10/01/2019 09:54 GMT+7

Tập huấn kỹ để giáo viên chủ động thực hiện chương trình giáo dục mới

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Không 'cầm tay chỉ việc' mà có hướng dẫn rõ ràng để giáo viên chủ động thực hiện chương trình mới. Vì mỗi giáo viên có những điểm mạnh, yếu khác nhau và họ mới là người biết cần phải điều chỉnh thế nào.

Tập huấn kỹ để giáo viên chủ động thực hiện chương trình giáo dục mới - Ảnh 1.

Theo Bộ GD-ĐT, giáo viên sẽ có vai trò quyết định trong việc thực hiện chương trình mới. Trong ảnh: cô trò lớp 1/2 Trường tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đại diện Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã nêu ý kiến như trên tại hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào ngày 9-1. Và đây cũng là điểm khác biệt mà Bộ GD-ĐT đang muốn định hướng trong lần đổi mới này.

"Bộ GD-ĐT kiên quyết cắt bỏ những quy định hành chính hóa hoạt động chuyên môn như quy định sổ sách đối với giáo viên, thay thế bằng ứng dụng CNTT. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể và chế tài đối với các hiệu trưởng không thực hiện đúng chỉ đạo".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Giáo viên quyết định sự thành, bại

Ông Phùng Xuân Nhạ - bộ trưởng Bộ GD-ĐT - đã khẳng định điều này tại hội nghị để đặt tầm quan trọng đặc biệt trong việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, tập huấn giáo viên.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng đồng tình với quan điểm của một số địa phương cho rằng không thể "cầm tay chỉ việc" mà chỉ có thể hướng dẫn, tập huấn kỹ để giáo viên chủ động.

Tuy nhiên, để các "cỗ máy" tại 63 tỉnh, thành chuyển động, giáo viên có thể chủ động vượt lên các trở ngại thực hiện tốt chương trình, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề cao vai trò "kích hoạt" của các hiệu trưởng.

Với quan điểm này, Bộ GD-ĐT đang rà soát và kiểm soát chặt việc thực hiện các chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên, cùng với các bộ liên quan đề xuất chính sách đãi ngộ, đề xuất cải tiến thang bảng lương cho giáo viên, đồng thời khích lệ các nhà trường chuyển động theo hướng chủ động sắp xếp sử dụng đội ngũ giáo viên hiệu quả, đúng người, đúng việc và ghi nhận đúng với kết quả lao động, cống hiến.

Đa dạng hình thức tập huấn giáo viên

Hai câu chuyện được đại diện các UBND tỉnh, thành và các sở GD-ĐT đặt ra tại hội nghị là vấn đề giải quyết bài toán "thiếu giáo viên" và "tập huấn chương trình mới thế nào". Trong đó việc tập huấn không chỉ ở khía cạnh dạy học thế nào mà còn là cách bố trí giáo viên, xây dựng kế hoạch nội dung dạy học, tổ chức cho học sinh tự chọn môn học.

Hiện tại cả nước đang thiếu gần 76.000 giáo viên đang là bài toán đặt ra khi chương trình giáo dục phổ thông mới khởi động. Đại diện nhiều sở GD-ĐT lo lắng việc thực hiện môn tích hợp hay tổ chức dạy học tự chọn sẽ khiến các trường, địa phương gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - khẳng định với thiết kế môn tích hợp ở THCS hiện nay thì xáo trộn về đội ngũ giáo viên sẽ không xảy ra.

Trả lời Tuổi Trẻ trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành cũng giải thích các giáo viên đơn môn vẫn chủ yếu dạy mạch kiến thức môn của mình và chỉ cùng nhóm giáo viên thiết kế các chuyên đề chung. Tuy nhiên, ông Thành cho biết sẽ hướng dẫn kỹ về việc dạy môn tích hợp cũng như tổ chức dạy học tự chọn.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, "tập huấn giáo viên qua mạng sẽ là khâu đột phá của việc triển khai chương trình" vì tất cả giáo viên sẽ được tiếp cận với chuyên gia, với bài giảng, nguồn học liệu mà không chỉ được truyền lại từ giáo viên cốt cán đại diện tham gia các lớp tập huấn như trước.

Ông Thành cũng bổ sung Bộ GD-ĐT đang kết hợp nhiều hình thức tập huấn. Trong đó có các phần mềm dạng offline cho giáo viên không có điều kiện tập huấn online, kết hợp với tập huấn trực tiếp, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong các nhà trường theo hướng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ thực hiện.

Những băn khoăn

Tập huấn kỹ để giáo viên chủ động thực hiện chương trình giáo dục mới - Ảnh 3.

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM thực hành môn vật lý tại phòng thực hành STEM của trường - Ảnh: N.H.

Ông Nguyễn Minh Tường - giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ - đã đặt vấn đề chương trình mới thiết kế theo hướng mở, vậy triển khai "hướng mở" như thế nào cũng cần có sự chỉ đạo rõ hơn.

Ông Nguyễn Anh Ninh - giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai - lo lắng khi bộ quy định học sinh tiểu học không được dạy học quá 7 tiết/ngày (với nơi dạy 2 buổi/ngày) thì thời gian học sinh tan học sớm, cha mẹ chưa đón được. Việc tổ chức cho học sinh hoạt động vui chơi, học kỹ năng sống... thì lại phạm vào quy định nên các nhà trường bị lúng túng.

Đại diện ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Minh Thuyết giải thích về việc thiết kế chương trình mở, thể hiện ở việc lần đầu không quy định cứng số tiết/tuần mà chỉ quy định số tiết/năm.

Giáo viên dạy bám theo yêu cầu của chương trình, chứ không theo sách giáo khoa nên có thể sử dụng các nguồn tài liệu khác nhau để thiết kế bài giảng. Các nhà trường khi chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục có thể chủ động dựa vào khung chương trình để thiết kế các chuyên đề, hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt, đa dạng...

Đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Giang bày tỏ những băn khoăn rất cụ thể nhưng lại là nỗi lo của các nhà trường, của cha mẹ học sinh khi thực hiện chương trình mới. Ví dụ như "nếu mỗi trường chủ động thiết kế kế hoạch dạy học thì các trường sẽ dạy học lệch nhau. Nếu như học sinh vì hoàn cảnh phải chuyển trường thì sẽ gặp khó khăn".

Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng việc chuyển trường theo quy định hiện hành cũng phải hết học kỳ hoặc năm học, khi các trường đều phải hoàn thành nội dung chương trình quy định.

Còn trường hợp chuyển trong năm học thì học sinh phải đảm bảo yêu cầu đầu vào của các nhà trường và chủ động bổ sung kiến thức môn học còn thiếu do các trường dạy lệch nhau về nội dung (sắp xếp trình tự nội dung khác nhau).

Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn

Nhiều băn khoăn cụ thể, chi tiết được đặt ra trong hội nghị cho thấy còn nhiều vướng mắc chưa được hiểu thấu đáo hoặc cần hướng dẫn. Nhưng theo ông Phùng Xuân Nhạ, mục đích tổ chức hội nghị cũng để nắm hết các băn khoăn, thắc mắc này và trong các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ GD-ĐT ban hành tới đây sẽ cụ thể hóa hơn để các nhà trường "nhìn vào thực hiện được".

Không phải đổi mới là lại mua thiết bị

Trao đổi với báo chí bên hành lang hội nghị, ông Phạm Hùng Anh - cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT - khẳng định: Bộ GD-ĐT không đặt vấn đề đổi mới chương trình nghĩa là phải đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Theo ông Anh, cơ sở vật chất là một trong những điều kiện để thực hiện chương trình mới. Các nước trên thế giới cũng như ở VN, một chu kỳ chương trình cần thay đổi là 5-10 năm. Nhưng cơ sở vật chất không phải lúc nào cũng cần điều chỉnh như vậy. Dù thực hiện chương trình mới hay cũ thì về khoa học mà nói, thiết bị cũng không thay đổi vì đổi mới không thay đổi nội dung khoa học các môn học.

* Thiết bị học tập phục vụ chương trình mới có đòi hỏi gì mới so với trước đây?

- Định hướng thay đổi chủ yếu là đẩy mạnh CNTT trong ứng dụng thiết bị dạy học. Trước đây, các nhà trường có nhiều tranh ảnh, mẫu vật cồng kềnh, phục vụ nhiều cho trình diễn của giáo viên. Từ nay sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, lấy tranh ảnh đó là tranh ảnh điện tử, các mẫu vật đó thành mô hình 3D để học sinh quan sát thuận lợi và sinh động hơn. Các thiết bị được đầu tư tăng cho học sinh thực hành, thí nghiệm để các em có trải nghiệm tốt hơn.

* Bộ sẽ có quy định hướng dẫn thế nào để tránh việc mua sắm lãng phí?

- Quốc hội vừa thông qua Luật công sản, trong đó Bộ GD-ĐT phải đưa ra yêu cầu, định mức về thiết bị dạy học. Đợt này khi ban hành danh mục thiết bị, bộ cũng sẽ đưa kèm định mức và các địa phương không thể vượt qua định mức này. Ví dụ thiết bị A tiêu chuẩn 6 học sinh/bộ, nếu có nơi mua với tỉ lệ 4 học sinh/bộ thì cơ quan tài chính sẽ không cho phép.

Khi quy định đặt ra những tiêu chuẩn chặt chẽ cả về chuyên môn cũng như định mức thì có thể yên tâm không có chuyện địa phương lạm dụng việc này để mua sắm ào ạt, gây lãng phí.

* Bộ đã tính toán thế nào về mức đầu tư cơ sở vật chất ở các địa phương để thực hiện chương trình mới?

- Bộ GD-ĐT không tính toán về giá. Giá thiết bị phụ thuộc vào sự lựa chọn chất lượng thiết bị. Mỗi địa phương sẽ căn cứ vào năng lực tài chính của mình để quyết định mua thiết bị phù hợp.

Tất nhiên nếu sử dụng thiết bị chất lượng trung bình thì tuổi thọ sẽ ngắn và ngược lại. Việc lựa chọn này do địa phương toàn quyền quyết định theo phân cấp, bộ chỉ quy định với bài học, chủ đề này phải có thiết bị dạy học gì để đáp ứng yêu cầu, còn mua sắm thiết bị thế nào là do địa phương...

Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới Thiếu 76.000 giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

TTO - Chiều 9-1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sẽ bàn kỹ các điều kiện đủ để chương trình khả thi và lộ trình thực hiện.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên