp lực lên thần kinh ở cổ chân dẫn đến tê chân. Lỗi chạy phổ biến nhất là sải bước quá dài, khiến cho gót chân tiếp đất và bàn chân ở phía trước so với trọng tâm cơ thể.
Bên cạnh đó, khi tăng cường độ và quãng đường chạy một cách đột ngột có thể dẫn đến các chấn thương ở cơ, khiến các thành phần ở cổ chân bị sưng nề và gây chèn ép thần kinh khi chạy.
Do đó, khi mới bắt đầu chạy cần dành thời gian để nâng cao sức chịu đựng và sức mạnh từ từ, bằng cách áp dụng chương trình tập luyện có thể luân phiên đi bộ và chạy, sau đó tăng cường độ tập luyện.
Ngoài những nguyên nhân trên, bác sĩ Lộc cho hay cấu trúc bàn chân bẩm sinh như bàn chân bẹt (toàn bộ lòng bàn chân tiếp xúc với sàn khi bạn đi chân trần) hoặc khớp cổ chân bị lỏng hay bị u thần kinh cũng gây tê chân khi tập thể thao.
Làm sao tránh tê chân khi chơi thể thao?
Để tránh bị tê chân khi chơi thể thao, bác sĩ Lộc hướng dẫn cần lựa chọn giày có kích cỡ và cách buộc dây giày phù hợp. Về tư thế chạy, cần tránh sải bước dài quá mức và điều chỉnh bàn chân tiếp đất ở ngay dưới trọng tâm cơ thể.
Đồng thời tránh tập luyện quá sức, hãy đưa những ngày nghỉ vào lịch tập luyện vả tăng dần quãng đường chạy để tránh chấn thương.
Khi chơi thể thao, một số cơ sẽ hoạt động tích cực hơn các cơ khác, điều này dẫn đến hiện tượng đau do căng cơ sau khi tập luyện, do đó cần kéo giãn cơ giúp thư giãn cho các nhóm cơ bị co rút sau tập.
Với người có bàn chân bẹt, đế chỉnh hình có thể giúp nâng đỡ vòm bàn chân, làm giảm áp lực lên các dây thần kinh ở bàn chân, tránh hiện tượng tê chân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận